Hành trình khám phá đa giác quan độc đáo tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023
Khai phá tinh thần sáng tạo hiện đại
Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” do KTS Mai Hưng Trung - sáng lập Hà Nội Ad Hoc - thiết kế với nội dung trưng bày chia làm 5 khu vực do Hà Nội Ad Hoc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, nghệ sĩ điêu khắc Vy Trịnh và Giám tuyển - Nhà nghiên cứu Jennifer Vanderpool đồng thực hiện. KTS Mai Hưng Trung cho biết, nguồn cảm hứng của “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” là từ di sản công nghiệp - một chủ đề chưa được biết tới rộng rãi ở Việt Nam. Và anh cùng đội ngũ thiết kế đã thành công nâng cao sự quan tâm của mọi người với di sản công nghiệp.
Để thiết kế cho Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại”, KTS Mai Hưng Trung đã nghiên cứu nhiều tài liệu về Khảo cổ học hành vi; nghiên cứu về mối liên hệ giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, giúp hiểu bản chất của những vật chất ở giai đoạn hiện tại một cách sâu sắc và nhanh chóng hơn. Dựa trên khái niệm đó, 5 khu vực của Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” là dự án hiện thực hóa quá trình từ “dữ liệu hóa”, “kiến trúc hóa” và “khơi gợi” trong sáng tạo.
Đáng chú ý, tại khu 1- Trưng bày nghiên cứu và tiến trình lịch sử, anh cùng đội ngũ thiết kế đã sưu tập hồ sơ lưu trữ của 12 nhà máy nổi bật ở Hà Nội, đặc biệt là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Cấu trúc trưng bày bào gồm dòng thời gian, lịch sử diễn biến, sự ảnh hưởng của các nhà máy đến đô thị và cách thức vận hành của con người. Đội ngũ thiết kế đã thực hiện phỏng vấn các công nhân từng làm trong các nhà máy ngày xưa để xem ký ức tập thể của họ về cuộc sống ngày ấy như thế nào. Nhóm thiết kế cũng đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa “khơi gợi” trong sáng tạo khi dành riêng khu 3 cho tương tác cộng đồng. Tại đây, tất cả khách tham quan được cùng tương tác với bản đồ của 170 nhà máy và khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, cùng suy nghĩ về tương lai, hướng phát triển của chúng.
“Những kiến trúc công nghiệp thời kỳ hiện đại không quá cũ để chúng ta xem là di sản, cũng không quá “đẹp” để chúng ta yêu mến chúng theo một cách lãng mạn. Đội ngũ thiết kế hy vọng thông qua triển lãm này, mọi người có thể để tâm quan sát hơn những điều tưởng chừng “khô khan” nhưng ẩn chứa giá trị riêng của môi trường đô thị, trong đó có c��c kiến trúc công nghiệp” - KTS Mai Hưng Trung chia sẻ.
Tháp nước Hàng Đậu - chốn thiêng của lục thủy
6 khoang trưng bày triển lãm “Sắp đặt Nước & Di sản tháp nước Hàng Đậu” lấy cảm hứng từ Lục thủy trong văn hóa Á Đông. Triển lãm sẽ là một trải nghiệm, đưa khán giả trở về thiên nhiên, qua đó kiến tạo sự kết nối xã hội đô thị và thế giới tự nhiên thông qua hình ảnh nước. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của nước trong cuộc sống ngày nay.
Khi khảo sát để thiết kế tháp nước Hàng Đậu, nhóm thiết kế đã nhận định tháp nước Hàng Đậu cấu thành từ những khối hình trụ gồm các bức tường vòm tròn, tạo nên hướng đi vòng tròn vô cùng độc đáo. Tận dụng đặc điểm này, nhóm thiết kế đã biến nơi đây thành cuộc dạo chơi đầy thú vị. Xen kẽ giữa những khoảng không gian sáng và tối, những khoảng đặc và rỗng, để mỗi lần đi qua mỗi ô vòm của tháp, người tham quan lại nhận ra những cảm xúc, sự bất ngờ khác nhau. KTS Cao Thế Anh – thành viên của nhóm thiết kế cho biết: “Là một người con Thủ đô, tôi lưu giữ rất nhiều ký ức về tháp nước Hàng Đậu với lịch sử tồn tại hơn trăm năm tại Hà Nội. Thuở nhỏ, tôi từng tò mò rất nhiều về tháp nước Hàng Đậu. Nên khi biết sẽ được tham gia dự án cải tạo tháp nước Hàng Đậu, tôi xem nó như một cái duyên để trả lời cho những thắc mắc năm xưa của chính mình”.
Nhóm thiết kế muốn biến tháp nước Hàng Đậu thành một không gian tôn vinh về nước bằng tư duy, bằng hình ảnh, tiếng động, âm nhạc. Nhóm thiết kế đã lựa chọn ứng dụng các cao độ khác nhau của 6 tiếng nước chảy (trong khe, trong hang động…) để tạo nên thứ âm thanh nền, có khả năng đưa tâm trí khán giả đến những chiều không gian rộng lớn, mênh mông khi tham quan triển lãm. Nhóm thiết kế đã phải thử nghiệm rất nhiều tần số của những giọt nước, đồng thời điều chỉnh liên tục từng nấc cao độ nhằm chọn ra đúng âm thanh mang tần số chữa lành, xoa dịu cảm xúc con người theo tâm lý học. Việc lựa chọn loại mic, loa để phát tiếng nước tự nhiên nhất cũng thử thách những nhà sáng tạo và đơn vị thi công rất nhiều.
“Không chỉ về mặt âm thanh, nhóm thiết kế cũng chú trọng về trải nghiệm thị giác của khán giả khi chọn sử dụng vật liệu tái chế từ rác thải đô thị, tạo nên những chiếc đĩa màu lơ lửng, sắc màu sống động, bay bổng trong không gia triển lãm. Đây cũng là điểm ý nghĩa mà nhóm thiết kế muốn truyền tải thông điệp về sự tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên” - Họa sĩ Nguyễn Đức Phương – một thành viên khác của nhóm thiết kế chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện cải tạo tháp nước Hàng Đậu, nhóm thiết kế gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đây là di sản tồn tại hàng trăm năm, nhóm thiết kế không được tác động đến những phần cấu trúc kiên cố. Nhóm thiết kế phải sử dụng giải pháp sắp đặt phù hợp, vừa tạo nên sự hài hòa giữa tác phẩm và không gian, vừa giữ được nét đẹp và sự nguyên trạng của di sản kiến trúc này.
“Làm mới” những điều tưởng chừng “xưa cũ”
“Bến chờ” là không gian triển lãm ngoài trời đặc sắc của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Bến chờ được thiết kế trên cơ sở một đoàn đường sắt cũ trong nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ngoài việc làm biểu trưng cho sự kiện, “Bến Chờ” còn làm sân khấu ngoài trời cho các sự kiện của Lễ hội. Đặc biệt, “Bến chờ” không chỉ mang tính hoài niệm, mà còn là điểm dừng chân cho du khách mỗi lần cần nghỉ ngơi, để tĩnh lại lòng mình giữa tấp nập của thời cuộc. Để ngồi lại bên nhau, ngắm nhìn một vẻ đẹp lặng thầm cất chứa dấu ấn xưa của nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Chia sẻ về bối cảnh ra đời của “Bến chờ”, KTS Lê Quang Thạch cho biết, nhà ga không chỉ là nơi trung chuyển mà còn là nơi chứng kiến những chia xa, gặp gỡ, là nơi mang đến niềm vui từ những cuộc đợi chờ. Nhằm tái hiện lại giá trị của khoảnh khắc, nhóm thiết kế đã tạo ra một không gian triển lãm mang tên “Bến chờ”, đặt tại một đoạn đường ray trong nhà máy xe lửa Gia Lâm, theo một hình thái vừa hoài niệm, vừa trẻ trung phù hợp với xu hướng của Gen Z.
“Vì nằm trong quần thể nhà máy công nghiệp, nhóm thiết kế biết không muốn “Bến chờ” xuất hiện như một thực thể kiến trúc nổi bật. Vì vậy, nhóm thiết kế đã dày công tư duy và thiết kế “Bến chờ” với những đường nét mảnh mai nhất, tiết giảm nhất. Đồng thời tìm tòi, lựa chọn chất liệu sử dụng để trở nên “tan biến” nhất khi đặt vào không gian của cầu Lăn Chìm” - KTS Lê Quang Thạch chia sẻ.
Thổi luồng sinh khí nghệ thuật cho những cỗ máy phủ bụi thời gian
“Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng nóng” do TOOB Studio thiết kế, sẽ trưng bày những ghi chép về các hiện vật tồn tại trong phân xưởng, cũng như các hình ảnh của các cơ sở sản xuất công nghiệp khác ở Việt Nam. Lấy cảm hứng từ tác phẩm “Tính tương đối’ của nghệ sĩ thị giác M. C. Escher, nhóm thiết kế mong muốn đem lại cảm giác vô tận cho khán giả khi khám phá không gian bằng cách di chuyển trên những cốt sàn có cao độ khác nhau.
Nhóm thiết kế đã khéo léo tạo ra một chức năng kiến trúc, nhằm tôn vinh vẻ đẹp nguyên bản của phân xưởng. Đây là cấu trúc ngắn hạn, được tạo ra với mục tiêu dẫn dắt người xem tới gần hơn các hiện vật công nghiệp tồn tại trong phân xưởng. Các hiện vật sẽ trở nên sinh động hơn khi bất chợt xuất hiện, vươn về phía đường đi, hoặc đôi lúc lại ngáng nhẹ qua chân người tham quan. Nhóm thiết kế mong muốn mọi người khi bước vào nơi này, thực sự được chậm lại, thả lỏng tâm trí để cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp không gian và thời gian của một di sản công nghiệp thực sự có giá trị này.
KTS Nguyễn Hồng Quang - Tác giả “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng Nóng” chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tới nhà máy, khi được tận mắt chiêm ngưỡng không gian đầy tính nguyên bản của các phân xưởng. Có lẽ là từ sự ngưỡng mộ, trân trọng và một chút thuần phục trước “những công năng hùng vĩ’ này, tôi đã tự hỏi mình “Có cần thiết phải làm gì đó ở đây hay là không”? Và câu hỏi này theo suốt quá trình mà tôi suy nghĩ cho việc xây dựng tuyến các không gian kiến trúc cho Lễ hội. Tôi nhận ra, di sản kiến trúc này cần “tới gần” hơn với tất cả mọi người”.
Thanh Minh