Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Nguyễn Hồng Chăm nhấn mạnh, nghề làm lược bằng sừng ở làng Thụy Ứng đã có từ xa xưa, gắn với vị Tổ nghề họ Trần được phụng thờ trong đền thờ Tổ nghề. Hàng năm, cứ đến ngày 15/2 âm lịch người dân làng Thụy Ứng lại thành kính tổ chức giỗ tổ để tưởng nhớ công lao của Tổ nghề lược sừng.
Ông Chăm cho biết, sau khi được tổ nghề truyền dạy, dân làng Thụy Ứng duy trì và phát huy nghề làm lược từ đời này sang đời khác, với mẫu mã đa dạng và độ bền ngày càng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên nghề làm lược sừng cũng có những thăng trầm, mai một. Từ năm 1991 đến nay, Làng nghề lược sừng Thụy Ứng ngày càng phát triển, khẳng định vị thế của một làng nghề độc đáo. Ngày 9/7/2003, Làng nghề lược sừng Thụy Ứng được UBND tỉnh Hà Tây công nhận đạt danh hiệu Làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tây. Ngày 26/10/2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4072-QĐ-UBND về việc công nhận Điểm du lịch Làng nghề Lược sừng Thụy Ứng. “Nghề làm lược gắn liền với lịch sử phát triển của làng và công lao to lớn của Tổ nghề, là niềm tự hào của người dân Thụy Ứng. Phát triển du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu phát huy được hiệu quả của làng nghề truyền thống gắn với du lịch thì lợi ích lại là vô cùng lớn”, ông Chăm chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nêu rõ, Thường Tín là huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch. Thường Tín được biết đến với nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa có kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng như, chùa Đậu, chùa Mui, nhà thờ Nguyễn Trãi...; những lễ hội đặc sắc như lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, lễ hội làng Từ Vân, lễ hội chùa Mui, lễ hội chùa Đậu, lễ hội đền Bộ Đầu…, các môn nghệ thuật cổ truyền đang được lưu giữ, bảo tồn và khôi phục như: ca trù, hát chèo, múa Bồng, hát Trống quân… Đặc biệt, Thường Tín được biết đến với nhiều làng nghề thủ công truyền thống như: lược sừng Thụy Ứng, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, tiện Nhị Khê. Đến nay, toàn huyện Thường Tín được TP. Hà Nội công nhận 4 điểm du lịch như: điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề Lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm. “Lễ đón nhận quyết định của UBND TP. Hà Nội công nhận điểm đến du lịch làng nghề Thụy Ứng là cơ hội để Thường Tín phát huy hơn nữa thế mạnh về tiềm năng du lịch huyện, đóng góp cùng với Thành phố trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố, là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để Thường Tín trở thành điểm đến được yêu thích của du khách trong nước và quốc tế, ông Hiếu nhấn mạnh, trong thời gian tới, UBND xã Hòa Bình, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các hạng mục theo các tiêu chí tại Quyết định số 3928/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND TP. Hà Nội quy định về Bộ tiêu chí đánh giá điểm, khu du lịch chất lượng cao trên TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025, để điểm đến sau khi đầu tư trở thành điểm du lịch chất lượng cao của Thành phố. Đề nghị huyện Thường Tín trên cơ sở các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, danh lam thắng cảnh tiêu biểu nổi trội của huyện, quan tâm đầu tư xây dựng thành điểm đến du lịch hoàn chỉnh đưa vào các tour tuyến phục vụ khách tham quan, du lịch”.
Tại buổi lễ, nghệ nhân Nguyễn Văn Sử cho biết, Làng nghề lược sừng Thụy Ứng là một làng nghề hết sức độc đáo. Trải qua gần 500 năm với những biến thiên lịch sử, nhưng làng nghề vẫn luôn được người dân gìn giữ, bảo tồn và không ngừng sáng tạo để phát triển. Đến nay, các nghệ nhân làng nghề đã đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng sản xuất để tạo ra những sản phẩm ngày càng có chất lượng và đa dạng về mẫu mã, cung cấp cho thị trường trong nước, xuất khẩu. Đến với làng nghề lược sừng Thụy Ứng du khách sẽ được khám phá về đình, chùa, nhà thờ Tổ, giếng cổ, miếu thờ, cây đa di sản, trải nghiệm các công đoạn sản xuất thủ công lược sừng, tham quan khu trưng bày giới thiệu sản phẩm thủ công làng nghề lược sừng. “Rất mong Sở Du lịch Hà Nội sẽ hỗ trợ về định hướng phát triển du lịch làng nghề, tổ chức các tour trải nghiệm nghề lược sừng cho du khách trong các tour làng nghề; đào tạo đội ngũ làm công tác du lịch, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Đề nghị Sở Công thương hỗ trợ việc đào tạo, dạy nghề, xét duyệt tôn vinh nghệ nhân, có chính sách để phát triển làng nghề, phát triển tài năng của lớp trẻ”, ông Sử kiến nghị.
Tuấn Sơn
.