“Hùng vĩ về thiên nhiên, đặc sắc về văn hóa, hào hùng về lịch sử” là những tiềm năng của du lịch Tây Bắc được các nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch đánh giá cao, tạo ấn tượng với du khách khi đến vùng này. Tuy nhiên, cho đến nay lượng khách du lịch đến Tây Bắc còn khá khiêm tốn, mang tính rời rạc, quy mô nhỏ, tăng trưởng chậm, lưu lại ngắn ngày và không đều đang là nút thắt kìm hãm sức hút đầu tư và khả năng sinh lợi cho tài nguyên du lịch của vùng. Theo thống kê, năm 2015, lượng khách du lịch đến toàn vùng Tây Bắc đạt trên 8,9 triệu lượt (tăng 3%), trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt, tăng 6,5%. Tính gộp cả khách đi lại giữa các địa phương trong vùng là 13 triệu lượt với độ lưu trú dưới 1,5 ngày. Có thể thấy lưu lượng khách đến Tây Bắc quá nhỏ, chỉ chiếm 5-7% tổng lượng khách du lịch của cả nước, trong đó chủ yếu là khách nội địa với mục đích tham quan, khám phá, do đó chi tiêu cũng hạn chế.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Thời gian qua TCDL đã có đề án hỗ trợ Tây Bắc xây dựng sản phẩm, phát triển kỹ năng nghề, quảng bá xúc tiến…, qua đó du lịch Tây Bắc đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng tốc độ tăng trưởng nguồn khách vẫn chưa như kỳ vọng. Rào cản hiện nay là hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành; nhận thức chưa tiếp cận được nội hàm của du lịch; kỹ năng, năng lực chuyển hóa tài nguyên du lịch hạn chế; chất lượng quảng bá, xúc tiến còn nhiều bất cập.
Để cải thiện thực trạng nguồn khách du lịch, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, Du lịch Tây Bắc phải tập trung vào 4 trụ cột: hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ và nhân lực. Theo đó, Tây Bắc cần xây dựng sản phẩm gắn với thị trường, cần định vị hướng tới phân khúc thị trường nào, đó là sản phẩm nào dành cho khách quốc tế, sản phẩm nào dành cho khách nội địa. Mặt khác, phải đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá e-marketing; đào tạo kỹ năng nghề cho nhân lực du lịch; duy trì liên kết vùng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại hội thảo đề xuất Tây Bắc cần tích cực cải thiện nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng giao thông và và khả năng kết nối các điểm đến, tập trung vào 12 khu du lịch quốc gia, 6 điểm du lịch quốc gia theo quy hoạch các trung tâm đô thị của vùng và 2 trung tâm phân phối khách lớn của cả nước, như: hệ thống đường cao tốc, cầu qua khe, hầm xuyên núi vượt đèo, nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ, Na Sản… Bên cạnh đó, nâng cấp năng lực cung cấp sản phẩm dịch vụ đa dạng, hấp dẫn dựa trên yếu tố bản địa; tổ chức chiến dịch tiếp thị, quảng bá qua nhiều hình thức…
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, để gỡ nút thắt cho du lịch Tây Bắc, thúc đẩy sự tăng trưởng khách du lịch đến với vùng, các doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò hết sức quan trọng, có tính quyết định. Bởi, hiện nay số doanh nghiệp của vùng vừa ít, quy mô nhỏ, khả năng thu hút khách còn hạn chế và bị động. Các kênh đưa khách đến Tây Bắc chủ yếu hầu hết do doanh nghiệp ngoài vùng, như: Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist, Vietnamtourism, Buffalo Tour, Singcafe… Vì vậy, bài toán để khơi thông nguồn khách cho Tây Bắc hiện đang đặt lên vai các doanh nghiệp. Vậy vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý nhà nước cần gần doanh nghiệp, nhà đầu tư hơn để kịp thời gỡ khó, cung cấp thông tin, giải quyết vướng mắc thủ tục cho doanh nghiệp du lịch.
Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel đề xuất: doanh nghiệp lữ hành mong muốn mức giá phòng khách sạn được điều tiết ổn định, do mùa cao điểm thường xuyên bị cháy phòng, dẫn đến giá cả tăng. Về sản phẩm, có thể xây dựng các sản phẩm văn hóa định kỳ mang bản sắc vùng cao Tây Bắc. Về giao thông, cần liên kết với nhau tạo thành một chuỗi sản phẩm, phối hợp xây dựng liên kết đường bộ, đường sắt, theo hướng du khách có thể sử dụng 1 vé có thể đi lại bằng tất cả các phương tiện di chuyển trên vùng Tây Bắc. Về quảng bá xúc tiến, Tây Bắc nên có những phim mang tính chuyên đề như thiên nhiên, ẩm thực, con người… doanh nghiệp sẽ mang đi chiếu tại các hội chợ ở nước ngoài, qua đó phối hợp với các Đại sứ quán Việt Nam giới thiệu văn hóa vùng Tây Bắc tới các thị trường quốc tế.
Phát biểu định hướng phát triển du lịch Tây Bắc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, du lịch vùng Tây Bắc còn rất nhiều việc phải làm và cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền tất cả các cấp để có thể khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Trong đó, cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường du lịch, có cơ chế chính sách thuận lợi, thông thoáng dành cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh; tăng cường liên kết doanh nghiệp với địa phương, liên kết vùng; làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, cần đặc biệt quan tâm phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm, không phát triển quá nóng, tránh làm tổn hại đến bản sắc văn hóa bản địa, cũng như bảo tồn nguyên vẹn các giá trị tài nguyên thiên nhiên của vùng. Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ tham mưu Chính phủ để giải quyết những bức xúc, khó khăn hiện nay, luôn luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Hạ Tinh