Những kiến thức mới về nghiện ma túy
GS Jon Currie, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y học về nghiện và sự biến đổi hệ thần kinh, Bệnh viện Thánh Vincent, Melbourne, Australia đã phát biểu tại Việt Nam rằng: phần đông người ta đều coi lạm dụng ma túy và nghiện là các vấn đề xã hội, cần giải quyết bằng các giải pháp mang tính xã hội, đặc biệt là hệ thống pháp luật hình sự. Người ta cũng thường cho rằng, người nghiện ma túy là những người yếu ớt, người xấu, không tự rèn luyện đạo đức hoặc không làm chủ được các hành vi của bản thân.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng của khoa học thần kinh trong 15 năm qua đã cho chúng ta hiểu biết mới về nghiện. Theo đó, khái niệm nghiện là một bệnh tái phát mạn tính của bộ não được coi là hoàn toàn mới. Mới đối với công chúng, đối với nhiều nhà hoạch định chính sách và đáng buồn là mới ngay cả với nhiều người có chuyên môn y tế.
Người ta sử dụng ma túy vì họ thích những gì ma túy gây ra cho bộ não của mình, dù chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua. Não bộ thể hiện những thay đổi một cách rõ ràng sau sử dụng ma túy và những thay đổi này vẫn còn tồn tại rất lâu sau khi đã ngừng sử dụng ma túy. Nghiện ma túy là một bệnh mạn tính và tái phát như các loại bệnh tiểu đường, hen, viêm khớp và tim mạch.
Điều trị ma túy không phải như cắt ruột thừa hoặc điều trị gãy xương, chỉ một lần điều trị sẽ không giúp ích gì. Do đó, không bao giờ được coi cắt cơn, giải độc là một giải pháp điều trị thực sự với cai nghiện ma túy, mà đó chỉ đơn giản là việc làm đầu tiên và quan trọng để khởi đầu cho một quá trình điều trị cai nghiện lâu dài, liên tục.
Hiểu mới giúp được người cai nghiện
Theo GS Jon Currie, nếu chỉ theo một liệu pháp điều trị đơn lẻ, mà giúp một người nào đó hoàn toàn bỏ được ma túy, thì chỉ là trường hợp hãn hữu. Chúng ta nên hiểu, mục đích của điều trị cai nghiện là chữa căn bệnh đang mang, chứ không phải một đợt điều trị khỏi hẳn, điều trị đúng sẽ cho kết quả giảm đáng kể việc sử dụng ma túy, kéo dài thời gian không sử dụng ma túy, nhưng có thể sử dụng lại vài lần.
Ông nhấn mạnh, điều trị nghiện ma túy nên có 3 trụ cột quan trọng là não, hành vi và bối cảnh xã hội. Trong đó, phải tính đến các yếu tố gia đình, dịch vụ hướng nghiệp, tài chính, dịch vụ y tế, giáo dục, phòng chống HIV/AIDS, tư vấn pháp luật, nhà ở, đi lại…
Sau gần một thế kỷ thành lập các bệnh viện điều trị cho người nghiện heroin (năm 1932), các bác sỹ Mỹ thừa nhận mô hình này thất bại bởi tỷ lệ tái nghiện rất cao (93 - 97%). Hiện nay, trên thế giới, liệu pháp điều trị cai nghiện hiệu quả và hiện đại hơn cả là dùng thuốc thay thế. Trong đó có Methadone - hiện đã được triển khai tại 6 điểm Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh.
Methadone từng gây tranh cãi và gây lo ngại khi đưa vào sử dụng, vì nó là một chất dạng thuốc phiện tổng hợp. Nó có thể thay thế heroin ở các điểm tiếp nhận heroin ở não, làm mất hiện tượng nhớ và thèm cảm giác sảng khoái của heroin, từ đó mất tập tính tìm kiếm heroin bằng mọi giá - nguyên nhân của tội phạm.
Methadone tồn tại trong não lâu hơn heroin rất nhiều, mỗi ngày chỉ cần uống 1 liều là người nghiện có thể lao động học tập bình thường. Methadone không có tính dung nạp cao như heroin nên có thể không gây tăng liều và được kiểm soát chặt chẽ tại cơ sở điều trị.
Theo quan điểm mới về điều trị cai nghiện, khi chưa tìm ra một loại "thần dược" cai nghiện hữu hiệu, thì cần chọn một giải pháp khả thi, hiệu quả và ít có mặt trái nhất. Methadone đáp ứng được nhiều đòi hỏi như làm giảm và mất các biểu hiện cai chất dạng thuốc phiện; nguyên chất, không có chất pha tạp; dùng bằng đường uống, mỗi ngày một liều; hợp pháp, giảm các hành vi phạm tội; ít tác dụng phụ, không gây tăng liều; không gây gà gật và "phê".
Liệu pháp dùng Methadone đã cho những hiệu quả bước đầu ở nước ta. Song Methadone hiện điều kiện của nước ta chưa thể đáp ứng rộng rãi cho người có nhu cầu. Ngoài ra, để liệu pháp dùng Methadone hiệu quả, cần đến ý thức nghiêm túc hợp tác của người bệnh và gia đình.
Hiện các chất dạng ma túy đang sử dụng được phân chia theo tỷ lệ: heroin 87%, ma túy tổng hợp (Amphetamin, ATS) 4,5%, các chất ma túy khác (thuốc phiện, cần sa…) 8,5%, hình thức sử dụng chủ yếu là tiêm chích (86,3%), hút hít (13,7%). Điều đáng lo ngại là riêng tỷ lệ người nhiễm HIV từ tiêm chích ma túy đã chiếm tới 60%.
Tính đến cuối năm 2007, cả nước ta có 132.440 người nghiện có hồ sơ quản lý, nhưng hệ thống trung tâm giáo dục cai nghiện ma túy (gồm 109 trung tâm giáo dục do Nhà nước quản lý và 19 trung tâm do tư nhân quản lý) chỉ tiếp nhận được khoảng 50.000 - 60.500 đối tượng. Đó là chưa kể khoảng 34.000 người nghiện trong các cơ sở thuộc ngành Công an quản lý, đa số không nghề nghiệp (54%).
Tuy nhiên, ngay cả chính những người thân của người nghiện cũng khó có điều kiện hiểu biết rõ về tính chất phức tạp của tình trạng nghiện ma túy, về khả năng đáp ứng có hạn của cơ quan quản lý. Khi đã không hiểu, thì rất khó để giúp được người muốn cai nghiện. Đã đến lúc xã hội cần có "cuộc cách mạng" quan niệm về người nghiện như với đại dịch HIV/AIDS.
Chúng ta không đồng tình với những hành vi buôn bán trái phép, quấy rối trật tự xã hội liên quan đến ma túy, nhưng nếu chúng ta quay lưng với những người muốn cai nghiện, thì chẳng giúp được xóa đi vấn nạn ma túy, mà còn đẩy họ vào thế cô lập. Trên thực tế, người nghiện ma túy rất cần được giúp đỡ trong quá trình điều trị. Hơn ai hết, họ chính là những người cảm nhận rõ nhất những hậu quả mà ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội.
Giáo dục gia đình là quan trọng nhất
Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần - nơi có kinh nghiệm điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone cho gần 70 bệnh nhân cho biết một thông tin đáng chú ý: Hiếm có nước nào trên thế giới mà các đoàn thể như hội cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố, dòng họ… lại có thể tác động, tham gia tuyên truyền vận động, giúp đỡ người cai nghiện ma túy như ở Việt Nam.
Ở các địa phương làm tốt công tác này, người bệnh đỡ mặc cảm hơn, tuân thủ điều trị tốt hơn, dẫn đến hiệu quả điều trị cao, ít phá phách, quấy rối ngoài xã hội, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.
Tuy nhiên, qua thực tế điều trị cho người nghiện ma túy, bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn khẳng định, yếu tố rất quan trọng dẫn đến thành công là giáo dục gia đình. Những bệnh nhân có gia đình quan tâm, phối hợp chặt chẽ với bác sỹ thì kết quả điều trị tốt hơn rất nhiều. Gia đình cần hiểu sâu sắc đặc điểm của điều trị cai nghiện ma túy, không ảo tưởng ở thứ "thần dược" hay liệu pháp mạnh nào chữa khỏi được tình trạng nghiện, kể cả Methadone - đó mới là thái độ cần thiết khi có con cháu nghiện ma túy.
Nếu gia đình quản lý được bệnh nhân theo quy trình: chỉ sinh hoạt ở nhà, ở nơi vui chơi lành mạnh, rồi đến bệnh viện uống Methadone, không gặp gỡ, tụ tập với bạn xấu, có niềm vui, có việc làm… thì đã loại trừ được nhiều nguy cơ bệnh nhân tái sử dụng ma túy bất hợp pháp.
Động viên, gần gũi, chia sẻ với người bệnh trong quá trình điều trị là vô cùng cần thiết, nhưng trái lại, thái độ nuông chiều, mềm lòng của gia đình khi thấy con thèm nhớ thuốc phiện hay gặp tác dụng phụ của Methadone - lại là điều cực kỳ nguy hiểm. Điều trị cai nghiện ma túy cho hiệu quả tốt hơn ở người có nhân cách mạnh, so với người có nhân cách yếu, mà nhân cách của một người phụ thuộc khá lớn vào môi trường sống xung quanh.
Ở Việt Nam, do những đặc điểm riêng về văn hóa - xã hội, đôi khi bác sỹ không thể áp dụng kỷ luật "thép" với bệnh nhân. Do đó, sự phối hợp của giáo dục gia đình, cộng đồng càng trở nên cần thiết hơn nữa.
PV