Theo đó, đã có hơn 170 công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu và tu bổ, tiêu biểu là các di tích: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, điện Long An, tổng thể đàn Nam Giao, lăng Gia Long, chùa Thiên Mụ, cung An Định, 10 cổng kinh thành Huế…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư trùng tu hệ thống di tích Cố đô Huế giai đoạn từ 1996 - 2017 đạt hơn 1.460 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2010 - 2017 đạt hơn 933 tỷ đồng.
Những kết quả trong công tác trùng tu di tích Huế thể hiện sự tuân thủ Công ước quốc tế về bảo tồn di tích; Luật Di sản Văn hóa và các quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh; các quy định trong xây dựng cơ bản, đảm bảo sự chuẩn mực về bảo tồn và tính chân xác của các công trình.
Tham gia công tác bảo tồn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu như: Gạch lát nền trong di tích; Hệ thống giếng cổ trong di tích; Hệ thống lịch sử xây dựng các công trình kiến trúc triều Nguyễn; Sưu tầm sắc phong triều Nguyễn; đồng thời, đã xuất bản hai tập cuối Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ tục biên, Tập san Di sản Huế - nghiên cứu và bảo tồn (tập 2).
Công tác bảo tồn cũng được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như: tài trợ cho cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tham gia các chương trình đào tạo và khảo sát tại một số nước có kinh nghiệm về công tác quản lý và bảo tồn nhằm nâng cao năng lực quản lý và bảo tồn di sản; nghiên cứu, phân tích các lớp sơn, thành phần hóa học của các lớp bột màu và chất dung môi giúp phục hồi các bức tranh tường ở cung An Định; hỗ trợ trùng tu di tích Ngọ Môn, Hữu Tùng Tự (Lăng Minh Mạng); hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị Nhã nhạc Huế là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại và dự án bảo tồn và phát huy những giá trị Nhã nhạc Huế; xử lý chống mối mọt và bảo tồn trùng tu công trình Thế Tổ Miếu.
PV