Là một trong những lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII được Hội nhà văn tổ chức với quy mô lớn từ ngày 26-28/2/2010 (tức 14/15 tháng giêng âm lịch). Cũng như mọi năm sân thơ ở Văn Miếu chia thành sân thơ truyền thống ở sân Thái Miếu và sân thơ trẻ ở sân nhà Thái Học. Ngoài ra, năm nay còn có triển lãm vườn thơ trăm miền, triển lãm thơ trên gốm sứ với hơn 600 sản phẩm gốm in thơ đã được ra mắt công chúng chiều ngày 27/2 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trong sự háo hức của nhiều người yêu thơ.
Một điều mới mẻ nhất trong ngày thơ năm nay, đó là cuộc thi thơ sinh viên giữa bốn trường đại học, đó là Đại học Văn hóa Hà Nội; Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Đại học Sư phạm I và Đại học Thái Nguyên. Mỗi trường đều đã diễn ra vòng sơ khảo cuộc thi thơ và tại Văn Miếu là vòng chung khảo độc đáo có sự góp mặt đông đảo của các cây bút thơ trẻ hiện đang là sinh viên các trường đại học. Đêm thi thơ sinh viên là tiếng nói, cảm xúc rất chân thực từ người viết trẻ.
Để tiếp nối những xúc cảm, nhiều hoạt động thơ ca được tổ chức với quy mô lớn. Như tại sân thơ chính có lễ rước lửa từ đền Hùng, lễ rước chiếu dời đô, trình diễn thơ các nhà thơ cổ điển Việt Nam, các nhà thơ đương đại với chủ đề: Thăng Long- Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh. Đặc biệt là lễ thả thơ đầy linh thiêng được đông đảo độc giả chờ đợi.
Đại lễ hội thơ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một minh chứng cho thấy giới trẻ không hờ hững với thơ ca bởi thơ ca làm đẹp cho tâm hồn mỗi người, cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.
Vũ Thị Huyền Trang