Chương trình hợp tác du lịch 8 tỉnh TBMR gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, được triển khai từ tháng 11/2008. Kể từ khi triển khai thực hiện, lượng khách đến khu vực này tăng đáng kể, chất lượng tour du lịch có những bước đột phá, du lịch đã đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Hội thảo đã cập nhật các hoạt động hỗ trợ của Dự án EU và kế hoạch hỗ trợ của Dự án đến cuối năm 2014 và dự kiến các hoạt động hỗ trợ trong năm 2015; thảo luận về bản tóm lược kết quả điều tra khách du lịch tại Sapa. Các lĩnh vực hỗ trợ của dự án gồm: hình thành tổ chức quản lý điểm đến đa thành phấn; cải thiện và phát triển quan hệ đối tác công – tư; phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm; quảng bá điểm đến vùng; đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực.
Tại hội thảo, Trưởng nhóm Tư vấn Kỹ thuật Dự án EU, bà Mary McKeon đã trình bày cách thức hỗ trợ của Dự án EU đối với hoạt động Quản lý điểm đến tại Việt Nam. Dự án EU hướng tới mang lại những hiểu biết sâu sắc hơn về du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam thông qua tăng cường thể chế và hỗ trợ chính sách; thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư và tính cạnh tranh của sản phẩm; đào tạo nghề.
Ngoài ra, chuyên gia quốc tế về phát triển điểm đến của Dự án EU, ông Robert Travers, đã chuyển tải một số gợi ý về Quản lý điểm đến tại vùng TBMR. Các tỉnh có khối doanh nghiệp mạnh sẽ được ưu tiên phát triển tổ chức quản lý điểm đến; củng cố BCĐ du lịch cấp tỉnh bằng cách đưa khối doanh nghiệp tham gia vào BCĐ; tại các tỉnh du lịch yếu hơn, gắn kết với các công ty điều hành tour tại Hà Nội nhằm đảm bảo kết nối thị trường; mở rộng BCĐ du lịch 8 tỉnh hiện nay, đưa đại diện khối doanh nghiệp tham gia BCĐ; thành lập các tổ công tác thiết thực (các tỉnh địa phận sông Hồng, sông Lô, sông Hà). Hiện nay, Lào Cai là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế nhất trong vùng TBMR. Do vậy, Lào Cai cần củng cố BCĐ du lịch cấp tỉnh, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của khối doanh nghiệp; thống nhất về tầm nhìn và quy hoạch tổng thể; hoạch định về những thay đổi trong xu hướng khách; thành lập các tiểu ban để giải quyết các vấn đề then chốt (makerting, quản lý phát triển tuyến du lịch; phát triển các cách tiếp cận theo hướng hợp tác với các tỉnh khác trên tuyến đường các tốc mới.
Năm 2013, 8 tỉnh TBMR đón 6,5 triệu lượt khách du lịch nội địa và 1,23 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 7,2 tỷ VNĐ.
PV