Với mục đích là nhằm đánh giá về tài nguyên du lịch, rút ra bài học kinh nghiệm và kết nối những khả năng mới nhằm xây dựng chiến lược phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ, hội thảo đã nhận được 27 tham luận của các tác giả trong nước và quốc tế tham gia hội thảo cùng nhiều ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, du lịch.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đến tham dự và chỉ đạo hội thảo
Tại hội thảo, các ý kiến đã phản biện về nhiều vấn đề của du lịch miền Trung để tìm ra hướng đi cho ngành du lịch nơi đây phát triển đúng tiềm năng. Như đánh giá về tiềm năng du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, PGS.TS Trương Quốc Bình cho rằng: Đây là vùng đất có tiềm năng du lịch quan trọng đặc biệt của cả nước, với sự đa dạng, phong phú của các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phân bố ở khắp các tỉnh trong khu vực. Trong đó, kho tàng các di sản văn hóa, bao gồm các di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể cùng các di sản thiên nhiên là rất đặc sắc. Dưới góc độ nhân học, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, cho rằng: Nơi đây chứa đựng nhiều lớp văn hóa và sắc thái văn hóa đặc trưng. Bởi vậy, khai thác tiềm năng văn hóa các tỉnh Bắc Trung Bộ để phát triển du lịch có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chuyển tải văn hóa của khu vưc này thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách. PGS.TS Nguyễn Văn Nhật cho rằng Bắc Trung Bộ là nơi có nhiều di tích quốc gia nên cần được đầu tư đúng tầm để nâng cao nhận thức và phát triển du lịch.
Để có cái nhìn khái quát về tình hình phát triển du lịch thực tế tại các địa phương, tại lĩnh vực dẫn liệu các địa phương, nhiều đại biểu đã dẫn liệu tình hình phát triển du lịch cũng như những khó khăn trong sự phát triển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam…
Nhiều ý kiến đã đề ra các giải pháp khai thác tiềm năng du lịch Bắc Trung Bộ trong đó, nhiều tác giả cho rằng muốn phát huy thế mạnh du lịch cần thiết phải xây dựng một chiến lược liên kết hoạt động du lịch vùng, các tổ chức nhà nước và tư nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần phải hình thành một hiệp hội thống nhất có nguyên tắc và lợi ích chung ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Cần thiết xây dựng một thiết chế tổ chức và quản lý về kinh doanh du lịch cho vùng Bắc Trung Bộ để kết nối thành sức mạnh du lịch cho tất cả các tỉnh và thành phố của vùng đất, thành một tổ chức có năng lực trong thực tiễn về nghiên cứu, quản lý và kinh doanh nhằm tạo bước đột phá cho sự phát triển của vùng đất giàu di sản mang tầm quốc gia và quốc tế.
Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tập hợp các ý kiến để tìm ra một giải pháp chung nhất cho sự liên kết cùng phát triển của các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung.
Minh Hạnh