Sự có mặt của Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với phát triển du lịch. Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu "phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020 thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu, trong đó ưu tiên phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia với quy mô và tầm cấp quốc tế gắn với việc bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa" của tỉnh.
Hà Giang được đánh giá là địa phương có lợi thế đặc thù về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch, văn hóa, nhân văn…, đặc biệt là giá trị nổi bật của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động du lịch, tuy nhiên lượng khách du lịch đến với Hà Giang chưa nhiều. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2017, lượng khách du lịch đến Hà Giang chỉ đạt trên 1 triệu lượt; trong đó khách quốc tế chỉ đạt 169.689 lượt; doanh thu du lịch, dịch vụ đạt 913,6 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2018, khách du lịch đến Hà Giang đạt 270,124 lượt, trong đó khách quốc tế là 59,950 lượt.
Hiện nay, Hà Giang đã hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Doanh nghiệp hai bên đã kết nối, khai thác một số tuyến du lịch 2 chiều. Lượng khách từ thị trường Trung Quốc đang đứng top đầu của du lịch Hà Giang. Với mong muốn thu hút khách từ các thị trường khu vực và quốc tế, năm 2017, Hà Giang đã tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch tại Nhật Bản, kỳ vọng hút khách từ thị trường này bằng những đặc thù của mình.
Hội nghị xúc tiến quảng bá “Sắc màu Hà Giang” giới thiệu mảnh đất, con người Hà Giang, hình ảnh du lịch Hà Giang, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn với với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường giao lưu, hợp tác, kết nối.
“Tôi mong muốn và mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Hà Giang tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch địa phương. Hà Giang sẽ cam kết tổ chức triển khai và vận dụng có hiệu quả các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng đầu tư... của Trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế chính sách hiện có tại địa phương cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh Hà Giang đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cam kết.
Tại Hội nghị, Hà Giang giới thiệu một số dự án du lịch đã và đang được Hà Giang kêu gọi đầu tư: thứ nhất là dự án xây dựng khu đô thị sinh thái cao cấp núi Mỏ Neo, nằm tại trung tâm thành phố Hà Giang, đây là cửa ngõ kết nối với công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, với tổng diện tích tự nhiên527 ha. Mục tiêu xây dựng khu vui chơi giải trí du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách đến với Hà Giang. Dự án gồm nhiều hạng mục, gồm khu du lịch văn hóa tâm linh, khu khách sạn, resort, vui chơi giải trí, khu biệt thự sinh thái nhà vườn, khu thể thao… với quy mô 100 ha. Hà Giang kỳ vọng dự án núi Mỏ Neo là khu vui chơi giải trí cao cấp không chỉ của riêng thành phố Hà Giang mà của cả vùng núi phía Bắc.
Dự án thứ 2 là xây dựng khu bảo tồn sinh thái Chiêu Lầu Thi. Với nhiều tiềm năng lợi thế về cảnh quan và hệ thực vật, nhiều nét hoang sơ, gắn với bản sắc của đồng bào dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì, dự án bao gồm các hạng mục nhà nghỉ trên núi, khu bảo tồn động vật hoang dã, khu thể thao mạo hiểm, khu bảo tồn, nhà trưng bày … với tổng diện tích 250 ha.
Thứ 3 là dự án đầu tư các khu nghỉ dưỡng trên núi, với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những nét đẹp hoang sơ gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, Hà Giang có nhiều tiềm năng phát triển các dự án đầu tư nghỉ dưỡng theo kiến trúc nhà ở của người dân bản địa. Trong đó, các địa điểm Nậm Đăm (Quản Bạ), Yên Minh, Mèo Vạc, thị trấn Đồng Văn đều có các khu vực thích hợp với diện tích từ 8 – 20 ha.
Nhóm dự án thứ hai là tổ hợp khu vui chơi giải trí với dự án công viên vui chơi giải trí công viên nước Hà Phương; Dự án đầu tư du lịch cộng đồng, mô hình đang được phát triển tại làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, nâng cấp các homestay theo tiêu chuẩn để đáp ứng tốt hơn khách lưu trú. Dự án đầu tư vào hang động, bên cạnh hang Lùng Khúy, Hà Giang đã phát hiện nhiều hang động đẹp, có khả năng khai thác du lịch, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn, có thể phát triển loại hình khám phá hang động, mạo hiểm trong hang…
Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang Nguyễn Hồng Hải:
“Xác định rõ sản phẩm du lịch và phân khúc thị trường để khai thác, phát triển du lịch”
Ngành VHTTDL Hà Giang xác định phân khúc và sản phẩm du lịch để khai thác, phát triển du lịch. Theo đó, ba khu vực cần tập trung đầu tư: thứ nhất, tại Hoàng Su Phì và Xín Mần lấy ruộng bậc thang làm điểm nhấn và văn hóa đồng bào các dân tộc làm các sản phẩm hỗ trợ cho vùng phía Tây Hà Giang.
Khu vực thứ hai là Bắc Quang, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang lấy điểm nhấn là du lịch tâm linh. Khu vực thứ ba là Bắc Mê lấy lòng hồ sông Gâm gắn với Na Hang – Tuyên Quang, sông Gâm mặc dù thời gian khai thác không được nhiều, (khoảng 6 tháng) nhưng được khách du lịch từ Vân Nam rất ưa chuộng. Điểm cuối cùng là điểm nhấn của Hà Giang và cũng là thương hiệu đó là Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn - thương hiệu không những quốc gia mà cả quốc tế để xác định phân khúc thị trường, thu hút khách du lịch đến Hà Giang.
Đối với các làng văn hóa du lịch cộng đồng chúng tôi cũng đang xác định lại cần làm sao để sản phẩm du lịch cộng đồng không bị trùng lặp, ví dụ lên Hà Giang Yên Minh là người Tày, Đồng Văn là Lô Lô và Giáy. Xác định rõ đây là những nét văn hóa cần được bảo tồn. Các homestay được xây dựng tại các làng văn hóa chính là để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nếu không Hà Giang sẽ giống Sapa (hiện nay nhiều làng du lịch ở Sapa đều giống nhau, mất bản sắc riêng).
Về ẩm thực, Hà Giang đã có đề nghị với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tới đây sẽ xây dựng sách về ẩm thực để Hà Giang căn cứ vào đó xây dựng sản phẩm ẩm thực mang bản sắc địa phương thu hút khách du lịch...
|
Viễn Nguyệt