Vật phẩm có thể là vật dụng đơn giản như đồ dùng hàng ngày, những nhãn mác của các mặt hàng nổi tiếng, báo, tạp chí viết về những sự kiện của đời sống, những tấm ảnh kỷ niệm, đồng xu; hoặc vật phẩm thể hiện sự phát triển của khoa học công nghệ như đầu thu sóng truyền hình, điện thoại di động…
Các hiện vật cần có kích thước nhỏ gọn, không quá 100cm3. Vật phẩm được đưa vào lưu giữ, dành gửi cho thế hệ mai sau để giúp họ biết được quá khứ của ông cha. Những vật phẩm này mang đặc trưng từng vùng, miền Tổ quốc, qua đó thế hệ mai sau sẽ thấy được tinh hoa văn hóa và trình độ khoa học, công nghệ của đất nước về một thời điểm đáng nhớ của thủ đô Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.
1.000 vật phẩm được chọn để đưa vào lưu giữ trong “thiết bị” gồm 63 vật phẩm đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 937 hiện vật do nhân dân đề xuất. Đồng thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Ban Tổ chức sẽ phát động cuộc vận động quần chúng nhân dân cũng như kiều bào ta ở nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến đề xuất các hiện vật để lưu giữ.
Sau khi thu thập các ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân, một hội đồng tuyển chọn các hiện vật sẽ được thành lập, nghiên cứu tất cả các ý kiến đề xuất để chọn ra 937 vật phẩm còn lại. Tổng số 1.000 vật phẩm sẽ được lựa chọn để lưu giữ trong thiết bị với ý nghĩa tượng trưng cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Sau đó, Ban Tổ chức sẽ sưu tầm hoặc đặt hàng sản phẩm được chọn. Lễ đặt và niêm phong 1000 hiện vật được tổ chức vào tháng 9/2010.
Thiết bị lưu giữ vật phẩm được làm bằng chất liệu có độ bền cao, có thể tích chứa 1.000 lít, được đặt xuống dưới lòng đất và được mở ra sau 1.000 năm. Thiết bị này do người dân Seoul (Hàn Quốc) tặng Hà Nội nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Khu vực lưu giữ hiện vật 1.000 năm được đặt tại khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng). Khu vực này được xây dựng hình bông sen, bên dưới nhụy hoa là bình lưu giữ hiện vật.
PV