Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Sát cánh” cùng Bình Phước để phát triển địa phương trở thành một điểm sáng…
Báo cáo Lãnh đạo Bộ về tình hình văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết, Bình Phước với diện tích trên 6.800 km, dân số trên 01 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 20%. Tỉnh có 258,939 km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia (có 03 huyện và 15 xã giáp biên giới Campuchia) với 04 cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở. Sau 26 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo của TW, của Bộ VHTTDL, Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực công tác. Năm 2022, tỉnh tham dự Seagames 31và đạt nhiều huy chương vàng, bạc, đồng; tổ chức thành công Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI, đăng cai tổ chức Vòng loại Giải Bóng đá U17, U19, U21 quốc gia; các trận Bóng đá trong khuôn khổ Giải Cúp quốc gia và Giải hạng Nhất quốc gia; Giải Vô địch Cờ tướng đấu thủ mạnh quốc gia. Năm 2023, đạt giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” lần thứ 28, tham dự Đại hội TDTT toàn quốc đạt 09 HCV , 11 HCB , 18 HCĐ xếp thứ 26/65 tỉnh, thành, được Bộ VHTTDL tặng Cờ thi đua xuất sắc trong việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp tại địa phương…
Đối với Du lịch, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết thực hiện Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020 - 2025 và Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch vùng Đông Nam bộ; Hội thảo lấy ý kiến góp ý phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, nhiều văn bản triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch về đổi mới, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; nâng cao chất lượng phong trào TDTT cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 – 2025…
Để tạo điều kiện cho ngành VHTTDL tỉnh phát huy tốt hơn nữa những thành tích đã đạt được, phục vụ và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, du lịch của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị Bộ VHTTDL quan tâm, hỗ trợ một số vấn đề. Cụ thể, cho phép tỉnh tham gia Hội chợ triển lãm thế giới Expo 2025 Osaka được tổ chức vào tháng 6 năm 2025 tại Kansai, Nhật Bản để giới thiệu, quảng bá hình ảnh về văn hóa, thiên nhiên, con người và những sản phẩm đặc trưng của Bình Phước đến với du khách và bạn bè quốc tế.
Đối với di sản, hiện tỉnh Bình Phước đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ công nhận nghề đan lát gùi của đồng bào S’tiêng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời, tỉnh cũng đang triển khai xây dựng hồ sơ nghề giã gạo chày tay của đồng bào S’tiêng, M’Nông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Bình Phước có nhiều dân tộc anh em, trong đó đồng bào S’tiêng là dân tộc sinh sống lâu đời. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào S’tiêng đã một lòng kiên trung đi theo Đảng, theo cách mạng chống giặc ngoại xâm; hình ảnh đồng bào S’tiêng giã gạo nuôi bộ đội đã trở thành hình ảnh ấn tượng, được cả nước biết đến qua bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sỹ Xuân Hồng, vì vậy việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ hết sức ý nghĩa”, bà Minh nói.
Về thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, theo báo cáo của tỉnh Bình Phước, trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định tập trung đầu tư và thu hút đầu tư vào Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Bà Rá (Di tích núi Bà Rá) để hình thành điểm du lịch quốc gia. Để tạo điều kiện cho Bình Phước được thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư du lịch, đề nghị Bộ xem xét, kiến nghị Chính phủ, bổ sung Di tích núi Bà Rá thành điểm du lịch quốc gia vào Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ quan tâm, ủng hộ để việc triển khai thực hiện quy hoạch Đề án phát triển Du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 với 06 sân golf đã được quy hoạch trên địa bàn.
Một nội dung khác được Bình Phước đề nghị với Bộ VHTTDL là quan tâm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho Bình Phước lập Đồ án quy hoạch di tích Tà Thiết, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của di tích.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng, ý nghĩa của Hội nghị xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư xây dựng sân golf và khách sạn tỉnh dự kiến tổ chức trong năm 2023, tỉnh mong được các đơn vị của Bộ hỗ trợ kết nối các nhà đầu tư, cũng như các doanh nghiệp lữ hành để phát triển tour, tuyến, sản phẩm du lịch ...
Đối với Thể thao, Giải Vô địch quốc gia Việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” là sự kiện thường niên và được tỉnh phối hợp với Tổng cục TDTT tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Phước Long 6/1 hằng năm. Từ năm 2005, giải được công nhận thuộc hệ thống thi đấu quốc gia; năm 2007 đến năm 2012, giải được tổ chức mở rộng nội dung thi đấu quốc tế có sự tham gia các nước bạn như Lào, Campuchia, Thái Lan. Tuy nhiên, do chưa phải là giải thuộc hệ thống thi đấu quốc tế nên công tác mời vận động viên các nước tham gia gặp khó khăn, không đảm bảo về số lượng và chất lượng vận động viên chuyên nghiệp tham dự giải. Đề nghị Bộ và Tổng cục TDTT xem xét nâng giải thành giải quốc tế bắt đầu từ năm 2025 (giải lần thứ 30).
Năm 2026, đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức tại TP.HCM, tỉnh Bình Phước đề nghị đưa giải Vô địch quốc gia Việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” vào hệ thống môn thi đấu chính thức tại Đại hội và cho phép Bình Phước đăng cai tổ chức thi đấu một số môn tại Đại hội, gồm leo núi và một môn thi đấu trong nhà…
Cơ bản nhất trí với những đề nghị của Bình Phước, Bộ trưởng giao các đơn vị liên quan làm việc đối với từng nội dung cụ thể.
Nhấn mạnh đến bề dày truyền thống cách mạng của Bình Phước, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, kiên trung với cách mạng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, dưới giác độ không chỉ là lịch sử, truyền thống, cách mạng, văn hóa, những năm gần đây kinh tế cũng có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh tài nguyên văn hóa, Bình Phước còn có tài nguyên tự nhiên, nếu “thổi hồn” vào sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách. 26 năm trở lại với tên gọi ban đầu của mình, Bình Phước đã có nhiều đóng góp cho kinh tế, xã hội của đất nước…
Bên cạnh sự hỗ trợ của TW, của Bộ, Bộ trưởng cũng đề nghị Bình Phước tiếp tục quan tâm hơn cho văn hóa, cân nhắc đầu tư cho các thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa, lấy môi trường văn hóa làm cơ sở, gắn với toàn dân xây dựng đời sống văn hóa…
Mượn lời hát của cố nhạc sỹ Xuân Hồng, “ta bên bạn, bạn bên mình”,“không lý gì chúng ta không cùng nhau để đưa Bình Phước trở thành địa phương phát triển về kinh tế và điểm sáng về văn hóa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Viễn Nguyệt