Theo Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh, thành phố có 1.272 cơ sở lưu trú với 44.810 phòng. Số lượng cơ sở lưu trú đã hoạt động trở lại. Tính đến nay, có khoảng 350 cơ sở với khoảng gần 14.000 phòng (chiếm hơn 27%); trong đó, khối 4-5 sao và tương đương là 40 cơ sở/88 cơ sở; khối 3 sao và tương đương 30/125 cơ sở; khối 2 sao và tương đương trở xuống 280 cơ sở/1.059 cơ sở. Dự kiến từ nay đến đầu tháng 4, khoảng 500 cơ sở lưu trú hoạt động trở lại với hơn 20.000 phòng, trong đó 4-5 sao dự kiến có 60 cơ sở/88 cơ sở.
Đối với Khu du lịch Furama Resort Đà Nẵng, trong thời gian bị giảm tần suất hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đơn vị đã đầu tư 15 triệu USD để tiến hành nâng cấp, cải tạo toàn bộ cơ sở vật chất, nội thất, cảnh quan khu nghỉ dưỡng cũng như tập trung vào công tác đào tạo nhân lực. Riêng việc đào tạo có sự hợp tác các trường đại học để mở các khóa học đào tạo nhân viên, cán bộ quản lý, hướng đến thành lập Học viện đào tạo Furama chuyên về các ngành liên quan đến dịch vụ khách sạn, nhà hàng…
Cùng với sự chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, doanh nghiệp còn lập ra ban đón khách quốc tế và nội địa trong điều kiện kinh doanh mới; đồng thời làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng và Sở Du lịch về các quy trình đón tiếp khách và cách ly trong trường hợp phát hiện các đoàn khách có ca F0. Mọi công tác liên quan đến việc đón khách, trong đó có khách quốc tế được chuẩn bị chu đáo.
Phấn khởi với kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế, Phó Chủ tịch vận hành Accor Việt Nam ông Xavier Cappelut cho rằng, mặc dù khẳng định tầm quan trọng của khách nội địa trong suốt 2 năm dịch bệnh nhưng ưu tiên hiện tại của tập đoàn là nắm bắt sự phục hồi của du lịch quốc tế để giành được thị phần lớn hơn tại Việt Nam. Bởi theo ông Xavier, trước dịch, hơn 60% khách hàng của tập đoàn khách sạn này tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng là du khách quốc tế. Và, các khách sạn thuộc tập đoàn tại TP. Hồ Chí Minh phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khách quốc tế, bao gồm các khách hàng doanh nghiệp và khách nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2022, tập đoàn khách sạn này dự kiến vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn khách trong nước, ngay cả khi du lịch quốc tế trở lại.
Nguồn khách quốc tế đặc biệt quan trọng với một khách sạn 5 sao, đó là khẳng định chung của đa số các quản lý hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao sao tại Việt Nam. Bởi điều này được thể hiện bằng sự thiếu hụt khách quốc tế trong 2 năm qua ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của nhiều khách sạn phân khúc cao cấp trong thành phố. Tiêu biểu, một số khách sạn thuộc Tập đoàn Accor phải tạm ngưng hoạt động vì vắng bóng du khách nước ngoài thời gian vừa qua. Theo ông Xavier, 10 năm qua, ông đã chứng kiến một lượng lớn du khách quốc tế đến thăm Việt Nam. Các thị trường có mức quan tâm lớn đối với du lịch Việt Nam bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Thái Lan, Australia, Anh… Việc thiếu vắng nguồn khách từ các thị trường này khiến hệ thống bị rơi vào cảnh gần như tê liệt. Vị điều hành này nhấn mạnh khách quốc tế trong khu vực, khách châu Âu và cả châu Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động và sự phát triển của hệ thống khách sạn thuộc tập đoàn. Nhưng bên cạnh đó, khách nội địa vẫn luôn quan trọng với Accor Việt Nam ngay cả khi thị trường quốc tế đã tái khởi động.
Cùng chung quan điểm này, ông James Koo, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị khách sạn New World Saigon cũng cho rằng, thời gian vừa qua, khách sạn vẫn duy trì hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế. New World Saigon luôn ưu tiên cung cấp những quyền lợi tốt nhất cho các đoàn du lịch quốc tế ngay sau khi hoạt động du lịch được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị khách sạn New World Saigon cũng cho biết thời gian đầu mở cửa sẽ vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, thời gian đầu, khách sạn sẽ phải điều chỉnh các kế hoạch và thực hiện chiến lược mới nhằm tập trung vào nhóm khách hàng trong nước, kết hợp tổ chức nhiều chương trình ẩm thực và sự kiện. Song song đó, New World Saigon luôn sẵn sàng các chương trình dành riêng cho thị trường khách nước ngoài, đáp ứng ngay lập tức khi du lịch quốc tế trở lại.
Phó Chủ tịch vận hành Accor Việt Nam cho rằng, một mô hình an toàn nhưng linh hoạt sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành du lịch khách sạn. Đồng thời có thể khẳng định, các chuyên gia ngành khách sạn có khả năng thích nghi cao nên họ sẽ trở lại mạnh mẽ mà không gặp bất kỳ rào cản hội nhập nào. Đặc biệt, khi Việt Nam đã có kế hoạch mở lại rõ ràng, các khách sạn có chiến lược bán hàng và tiếp thị để tiếp cận khách quốc tế.
Giám đốc hành chính Khu nghỉ dưỡng Alma Cam Ranh, Rowie Villacencio cho biết, đại dịch kéo dài khiến chúng tôi phải tạm đóng cửa khu nghỉ dưỡng hai lần, nhân viên buộc phải nghỉ không lương. Chúng tôi phải suy nghĩ cách để chăm sóc nhân viên của mình, làm thế nào để giữ chân và tạo thêm động lực cho họ trong bối cảnh đại dịch gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch. Và chúng tôi đã tìm ra cách để vừa giữ chân vừa tạo thêm động lực cho nhân viên thông qua việc hợp tác với Typsy - học viện khách sạn trực tuyến được thành lập tại Úc để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho hàng trăm nhân viên. Typsy có giao diện như một thư viện Netflix với các video giảng dạy bởi các chuyên gia trong ngành dịch vụ khách sạn nhà hàng. Tham gia khóa học, nhân viên được khuyến khích khám phá những lĩnh vực họ yêu thích, xây dựng các kỹ năng để thăng tiến nội bộ và phát triển sự nghiệp, đồng thời đạt được các chứng chỉ trong ngành.
Đội ngũ quản lý của Alma cũng đã tham gia sáu khóa học của chương trình chứng nhận kế toán quản trị eCornell trong bốn tháng nhằm trang bị thêm các công cụ phát triển chỉ số đánh giá hiệu suất (KPI) và hệ thống báo cáo để tăng hiệu suất của những người quản lý và các đơn vị trong toàn bộ hệ thống khu nghỉ dưỡng. Nhờ những hoạt động kịp thời đó, nguồn nhân lực của Khu nghỉ dưỡng Alma Cam Ranh luôn được đảm bảo. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại với phong thái mới, đầy triển vọng và tin tưởng sự bùng nổ của du lịch Việt Nam.
Bên cạnh hệ thống khách sạn đã có thâm niên, một số cơ sở lưu trú mặc dù mới đi vào hoạt động cũng đã sẵn sàng “chinh chiến” để dành thị phần góp phần phục hồi kinh tế du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Khách sạn Lan Châu Luxury bên bờ biển Cửa Lò với vị trí thuận lợi, có bãi tắm riêng, gồm 190 phòng cũng đã sẵn sàng phục vụ khách. “Khách sạn khai trương trong mùa dịch nhưng cũng đã khẳng định được những lợi thế riêng. Chúng tôi luôn sẵn sàng đón và phục vụ khách bất cứ lúc nào. Với đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng đảm bảo tiêu chuẩn cùng chất lượng dịch vụ luôn được đặt lên hàng đầu chắc chắn sẽ tạo nên ấn tượng mới đối với du khách khi lựa chọn Lan Châu Luxury để trải nghiệm” – bà Nguyễn Hoa quản lý Lan Châu Luxury cho hay.
Cũng là một trong những thương hiệu khách sạn mới nổi của Nghệ An, khách sạn Sông Lam Nghệ An đã tạo được sức hút du khách với vị thế “điểm vàng” bên dòng Sông Lam thơ mộng cùng nhiều chính sách kích cầu hấp dẫn. Phó Giám đốc khách sạn Nguyễn Hữu Hải cho hay, để chuẩn bị cho các hoạt động đón khách, khách sạn Sông Lam Nghệ An đã đầu tư nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng, đầu tư đào tạo nhân lực… nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý với kinh nghiệm gần 20 năm trong ngành khách sạn đã có những chiến lược cụ thể để kích cầu hút khách. Đặc biệt với chính sách hợp tác, liên kết cũng được Khách sạn Sông Lam Nghệ An quan tâm, kết nối, xúc tiến. “Có thể khẳng định đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã sẵn sàng phục vụ các ‘thượng đế’ đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất” – ông Hải cho hay.
Anh Hoa