Sự phát triển của du lịch Bình Thuận như một tất yếu khách quan, nhưng cũng bao hàm cả sự thay đổi của tư duy du lịch. Thứ tư duy đã dần dần ăn sâu vào nếp nghĩ của cả người dân và người làm du lịch Bình Thuận, đem đến cho du khách những trải nghiệm khó quên và thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất tươi đẹp này.
“Ăn xổi” không tồn tại
So với vị thế chung của ngành du lịch trên cả nước, du lịch Bình Thuận quả nhỏ bé. Những địa phương có du lịch phát triển như Đà Nẵng hay Khánh Hòa đã có kinh nghiệm từ lâu lắm rồi, đó là càng hướng đến cái lợi trước mắt thì càng thất bại. Đó là điều mà ai cũng hiểu, nhưng nói thì dễ chứ mấy ai làm được đúng nghĩa như vậy.
Người đứng đầu kêu gọi người dân không chộp giật nhưng miếng cơm manh áo là thứ thường ngày họ phải có để nuôi sống gia đình, là chuyện không làm không được. Mười năm trước, tôi còn nhớ như in trái dừa bị chặt chém ở Mũi Né.
Ngày đó, đây đã là một điểm du lịch khá nổi tiếng rồi, chính quyền đã kêu gọi kinh doanh bền vững rồi, nhưng đâu đó vẫn có chộp giật xảy ra. Với nhiều du khách, vài chục ngàn chưa hẳn đã lớn, nhưng khi đã mất cảm tình thì có cho vàng cũng không ai dám quay lại.
Giờ thì Bình Thuận khác lắm rồi. Mỗi năm có vài trăm ngàn du khách với nhiều quốc tịch khác nhau. Thời gian qua, khủng hoảng kinh tế trầm trọng đã khiến ngành du lịch của nhiều quốc gia chững lại, khi người dân nhiều nước phải thắt chặt chi tiêu thì du lịch Việt Nam vẫn đứng vững. Trong đó Bình Thuận cũng là một ngôi sao, một điểm đến hấp dẫn.
Ngồi với bạn bè, họ cứ nói tôi ca ngợi Bình Thuận quá mức, nhưng tôi đều chứng minh được cụ thể tăng trưởng du lịch của Bình Thuận ra sao, hạ tầng thay đổi thế nào, và trên hết là đang dần vào quỹ đạo phát triển bền vững.
Bình Thuận rõ ràng có tiềm năng du lịch rất lớn với thắng cảnh có một không hai ở Việt Nam và trên thế giới. Dẫu vậy khai thác như thế nào là việc khác. Ngành công nghiệp không khói là thứ khá nhạy cảm, vì chỉ cần vài “phốt” là một điểm đến hấp dẫn cũng có nguy cơ “hoang vắng”. Mấy nơi được gọi là “thiên đường”, nhưng gần đây, nhiều du khách đã ví Bình Thuận chính là xứ sở trong mơ ấy, cũng vì cách phát triển du lịch bền vững về nhiều mặt.
Hàng loạt các khu nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên, vừa mang đặc trưng của miền cát, vừa thể hiện lòng hiếu khách của con người Bình Thuận. Qua việc kêu gọi đầu tư với nhiều ưu đãi nổi bật, Mũi Né đã bình thản đón làn sóng ào ạt nhưng chất lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đưa nơi đây trở thành trung tâm spa và thể thao biển tầm quốc tế.
Tiềm năng vốn có của Mũi Né là rất lớn nhưng quản lý thế nào, khai thác thế nào để bền vững, để mãi giữ được vẻ thanh bình mới là quan trọng. Bình Thuận đã giải quyết được bài toán khó ấy với “3 trụ cột bền vững”, đó là hạ tầng khang trang, nhân lực chất lượng và dịch vụ chuyên nghiệp.
Du lịch Bình Thuận đã phát triển một cách chắc chắn trong con mắt của du khách, và của cả người dân nơi đây. Nhờ những thương hiệu địa phương, những đặc sản có một không hai đã đem lại ngạc nhiên cho du khách. Tiềm năng của vùng đất này đã được đánh thức, rồi không ngừng nâng cao cả số lượng và chất lượng dịch vụ. Cảnh bắt chẹt khách ngày càng giảm, tạo nên hình ảnh Bình Thuận vô cùng quyến rũ và đáng đến.
Không ngủ quên trên chiến thắng
Thành công đó, thắng lợi đó nhưng du lịch Bình Thuận luôn không ngừng tự làm mới mình, để rồi giờ đây những địa danh của tỉnh như Phan Thiết, Mũi Né, Bàu Trắng nổi tiếng và có sức lan tỏa không kém những vùng du lịch khác trên cả nước.
Với mức tăng trưởng GRDP ngành luôn ổn định trên 5%/năm, có thể nói đây là thành công lớn của du lịch Bình Thuận, nhưng với những người trong nghề và khách du lịch sành sỏi thì họ đều công nhận rằng: Cố gắng, nhưng vẫn cần cố hơn nữa. Vì sao?
Rõ ràng là vì cảnh quan thiên nhiên quá đẹp nhưng chỗ vui chơi và chỗ tiêu tiền vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của “những người có tiền”. Du lịch bình dân thì hẳn là tốt rồi, nhưng cũng cần tính đến chuyện làm du lịch cao cấp, nhất là khi kinh tế và văn hóa ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Bình Thuận đẹp nhưng thực sự chưa có gì nhiều để níu chân du khách. Thực tế, chơi vài ngày đến một tuần là bắt đầu thấy hết cái chơi, đến nỗi có người nhận xét là “đơn điệu”. Thời gian lưu trú ngắn chính là minh chứng cho tình trạng này, khi khách nước ngoài chỉ ở 2-3 ngày rồi tiếp đi những điểm khác như Nha Trang, Đà Lạt.
Chính thói quen kinh doanh của người dân đã khiến cho khách cao cấp còn dè dặt chưa dám sử dụng dịch vụ, hoặc chỉ thưởng thức qua loa. Thử hỏi, với những tấm thảm nhựa trượt cát thì sao kéo được người ta chơi lần thứ hai, thứ ba.
Bên cạnh đó, những hướng kinh doanh tự phát, chưa có sự quản lý thấu đáo như ưu ái khách Nga hay chưa quan tâm nhiều đến môi trường cũng khiến cho những gì phơi bày ra trước mắt khách du lịch trở nên mất cảm tình. Nên nhớ trong kinh doanh du lịch thì mỗi vị khách chính là một tuyên truyền viên tích cực nếu làm họ hài lòng. Du lịch Bình Thuận đang làm tốt, nhưng mới chỉ là giữ vững thành quả chứ chưa có đột phá, nâng tầm lên đẳng cấp cao hơn.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Lựa chọn đó là vô cùng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay và phù hợp với chủ trương của Đảng cũng như quy hoạch của Chính phủ. Nhưng trong thời buổi cạnh tranh gay gắt thì không được ngủ quên trên chiến thắng mà phải thấy kết quả của năm trước tạo đà cho năm sau, trên cơ sở bám sát định hướng lâu dài.
Ở đâu cũng vậy, du lịch luôn tồn tại hai mặt song song là “cá lớn” và “cá bé”. Tập đoàn có tiềm lực tài chính và sức mạnh đồng tiền, cũng như nhận được các ưu đãi của địa phương, còn người dân kinh doanh thì lại có cách làm của họ dựa trên các lợi thế độc đáo của làm nhỏ. Hai mặt này vừa có thể cùng nhau tồn tại, nhưng nếu quản lý không tốt thì tiềm ẩn nguy cơ triệt tiêu lẫn nhau, dẫn đến triệt tiêu hình ảnh của tỉnh.
Qua hơn 20 năm phát triển, du lịch Bình Thuận đã tạo được một chỗ đứng vững chắc trong nội tỉnh và cả nước. Thành quả và khó khăn song hành, Bình Thuận đã tự nhận thấy yếu điểm của mình để quyết tâm phát triển. Bản thân đây là tỉnh chưa có đầy đủ kết nối giao thông cao cấp như sân bay nên khi có đường cao tốc thì Bình Thuận lại phải tiếp tục đối mặt với bài toán khó: Tiếp đãi lượng khách tăng trưởng mạnh ra sao? Trên thế giới có nhiều địa phương giao thông khó khăn nhưng vẫn rất hút khách bằng dịch vụ hoàn hảo để tạo cho khách sự hài lòng. Với Bình Thuận, chỉ nỗ lực không chưa đủ, mà còn phải tạo sức bật mạnh mẽ, nâng tầm du lịch lên đẳng cấp cao hơn.
Cuộc thi viết 'Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận"
Cuộc thi viết “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 – 31.5.2018.
Giải thưởng: 2 giải nhất – 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.
Thể lệ chi tiết xem tại đây.
Bài dự thi xin gửi về:
Ban tổ chức cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”
Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: (024) 35330305
Email: dulich@laodong.com.vn
|
ĐINH THÀNH TRUNG
Nguồn: Laodong.com.vn