Cụ thể, sẽ có 5 sản phẩm du lịch hoàn chỉnh dựa theo cách trục trọng tâm, bao gồm: 1. Khu vực Phố cổ, phố cũ và Hồ Hoàn Kiếm; 2. Khu vực xung quanh Hồ Tây với bãi 2 bên sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì; 3. Khu vực Đông Anh gắn với du lịch tâm linh Cổ Loa - Múa rối nước Đào Thục và khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao; 4. Khu vực trung tâm chính trị Ba Đình gắn với Hoàng Thành Thăng Long và Văn Miếu- Quốc Tử Giám; 5. Khu vực Ba Vì và vùng phụ cận: Làng cổ Đường Lâm, Làng nghề Vạn Phúc, Làng nghề Thường Tín, Làng nghề Bát Tràng.
Ngoài ra, trong 9 tháng cuối năm 2016, ngành du lịch Hà Nội cũng sẽ kêu gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch khu vực Hồ Tây (Hồ nước, trên không và xung quanh Hồ); Sông Hồng và 2 bên sông Hồng để phát triển du lịch; xây dựng đặc khu du lịch tại Đông Anh.
Bên cạnh đó, du lịch Hà Nội sẽ triển khai hợp tác phát triển sản phẩm du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước; Nâng cấp phát triển điểm đến du lịch Hoàng Thành Thăng Long; Thực hiện chuẩn hóa và phát hành các bài thuyết minh tại các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Xây dựng và triển khai “Bản đồ số Hà Nội” theo công nghệ GIS.
Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tham mưu với UBND trình Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết của Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 về “Phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đến năm 2020”;Trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết về “Phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020”.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt trên 1 triệu lượt người, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng đột biến trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, lượng khách nội địa đến Hà Nội cũng tăng nhanh đạt gần 4,6 triệu lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng khách đến Hà Nội đạt trên 5,6 triệu lượt người, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt trên 16.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ./.