Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh đến yếu tố an toàn, chặt chẽ trong việc mở lại hoạt động du lịch.“Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán”, Tổng cục trưởng TCDL nói.
Việt Nam thí điểm mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022, chính thức dỡ bỏ hạn chế tần suất khai thác chuyến bay quốc tế từ ngày 15/2/2022. Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL và các bộ ngành liên quan về mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022, mở ra cơ hội vàng cho phục hồi du lịch. Theo đó, Tổng cục Du lịch đã đưa ra một số giải pháp vĩ mô cho ngành Du lịch trong năm 2022.
Đánh giá về thị trường trọng điểm có thể khai thác du lịch nói chung và lưu trú nói riêng, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhận định, thị trường nội địa vẫn là thị trường chính của Du lịch Việt Nam năm 2022. Với tâm lý tránh đám đông, khách nội địa đi theo nhóm nhỏ, sử dụng phương tiện cá nhân sẽ tăng cao hơn. Dịp Tết nguyên đán vừa qua, cả nước đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó nhiều lượt khách lưu trú, tổng thu du lịch đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng, mở ra triển vọng đầy tích cực cho sự phục hồi của thị trường du lịch trong nước.
Đại dịch COVID-19 khiến tâm lý và thói quen du lịch của khách thay đổi, đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ cũng nhanh chóng thay đổi để đáp ứng. Ưu tiên hàng đầu là an toàn y tế, đảm bảo sức khỏe, nhiều khách có nhận thức cao về trách nhiệm với môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, khách sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. Các yếu tố liên quan đến hoàn hủy, giá cả và điều kiện vệ sinh cũng là mối quan tâm của khách. Với lưu trú du lịch, một số xu hướng mới của du lịch toàn cầu yêu cầu các cơ sở có giải pháp, dự án, cách vận hành phù hợp. Cơ sở lưu trú đón đầu xu hướng với những giải pháp phù hợp sẽ có cơ hội chiến thắng trong cạnh tranh, đạt hiệu quả cao. Đó cũng là những nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm. Theo đó, các chuyên gia cũng cho rằng các cơ sở lưu trú cần chú trọng tăng cường trải nghiệm của khách hàng, cải thiện chất lượng dịch vụ, chú trọng duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất.
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, thời gian qua Tập đoàn Mường Thanh hướng tới thị trường trong nước đã thành công, theo đó năm 2022 tiếp tục tập trung phục vụ tốt thị trường nội địa với nhóm đối tượng khách tâm lý tránh đám đông, đi nhóm nhỏ, sử dụng phương tiện cá nhân. Để nâng cao chất lượng thương hiệu, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh gợi ý Mường Thanh nên quảng bá về ẩm thực đặc trưng, các sản phẩm thực phẩm theo mùa…, bên cạnh đó cần xúc tiến mạnh hơn các gói combo trong đó có dịch vụ 2 sân golf, phát huy thêm nhu cầu chơi golf thích ứng với xu hướng du lịch theo gia đình. Qua đó, tạo điểm nhấn cho hệ thống cơ sở lưu trú của Mường Thanh phát triển và thu hút khách du lịch hơn.
Góp ý cho việc cải tiến các sản phẩm thích ứng với tình hình mới, chuyên gia Lương Hoài Nam khuyến khích Mường Thanh đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là nền tảng phân phối sản phẩm, bởi COVID-19 là cú “hích” cực lớn về công nghệ và xu hướng online. Bên cạnh đó, chú trọng xu hướng staycation - nghỉ dưỡng tại địa phương; có các chính sách và sản phẩm linh hoạt cho khách nhóm nhỏ và đi gia đình; đẩy mạnh các sản phẩm về voucher nhiều loại để bán hàng trên diện rộng; dịch chuyển sản phẩm theo xu hướng combo, liên kết các bên cung ứng dịch vụ khác để cung cấp sản phẩm trọn gói cho khách hàng.
Về truyền thông và marketing tại các doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới, CEO Tập đoàn Le Brothers Lê Quốc Vinh nêu lên những thách thức và bài toán truyền thông marketing cho ngành dịch vụ hậu COVID-19, với những thay đổi marketing 5.0 - công nghệ cho nhân loại và truyền thông thương hiệu hướng tới kết nối con người. Do đó, bên cạnh cải tiến các sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng du khách, các sản phẩm lưu trú phải ưu tiên mang tới cảm giác an toàn và có trách nhiệm với môi trường, cùng khách hàng tạo ra giải pháp bảo vệ môi trường, chú trọng tới trải nghiệm - một trong những yếu tố sống còn để thu hút và giữ chân khách hàng, đồng thời là yếu tố để khách hàng giới thiệu các sản phẩm, chạm đến cảm xúc của con người. Ông Lê Quốc Vinh cũng cho rằng, điều quan trọng với ngành lưu trú là thiết kế lại chiến lược thương hiệu tập trung vào trải nghiệm của khách hàng, chạm đến cảm xúc của khách hàng bằng tình yêu thương và trân trọng...
Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng đã nghe những chia sẻ của đại diện các khách sạn Mường Thanh trên cả nước, đề xuất các góp ý giải pháp phù hợp thúc đẩy hoạt động kinh doanh lưu trú năm 2022. Đại diện cho Tập đoàn Mường Thanh, CEO Lê Thị Hoàng Yến cho biết các đơn vị của Mường Thanh sẽ tiếp thu những thông tin, trao đổi, tư vấn của các chuyên gia tạo kim chỉ nam định hướng cho hoạt động kinh doanh của Mường Thanh trong năm 2022, góp phần chuẩn bị tốt nhất cho du lịch mở cửa trở lại.
Hoa Trang