Tháng 2-1995, sau khi được bổ nhiệm làm việc cho một công ty con của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Yuichi Kobayashi lần đầu đặt chân đến Hà Nội. Nhiệm vụ của ông là theo dõi việc xây dựng nhà máy ở đây.
"Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hà Nội là một thành phố không màu sắc. Lúc đó là tháng 2, thời tiết Hà Nội luôn có mây hoặc mưa. Những ngôi nhà và các con đường cũ kỹ, không được bảo dưỡng", người đàn ông 50 tuổi nói.
Tuy nhiên, ấn tượng này nhanh chóng thay đổi. Kobayashi cảm thấy yêu mến cảnh vật và con người Thủ đô. Trong 14 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội (10/1996-1/2000 và 2007-2017), ông đã coi thành phố này là quê hương thứ hai của mình.
Mỗi khi rảnh rỗi, ông thường mang theo chiếc máy ảnh nhỏ, đi bộ dọc các con phố để ghi lại những khoảnh khắc đời thường của người dân. Nơi ưa thích của ông là các con phố trong quận Hoàn Kiếm.
"Vì sao tôi thích Hà Nội? Vì Hà Nội là một thành phố rất đẹp. Nhiều người ở thành phố này thường nhận xét Hà Nội bụi, bẩn và ồn ào. Nhưng tôi luôn nói với họ rằng, những con đường ở giữa Thủ đô rất xanh. Bạn khó có thể tìm thấy thủ đô nào giàu màu xanh như thế này trên khắp thế giới", Kobayashi chia sẻ.
Năm 1995, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia Nhật Bản nhận xét, người Việt làm việc chăm chỉ và biết hợp tác với nhau trong những tình huống khó khăn.
"Tất nhiên, họ không bao giờ quên tạo cho mình tâm trạng vui vẻ ngay cả khi cuộc sống không mấy dễ chịu. Tôi thấy bầu không khí này thật sự giống Nhật Bản vào những năm 1960", ông nhắc về những năm tháng người dân xứ sở hoa anh đào mạnh mẽ thiết lập một Nhật Bản mới.
Ảnh chụp phố Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào năm 1999. Phương tiện giao thông khi đó của người dân chủ yếu là xe máy và xe đạp. Dịch vụ xích lô phục vụ người dân vẫn còn phổ biến.
Kobayashi chụp bức ảnh người đàn ông dắt xe sang đường ở quận Hoàn Kiếm vào năm 1997.
Năm 1997, xe bus của Hà Nội rất cũ.
Phố Phạm Ngọc Thạch năm 1995 vắng bóng những tiệm quần áo, không sầm uất và đông đúc như bây giờ. Một trong những tòa nhà khang trang nhất con đường này là khu tập thể Trung Tự.
Phố Tràng Tiền năm 1998 không hào nhoáng và đông người qua lại như 20 năm sau đó.
Những người dân buôn bán tấp nập đi qua cầu Long Biên chủ yếu bằng phương tiện thô sơ. Những năm cuối thế kỷ XX, cầu Long Biên là một trong số những cây cầu ít ỏi ở Hà Nội bắc qua sông Hồng.
Một buổi họp chợ ở làng gốm Bát Tràng. Sau trận mưa, đường làng trở nên lầy lội với nhiều vũng nước. Nhà cửa chủ yếu là nhà mái ngói một tầng.
Ngoài Hà Nội, Kobayashi cũng từng chụp hình ở một số địa điểm khác như Bắc Ninh. Tuy nhiên, cơ hội của ông không nhiều vì lý do công việc. Hiện tại, dù đã trở về Nhật Bản, ông vẫn luôn mong muốn trở lại. "Tôi thích sống ở Hà Nội", ông nói.
Nguồn: hanoimoi.com.vn