Đây là một trong những mục tiêu quan trọng vừa được UBND TP. Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4924 về việc phê duyệt "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030". Theo đó, bộ máy điều hòa không khí phải là các loại cây bản địa có giá trị kinh tế, cảnh quan và cải tạo nâng cao chất lượng môi trường sống. Các loài và các nguồn gen quý hiếm được bảo tồn, phát triển, sử dụng hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng bền vững.
Trước đó, theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề “môi trường không khí” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nồng độ khí ôzôn (loại khí gây ra nhiều căn bệnh về hô hấp) đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người dân tại Hà Nội trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trong năm 2013, TP. Hà Nội đã có 227 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và 1 ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại.
Các chuyên gia môi trường nhận định, nguyên nhân khiến số ngày không khí bị ô nhiễm ở Hà Nội tăng cao, một phần là do diện tích cây xanh - nguồn hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc còn hạn chế, chưa tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa. Cụ thể, theo tiêu chuẩn đô thị xanh thì mỗi người dân ở Hà Nội phải có 10m2 cây xanh để hấp thụ không khí do họ thải ra. Thế nhưng, hiện nay diện tích đất để trồng cây xanh tại thành phố này mới chỉ có 2,0m2/người. Vì vậy, việc tăng diện tích cây xanh lần này được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện môi trường không khí của thành phố.
PV