Những tín hiệu tích cực
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết: Bên cạnh việc chuyển hướng phục vụ khách nội địa để đảm bảo hoạt động trong dịch bệnh, công ty vẫn liên tục kết nối với các hãng du lịch nước ngoài để phát triển sản phẩm, sẵn sàng đón khách quốc tế khi cho phép. Sau khi chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 được triển khai, các đối tác ở một số quốc gia như Anh, Đức, Bắc Mỹ đã hoãn, hủy tour trước đó, cũng như khách mới muốn khám phá Việt Nam đã chủ động kết nối trở lại để tìm hiểu thông tin về tình hình tiêm vaccine, thị trường du lịch Việt Nam sau khi dịch được kiểm soát. Theo ông Hà, các công ty du lịch ở Anh cho biết, khách hàng của họ sẽ lập tức trở lại Việt Nam sau khi mở cửa trở lại. Việt Nam cũng là một trong những điểm đến châu Á yêu thích hàng đầu đối với du khách Đức. Ông Hà còn cho biết thêm: Khách hàng của các công ty nước ngoài đánh giá rất cao kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam, bên cạnh các nhu cầu khám phá văn hóa, ẩm thực, con người và cảnh quan, môi trường, biển đảo, khách có nhu cầu đi du lịch chậm, ít tiếp xúc, đi theo nhóm nhỏ, ở lâu một điểm để khám phá, quan tâm đến du lịch chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, yếu tố an toàn vẫn đặt lên hàng đầu, vì vậy du khách nước ngoài rất trông chờ vào kết quả tiêm chủng vaccine và lộ trình mở cửa đón khách an toàn của Việt Nam cũng như những quy định đảm bảo an toàn cho người dân, du khách. Hiện nay, sản phẩm của công ty gắn với thiên nhiên, biển đảo được khách hàng quan tâm nhất là tour Ba Vì (Hà Nội), tour du thuyền ở Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Lan Hạ (Cát Bà) hay nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên ở Pù Luông (Thanh Hóa), Phú Quốc (Kiên Giang)…
Trao đổi về vấn đề chuẩn bị đón khách quốc tế, Giám đốc sản phẩm công ty TNHH Du lịch Mai Việt (Mai Viet Travel) - ông Dương Xuân Tráng cho hay: Sau khi khu vực châu Âu đã tiến hành tiêm vaccine đại trà để tạo miễn dịch cộng đồng thì đối tác bên Pháp đã liên lạc thường xuyên để hỏi về thời gian mở cửa đón khách của Việt Nam. Ông Tráng cũng cho biết: “Qua thông tin báo chí thì khách quốc tế đánh giá rất cao về việc phòng, chống dịch và kiểm soát dịch của Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ đầu tư & Du lịch Bàn Chân Việt (Vietfoot Travel) - Phạm Duy Nghĩa cho biết: Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã khiến cho nhiều doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc gần như suy sụp. Dịch từng bước được kiểm soát là điều kiện để phục hồi nền kinh tế, phục hồi các lĩnh vực trong đó có du lịch.
Trước mắt du lịch nội địa được quan tâm nhiều nhất, tiếp đến là du lịch inbound cho khách quốc tế đến Việt Nam nhất là sau khi có chính sách hộ chiếu vaccine, Việt Nam cũng sẽ sẵn sàng mở cửa cho các du khách trên thế giới đã tiêm vaccine. Vietfoot Travel đã tiến hành những công tác chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế đến Việt Nam như thường xuyên kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin du lịch Việt Nam với các đối tác nước ngoài; nghiên cứu rất kỹ thị trường, nhu cầu, cách triển khai chắc chắn, an toàn, hiệu quả và phù hợp với pháp luật. Bên cạnh đó, Vietfoot Travel đang kết nối với các dịch vụ liên quan như vận chuyển, lưu trú, dịch vụ nhà hàng, y tế, các nơi vui chơi giải trí. Kết nối với các công ty lữ hành, du lịch châu Âu, Úc, Mỹ, Canada… dự kiến đưa khách sang Việt Nam ngay sau khi dịch được kiểm soát và Chính phủ cho phép mở các đường bay thương mại. “Do Việt Nam kiểm soát rất tốt dịch nên du khách quốc tế coi du lịch Việt Nam như một điểm đến an toàn trong mùa dịch”, ông Nghĩa chia sẻ.
Cần nhạc trưởng đưa du lịch vượt khó
Giám đốc Vietsense Travel - Nguyễn Văn Tài cho biết: Trong thời gian gần đây, nhiều nước trên thế giới cho phép khách du lịch quốc tế đã tiêm vaccine COVID-19 nhập cảnh có đi kèm một số biện pháp và điều kiện về đảm bảo trong phòng chống dịch COVID-19 và thông tin về các đối tác nước ngoài kết nối với các công ty lữ hành Việt tìm hiểu thị trường du lịch, điểm đến Việt Nam an toàn sau khi đã được tiêm COVID-19. Đây là tín hiệu đáng mừng cho hoạt động trở lại của du lịch thế giới trong đó có du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để đưa hoạt động du lịch trở lại cần phải có lộ trình, có những giải pháp, bước đi thận trọng. Mấu chốt nhất là phải đảm bảo an toàn cho du khách và phải xây dựng được các điểm đến an toàn. Gần đây, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cà Mau đã cho phép mở cửa trở lại các khu vực du lịch để đón khách nội tỉnh, tắm biển, các hàng quán, kinh doanh dịch vụ bán tại chỗ nhưng phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Có thể nói, đây là sự khởi đầu cho hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, theo ông Tài: “Đại dịch COVID-19 tái bùng phát đã quật ngã nhiều doanh nghiệp du lịch. Nhiều doanh nghiệp phá sản, khách sạn phải rao bán, cần có ngay nhiều giải pháp cứu, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt khó. Khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang còn diễn biến phức tạp, để cứu các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đề nghị Chính phủ cho tháo khoán ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế 500 triệu đồng hoặc có cơ chế, chính sách dùng tiền đó làm tài sản để đảm bảo cho doanh nghiệp vay lại từ ngân hàng để có nguồn tiền duy trì hoạt động”.
Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Mai Viet Travel lại cho rằng: Trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành ở Việt Nam, theo tôi chưa nên mở cửa lại đón khách du lịch quốc tế cho đến khi việc tiêm vaccine cho toàn dân được thực hiện. Khi tình hình dịch được kiểm soát tốt thì có thể áp dụng hộ chiếu vaccine với khách du lịch đã tiêm đầy đủ vaccine và tạo ra các hành lang du lịch xanh, du lịch an toàn cho khách du lịch quốc tế đến các điểm tham quan hay nghỉ dưỡng. “Đối tượng khách nào cũng quan trọng với chúng ta nhất là sau dịch bệnh COVID-19 này nhưng vẫn phải xem xét vấn đề an toàn cho Việt Nam khi mở cửa lại cho khách du lịch quốc tế vào. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cho tiêm vaccine toàn dân sớm nhất có thể vì chỉ có như vậy mới tạo ra miễn dịch cộng đồng và việc mở cửa lại đón khách du lịch quốc tế mới an toàn cho du khách và cho Việt Nam”, ông Tráng cho biết.
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group: Các đối tác quốc tế kết nối, tìm hiểu thông tin về thị trường du lịch Việt Nam thắp nên niềm hy vọng mới của du lịch Việt Nam. Để đón được khách quốc tế ngay sau khi dịch được kiểm soát tốt thì ngay từ bây giờ cần có một “nhạc trưởng” để chỉ huy, kết nối, tiếp sức, hỗ trợ, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch. Chúng ta cần phải có lộ trình rõ ràng trong việc xây dựng sản phẩm mới; phải làm maketing, xây dựng, xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin cụ thể, đầy đủ về thị trường du lịch Việt Nam hay những dịch vụ, quy định của điểm đến an toàn cho khách; có thông tin rõ ràng về lộ trình mở cửa, đón khách đối với các quốc gia, khu vực theo từng thời điểm khác nhau; đảm bảo an toàn cho khách. “Để phục hồi ngành du lịch cần phải chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch phải làm những gì trước mắt cũng như lâu dài, sự kết nối ra sao? Cần phải xây dựng lộ trình, có giải pháp cấp bách, kịp thời để tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp, cũng như những cơ chế, chính sách, đề ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể để các doanh nghiệp du lịch “hồi sức” và có đủ sức vượt qua đại dịch COVID-19 có bước phát triển trong thời gian tới”, ông Hà nhấn mạnh.
Tuấn Sơn