Tác động của du lịch vào sự phát triển của cộng đồng
Khi phát triển du lịch sẽ góp phần tạo việc làm tại địa bàn có tài nguyên du lịch. Không phải chỉ có những người trong độ tuổi lao động, mà cả những người ngoài tuổi lao động như trẻ em, người già và những người khuyết tật đều có thể tham gia vào hoạt động du lịch. Nhiều phụ nữ và thanh niên dễ tìm được việc làm trong du lịch hơn so với các ngành khác, ngay từ khi xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đến khi các điểm, khu du lịch đi vào hoạt động. Có thể khẳng định: Du lịch mang lại lợi ích kinh tế và sự độc lập của phụ nữ, người trẻ là rất quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển của chính họ và phá vỡ vòng nghèo đói, nhờ tạo thêm thu nhập của dân cư địa phương. Phát triển du lịch sẽ đánh thức các nghề thủ công truyền thống tại địa bàn, có thêm điều kiện phục hồi và phát triển hơn (như nghề làm gốm, khảm, khắc, sơn mài, đẽo, tạc tượng, làm tranh lụa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải …) làm tăng thêm thu nhập của người dân trong cộng đồng. Phát triển du lịch còn góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác như giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, viễn thông, công nghiệp, nông nghiệp…. phát triển theo. Các ngành này phát triển sẽ tăng nguồn thu ngân sách địa phương thông qua các khoản nộp thuế của các doanh nghiệp. Thu ngân sách của địa phương tăng, chính quyền địa phương sẽ có thêm các khoản cân đối ngân sách phục vụ cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Phát triển du lịch sẽ mở mang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, mạng lưới giao thông công cộng, điện, nước, thông tin… Đặc biệt là ở những vùng phát triển du lịch, do xuất hiện nhu cầu ăn nghỉ, lưu trú, đi lại, vận chuyển, thông tin liên lạc… của du khách và những điều kiện cần thiết cho cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động tăng lên. Hạ tầng cơ sở phát triển sẽ cải thiện cuộc sống người nghèo, tăng khả năng tiếp cận với nước sạch, điện, đường giao thông, giáo dục, truyền thông, y tế...
Phát triển du lịch sẽ có thêm nguồn thu bổ sung dinh dưỡng cho các bữa ăn, nuôi bản thân và gia đình của người làm du lịch, cải thiện cuộc sống của người nghèo và nâng cao dân trí, thể lực cho cộng đồng dân cư. Qua giao lưu văn hóa, qua việc học hành để làm du lịch sẽ tăng khả năng hiểu biết. Điều rõ nhất là khi tham gia những hoạt động du lịch, người dân sẽ có việc làm, có thu nhập, nhờ thế cải thiện được đời sống và cũng là cách tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo; nuôi được mình, có tiền cho con đi học; được tiếp thu cái hay, cái đẹp.
Phát triển du lịch phải xây dựng trên nền tảng văn hóa bản địa, văn hóa của cộng đồng cư dân, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, từ ven biển đến hải đảo trải rộng trên vùng miền của đất nước. Cùng với sự phát triển du lịch thì văn hóa du lịch cũng được hình thành do sự tác động lẫn nhau giữa các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch, bao gồm tài nguyên du lịch, khách du lịch, dân cư nơi khách đến, chính quyền địa phương và doanh nghiệp du lịch. Khi đi du lịch, khách thường tiếp xúc với dân cư địa phương; qua đó, văn hóa của cả khách du lịch và của cộng đồng dân cư nơi khách đến được trau dồi và nâng cao. Du lịch tạo khả năng cho con người mở mang, tăng cường sự hiểu biết về lịch sử truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán, đạo đức, chế độ xã hội,…
Khi tạo cung trên thị trường du lịch, giao lưu văn hóa cũng được hình thành và thúc đẩy. Sự khai thác tài nguyên du lịch, việc xây dựng các công trình du lịch đã phản ánh trí tuệ và sức sáng tạo của con người trên nền văn hóa của cộng đồng. Trong quá trình toàn cầu hóa, một mặt phải giữ gìn bản sắc trong hoạt động du lịch để có cái riêng của mình, cần phải tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển du lịch và tinh hoa văn hoá thế giới, của các địa phương khác, nước khác, cộng đồng khác trong hoạt động du lịch, từ xây dựng đến vận hành các cơ sở kinh doanh du lịch đều có sự đan xen, khu vực hóa và toàn cầu hoá cái đẹp, cái hay của các nền văn minh thế giới.
Tuy nhiên, du lịch cũng tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh của cộng đồng; trước tiên môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Dòng khách du lịch tăng lên nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến thương mại hóa, tầm thường hóa văn hóa bản địa; sự phỏng cổ tùy tiện trong kiến trúc, trong biểu diễn, trong tôn tạo duy tu bảo dưỡng các di tích không theo nguyên bản sẽ gây ra sự thương tổn nghiêm trọng lòng tự tôn dân tộc đối với nền văn hóa bản địa, làm suy giảm sự phát triển bền vững của du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng. Các tác động tiêu cực khác như sự lai căng văn hóa, sự bắt chước lối sống của du khách, sự sa sút quan niệm đạo đức truyền thống dẫn đến băng hoại đạo đức... Môi trường tự nhiên sẽ ô nhiễm do khai thác quá tải tài nguyên du lịch tự nhiên, dẫm đạp lên cây cỏ, bẻ hái thực vật quý hiếm, ăn và mua động vật quý hiếm, xả rác và nước thải, gây tiếng ồn, sử dụng quá mức nước sạch, không khí sạch, làm biến động hệ sinh thái, nhất là giảm thiểu tính đa dạng sinh thái khi du lịch phát triển, số lượng du khách tăng lên quá tải…
Những mặt tiêu cực này không phải là bản chất vốn có của du lịch, không phải cứ phát triển du lịch sẽ gây ra những ô nhiễm môi trường, mà do sự quản lý kém hiệu quả sẽ dẫn tới hậu quả du lịch là mảnh đất thuận lợi để cho các mặt tiêu cực hình thành và phát triển. Điều quan trọng là làm sao nhìn rõ các ảnh hưởng tiêu cực để kiểm soát, giảm thiểu nó.
Du lịch cộng đồng: Nhận thức, quan điểm và định hướng phát triển
Du lịch cộng đồng là một mô hình phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là người cung cấp các sản phẩm cho khách. Cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và được chia sẻ các lợi ích do du lịch mang lại. Phát triển du lịch cộng đồng tạo ra thêm công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo và công cuộc làm giàu của địa phương. Vì vậy, Việt Nam cần phải phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản hơn.
Phát triển du lịch cộng đồng phải theo hướng bền vững, có trách nhiệm, đó là kết hợp hài hoà nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ tổ chức, sản xuất du lịch và tham gia tiêu dùng du lịch, nhằm đạt tới một mục đích bảo tồn, tái tạo và phát triển được tài nguyên tự nhiên, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc và hồn cốt thiêng liêng của truyền thống.
Vấn đề con người của cộng đồng làm du lịch - nhân lực du lịch bản địa được coi là yếu tố quyết định trong phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Nếu phối hợp lồng ghép việc phát triển du lịch với các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phong trào trồng cây, trồng và kinh doanh rừng, chăn nuôi hoặc các phong trào khác thì hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều.
Bảo tồn và phát triển sự độc đáo riêng có của từng cộng đồng dân cư về di tích, cảnh quan, nếp sống, các lễ hội và các nghề thủ công truyền thống. Khuyến khích cộng đồng dân cư khôi phục và tổ chức lễ hội dân gian truyền thống phục vụ phát triển du lịch; khôi phục các làng nghề, phố nghề sản xuất hàng lưu niệm bằng vật liệu địa phương, tránh sao chép, làm dối không mang tính chất văn hóa của cộng đồng, không đúng với tính chất phác của người dân.
Những vấn đề trên khi được hướng dẫn cụ thể sẽ góp phần tạo điều kiện tối đa cho các cộng đồng dân cư tham gia vào phát triển du lịch và được hưởng lợi một cách công bằng từ sự phát triển du lịch đem lại; để cái đẹp được bảo tồn và phát triển.
Giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch vì sự phát triển của cộng đồng
Thứ nhất, tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thông qua việc đề ra các chính sách, cơ chế phù hợp, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện các quy định của luật pháp.
Thứ hai, phân chia hợp lý lợi ích từ hoạt động du lịch ở địa phương.
Thứ ba, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch.
Thứ tư, phát huy sự tham gia của các doanh nghiệp.
Thứ năm, phát triển hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Thứ sáu, huy động cộng đồng địa phương vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và các giá trị liên quan đến du lịch.
TS. Nguyễn Văn Lưu