Tại buổi làm việc, Sở Du lịch Hà Nội đã báo cáo Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy kết quả công tác triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch cũng như phương hướng thu hút khách du lịch nội địa, quốc tế đến Thủ đô trong thời gian tới. Thực hiện chủ trương triển khai hiệu quả các giải pháp mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, từ ngày 15/3, Sở Du lịch Hà Nội đã tham mưu UBND TP. Hà Nội ban hành phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; tổ chức Lễ hội quà tặng du lịch năm 2022; tổ chức Lễ hội du lịch năm 2022; xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành Du lịch Thủ đô...
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2022, Hà Nội ước đón 6,53 triệu lượt khách, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 126,2 nghìn lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Sở Du lịch đã chỉ đạo Hội Lữ hành Hà Nội và các doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng các tour du lịch mới, hấp dẫn, độc đáo; đưa vào khai thác tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng” được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị khu, điểm tham quan du lịch xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch thu hút du khách trong dịp diễn ra SEA Games 31 như tour du lịch đêm Giải mã Hoàng Thành Thăng Long của Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long; tour Du lịch Đêm Thiêng Liêng của di tích Nhà tù Hỏa Lò; chuỗi hoạt động Ocean Festival tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn; chuỗi sản phẩm khám phá Đông Nam Á của Bảo tàng Dân tộc học; tour xe bus 2 tầng - Hanoi City Tour khám phá phố phường Hà Nội; tổ chức thêm tuyến phố đi bộ tại khu vực Thành cổ Sơn Tây; mở cửa hoạt động trở lại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm... Nhiều sự kiện cũng được tổ chức nhằm tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch Thủ đô, đặc biệt là hành trình hữu nghị 2022 cho các đại biểu là đại sứ các nước, đại diện các tổ chức quốc tế trên địa bàn Hà Nội đi tham quan tại khu vực chùa Thầy và khu du lịch Tuần Châu Hà Nội, huyện Quốc Oai. Tổ chức, phối hợp tổ chức hiệu quả chương trình quảng bá du lịch Hà Nội trên các kênh truyền thông, báo chí; tham gia VITM Hà Nội 2022; tổ chức đoàn khảo sát điểm đến, dịch vụ du lịch tại làng nghề lụa Vạn Phúc, khu vực chùa Thầy, Đình So, khu du lịch Tuần Châu Hà Nội; chương trình khảo sát tập huấn du lịch tại Tây Nguyên...
Sở Du lịch Hà Nội đồng thời chia sẻ những khó khăn gặp phải thời gian qua: Lực lượng lao động ngành Du lịch có sự dịch chuyển lớn sang các ngành, lĩnh vực khác, do đó tạo sự thiếu hụt lớn nhân lực du lịch đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của một số khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng… sau một thời gian không vận hành, bảo dưỡng do tác động của dịch COVID-19 đã xuống cấp, không đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch; các đơn vị kinh doanh dịch vụ, người lao động trong lĩnh vực du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách đặc biệt là gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ; thiếu những khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đột phá thu hút khách du lịch.
Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu năm 2022 đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch ước đạt từ 27,84-35,84 nghìn tỷ đồng. Sở Du lịch Hà Nội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL), TCDL kiến nghị Chính phủ tăng thời gian miễn thị thực cho khách quốc tế 30 ngày; tăng số lượng các quốc gia được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam; mở rộng quốc gia được cấp thị thực điện tử, thủ tục cấp thông thoáng hơn. Mặt khác, Bộ VHTTDL, TCDL xây dựng chiến dịch quảng bá du lịch quốc tế hiệu quả, toàn diện; xây dựng hệ thống dữ liệu du lịch chuyên ngành tập trung liên thông với hệ thống quản lý dữ liệu của các địa phương, xây dựng hệ thống App và bản đồ số du lịch dùng chung để thống nhất giữa các địa phương; hỗ trợ Sở Du lịch Hà Nội trong công tác chuyển đổi số...
Tại buổi làm việc Phó Tổng cục trưởng TCDL Phạm Văn Thủy ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động du lịch của Hà Nội thời gian qua, đặc biệt là trong hoạt động phục vụ SEA Games 31. Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho rằng, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực không chỉ riêng Hà Nội gặp phải, Hà Nội cần chú trọng phương diện này để đẩy nhanh sự hồi phục của Du lịch Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần quan tâm các vấn đề về truyền thông quảng bá xúc tiến, xây dựng thương hiệu. Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy nhấn mạnh: “Hà Nội cần phải có quy hoạch du lịch tốt; tăng cường xây dựng sản phẩm du lịch, đặc biệt là dựa trên việc khai thác giá trị văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch chữa bệnh, ẩm thực”.
Cùng ngày, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy đã dẫn đầu đoàn công tác TCDL kiểm tra thực tế tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Thanh Hoàng