Chứng tích lịch sử
Ngày 13/9/1898, viên đá đầu tiên đã chính thức được toàn quyền Paul Doumer đặt xuống tại vị trí mố cầu bên bờ tả ngạn sông Hồng.
Sau gần 3 năm thi công, ngày 28/2/1902, cầu đã chính thức được khánh thành và được đặt tên là cầu Doumer, là cây cầu có chiều dài lớn thứ hai thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông lúc bấy giờ. Là một trong 4 cây cầu bằng thép lớn nhất thế giới với chiều dài 3.186m, gồm 19 nhịp dầm thép và 20 trụ, đánh dấu thời kỳ rực rỡ của kiến trúc Pháp. Sau ngày Hà Nội giải phóng, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Từ khi được xây dựng đến nay, cầu Long Biên luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ. Hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật sáng tạo và đầy tâm huyết về cây cầu Long Biên đã được thể hiện qua nhiều cuộc triển lãm hội họa, qua những tác phẩm văn học và thi ca.
Cây cầu được thực dân Pháp xây dựng với ý đồ khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Cầu Long Biên đã cùng người dân thủ đô bất khuất, kiên cường trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trải qua những biến thiên của lịch sử, bom đạn chiến tranh, cầu Long Biên vẫn vững vàng vắt ngang dòng sông Hồng như một chứng tích dạn dày năm tháng, chứng kiến những thăng trầm, sự thay da đổi thịt từng ngày của thủ đô Hà Nội. Thủ đô hôm nay đã có thêm nhiều cây cầu mới, hiện đại và bề thế hơn, vai trò huyết mạch giao thông của cầu Long Biên đã không còn, cầu hiện chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp, xe máy và những đoàn tàu. Tuy nhiên, không vì thế mà cây cầu mất đi vị trí quan trọng vốn có của nó trong ký ức của người Hà Nội.
Di sản văn hóa gắn với sự phát triển của Hà Nội
Cho tới nay, cầu Long Biên vẫn là cây cầu đẹp nhất Hà Nội với sự giao hòa của nét kiến trúc cổ điển và hiện đại, tạo nên nét hấp dẫn đặc biệt, khơi gợi cảm hứng nghệ thuật không chỉ với người Hà Nội mà còn với du khách bốn phương, đặc biệt là giới họa sỹ, nhiếp ảnh gia. Từ một chứng nhân lịch sử, cầu Long Biên đã trở thành nhân vật chính trong các lễ hội do các nghệ sỹ tổ chức, đó là festival “Ký ức cầu Long Biên” được tổ chức vào tháng 10/2009. Mới đây, nhân kỷ niệm 112 năm ngày khánh thành cây cầu và 15 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố vì hòa bình, Ngôi nhà Nghệ thuật Hà Nội (Maison des Arts) đã tổ chức cuộc triển lãm tranh, ảnh, thể hiện những góc nhìn khác nhau của các họa sỹ, nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước về cầu Long Biên. Cuộc triển lãm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng và khách du lịch nước ngoài, cho thấy sự gắn bó của người dân Hà Nội với cầu Long Biên, cây cầu mang tính quốc tế đã nổi tiếng và được thừa nhận.
Cùng với triển lãm “Cầu Long Biên – Cây cầu của Nghệ thuật” là các buổi tọa đàm nghệ thuật về giải pháp bảo tồn, tôn tạo để gắn với phát triển bền vững của di sản nghệ thuật cầu Long Biên. Tại các buổi hội thảo, một số nhà nghiên cứu cho rằng, cách đối xử với cầu Long Biên sẽ là gợi ý cho cách đối xử với các di sản, từ những ngôi làng cổ, đình chùa cho đến những khu tập thể lắp ghép...
Với vai trò lưu giữ ký ức của một thời đại, việc bảo tồn cầu Long Biên gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước, để cầu Long Biên trở thành một trong những thương hiệu đặc thù, sống động của Hà Nội và Việt Nam đang là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu.
Đã 112 năm trôi qua, nhưng những giá trị của quá khứ như vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu, giá trị biểu tượng của cầu Long Biên vẫn mãi trường tồn cùng lịch sử, trở thành di sản văn hóa trong sự phát triển của Hà Nội.
Cầu Long Biên được thiết kế theo kiểu có rầm chìa mà công ty Daydé & Pillé áp dụng lần đầu tiên cho cây cầu ở Tobiac (Paris) trên tuyến đường sắt Pari - Orleans của nước Pháp. Cầu có chiều dài 3.186m, gồm 19 nhịp dầm thép, 20 trụ, xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902 với 6,2 triệu franc Pháp, 3.000 công nhân Việt Nam, 40 kỹ sư, chuyên gia Pháp, 30.000m3 đá hộc, 6.000 tấn thép, gang, chì; đường dẫn xây bằng đá; đánh dấu một thời kỳ rực rỡ của kiến trúc sắt thép. |
Lê Phương
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)