Ngày 10/11, tại huyện Bắc Mê (Hà Giang) đã diễn ra Hội thảo Xây dựng sản phẩm du lịch huyện Bắc Mê và ra mắt sản phẩm “Về với địa chỉ đỏ - Căng Bắc Mê”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cùng đông đảo các doanh nghiệp du lịch Hà Giang và một số tỉnh phía Bắc tham dự.
Báo cáo đánh giá tiềm năng thế mạnh của Bắc Mê cho thấy, huyện Bắc Mê, Hà Giang với lợi thế địa hình đa dạng và hiểm trở đã tạo thành nét độc đáo và nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, có giá trị. Bắc Mê cũng được hưởng lợi từ tài nguyên du lịch tự nhiên của lòng hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) trên sông Gâm. Phần sông Gâm thuộc địa phận Bắc Mê có cảnh quan đẹp, mang lại giá trị về du lịch tham quan và thể thao mạo hiểm; có nhiều hệ thống hang động tạo tiền đề tổ chức các tuyến du lịch tham quan hang động... Đặc biệt, Bắc Mê còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Hiện, Bắc Mê có 3 di tích được công nhận Di sản văn hóa cấp quốc gia gồm: Di tích lịch sử Căng Bắc Mê, Di tích lịch sử văn hóa hang Đán Cúm, hang Nà Chảo cùng bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời của các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng.
Những năm qua, du lịch Bắc Mê đang từng bước phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo một số địa phương trong huyện, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho nhân dân, góp phần giảm nghèo; đồng thời, thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, mở ra nhiều cơ hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Từ Bắc Mê cũng có thể kết nối các tour, tuyến với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên non nước Cao Bằng, tuyến du lịch huyện Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang), Ba Bể, Pắc Nặm (Bắc Kạn)... giao thông đi lại không quá khó khăn. Có thể nói, tiềm năng, lợi thế về di tích lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, danh lam, thắng cảnh và văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Mê là tiền đề quan trọng để Bắc Mê phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái và du lịch cộng đồng.
Lợi thế là vậy nhưng Bắc Mê chưa phát triển được kinh tế du lịch, chưa đem lại nguồn thu cho người dân. Năng lực đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch của các tổ chức, cá nhân tại huyện chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đặc biệt, công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương còn nhiều yếu kém...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, Bắc Mê tiềm năng phát triển du lịch đã có, nhưng cần làm thế nào để thu hút du khách đến với Bắc Mê là bài toán mà chúng tôi luôn trăn trở. Tuy nhiên, trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch Trần Đức Quý cũng chỉ ra: Để tạo sức hút du khách, trước hết, Bắc Mê phải từng bước xây dựng các làng văn hóa, khu du lịch. Trong đó, môi trường du lịch cần phải được chú trọng, đó là: xung quanh phải sạch, đẹp; các nhà hàng, khách sạn phải đảm bảo an toàn vệ sinh, xây dựng văn hóa ứng xử trong các nhà hàng, khách sạn... Các sản phẩm phải tạo ra tính đặc trưng riêng, có thương hiệu, có nhãn mác; đồng thời kết nối được với các tỉnh bạn để xây dựng và phát triển các tour, tuyến. Nghiên cứu cách làm để người dân thấy được lợi ích và được hưởng lợi từ du lịch. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá tổ chức các sự kiện, lễ hội...
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành Du lịch, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương bày tỏ: Tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch Bắc Mê là rất lớn. Tuy nhiên, Bắc Mê cần quan tâm đến hai mục tiêu khi phát triển du lịch, đó là: Phát triển du lịch để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân địa phương; giảm tải cho các tuyến trọng điểm du lịch đã quá tải khách như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đồng thời, bà Thanh Hương cũng nhấn mạnh: Bắc Mê cần xây dựng sản phẩm du lịch mới trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa, lịch sử bản địa nhằm tạo sự khác biệt để thu hút khách trở lại nhiều lần với Hà Giang.
Tại hội thảo, đại diện các công ty lữ hành đã đưa ra nhiều ý kiến hiến kế cho du lịch Bắc Mê phát triển, trong đó chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, chú trọng tạo điểm nhấn và xây dựng các sản phẩm đặc thù thông qua tính liên kết chặt chẽ, đề cập những yếu tố có thể bổ sung để đa dạng hóa sản phẩm du lịch Bắc Mê; định hướng quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch đến du khách trong và ngoài tỉnh...
Trong khuôn khổ Hội thảo, dịp này lãnh đạo tỉnh Hà Giang và đại diện các doanh nghiệp du lịch đã thực hiện ấn nút công bố sản phẩm du lịch “Về với địa chỉ đỏ - Căng Bắc Mê” và chứng kiến Lễ ký kết hợp tác liên kết xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch “Về với địa chỉ đỏ - Căng Bắc Mê”.
Tuấn Hải