Doanh nghiệp du lịch đi bán dụng cụ phòng, chống dịch
Công ty cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt (Du lịch Việt) hoạt động cả trong lĩnh vực du lịch nội địa và quốc tế. Mặc dù là một trong những đơn vị nhiều năm liền được vinh danh trong Top 10 các Công ty Lữ hành hàng đầu Việt Nam nhưng trước cơn sóng gió của đại dịch COVID-19 cũng phải tìm đường để tồn tại.
Dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam đúng vào dịp Tết, nhiều hoạt động của Công ty phải tạm ngưng. Thời điểm này một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long… gặp khó khăn trong việc xuất khẩu, Công ty đã tiến hành nhập những mặt hàng nông sản này để bán. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Trần Văn Long còn cho biết: Ngay từ đợt dịch đầu năm 2020, khi các doanh nghiệp du lịch trong cả nước còn đang nghe ngóng dịch bệnh, hy vọng dịch bệnh sẽ được khống chế trong quý I/2020 thì ông đã bán nhà, bán tài sản để gom vốn tập trung đầu tư vào hướng đi mới với quyết định nhập thiết bị máy móc về để sản xuất khẩu trang y tế phối hợp với một đơn vị khác để phân phối dung dịch rửa tay sát khuẩn và dung dịch khử trùng. Trụ sở Công ty ở ngay Trung tâm quận I TP. Hồ Chí Minh, văn phòng ở Hà Nội ngay trên đường Trần Hưng Đạo vẫn mở cửa hàng ngày nhưng thay vì giao dịch tour tuyến, phòng khách sạn, vé máy bay, nay trở thành nơi trưng bày hàng hóa phòng chống dịch, hơn một nửa số lao động của Công ty có việc làm thường xuyên, ổn định. Đến nay, những hộp khẩu trang nhãn hiệu Việt Nam do Công ty sản xuất đã có mặt tại Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, châu Âu…
Theo ông Long: Dịch bệnh chưa thể khống chế ngay, thời gian tới sẽ có rất nhiều doanh nghiệp bị đào thải, không riêng gì các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Du lịch mà cả trong các ngành kinh tế khác đều phải chịu tác động không nhỏ. Điều này dẫn đến hậu quả hàng triệu lao động trong ngành Du lịch bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập; hàng chục ngàn doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng kinh doanh vì dịch bệnh. Tình hình đòi hỏi doanh nghiệp và người lao động cần chủ động để thích nghi, tồn tại trong mùa dịch. Ông Long tâm sự, dù công việc xuất nhập khẩu thiết bị y tế đang ngày càng phát triển, ông cũng sẽ không từ bỏ Công ty lữ hành. Vì với ông, “nghề du lịch đã ăn vào máu”. Đến nay, hơn 30% nhân sự của Công ty vẫn còn làm việc trong tâm thế sẵn sàng phục vụ khách du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ngoài ra, họ cũng đảm nhận nhiều vị trí trong Công ty sản xuất khẩu trang. “Tâm nguyện lớn nhất của tôi là được đưa khách Việt đến nhiều quốc gia trên thế giới, để biết thêm nhiều điều hay, cái đẹp. Vì thế, tôi vẫn song song đầu tư trong nhiều lĩnh vực để Công ty Du lịch không bị giải thể, dù lợi nhuận hiện nay đang ở số âm”, ông Long cho biết thêm.
Doanh nghiệp tạo nhiều bước đột phá
Đã từ lâu thương hiệu VietSense Travel đã tìm được chỗ đứng trong danh sách những doanh nghiệp kinh doanh lữ hành online hàng đầu Việt Nam, có uy tín với nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước. Bên cạnh việc kinh doanh lữ hành, VietSense Travel chú trọng cả mảng đào tạo nhân lực tại Trung tâm đào tạo du lịch thực tế Prato dành cho các đối tượng học viên mới đi làm hoặc những người đang đi làm nhưng còn thiếu kỹ năng. Thông qua những khóa học ngắn hạn để họ nâng cao năng lực trong lĩnh vực phục vụ ẩm thực, nhà hàng với mong muốn xây dựng hệ sinh thái du lịch khép kín bao gồm lữ hành, lưu trú, nhà hàng, vận chuyển.
Ngoài ra, nhận định cơ hội kinh doanh nhà hàng ở Việt Nam là rất lớn nên VietSense Travel đã quyết định mở nhà hàng với hai mục tiêu quan trọng nhất của thị trường ẩm thực Việt Nam là chất lượng đồ ăn ngon và giá cả hợp lý. Ông Tài chia sẻ: làm dịch vụ du lịch, lữ hành rất phù hợp để chúng tôi lấn sân sang kinh doanh ẩm thực. Bởi vì, khám phá ẩm thực cũng là một trong những mục tiêu của rất nhiều du khách khi đi du lịch. Bên cạnh đó, chúng tôi có phong cách dịch vụ bài bản, chuyên nghiệp với sự ứng dụng linh hoạt phương thức quản lý, quy trình phục vụ chuẩn... Bên cạnh đó, kinh nghiệm trong kinh doanh lữ hành giúp chúng tôi có được những phương thức hạch toán, xây dựng thương hiệu, cũng như cách tạo ralợi nhuận từ những dịch vụ đi kèm.
Theo ông Tài, đại dịch COVID-19 diễn ra đã tác động không nhỏ đến hoạt động du lịch nói chung và hoạt động của Công ty nói riêng. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, VietSense Travel luôn nỗ lực, để vượt qua khó khăn. Ông Tài cho biết: Ngay sau Tết Nguyên đán, chúng tôi đã dành toàn bộ nguồn lực, tâm huyết để chuẩn bị hàng loạt sản phẩm dịch vụ mới với giá cả hợp lý nhằm đón đầu mùa du lịch 2021. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 tái bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Công ty. Trong tháng 5/2021, VietSense không có giao dịch mới, khó khăn lớn nhất là gần 1.000 khách hàng tham gia các tour khởi hành trong tháng 5 đều yêu cầu hủy, hoãn tour. Vì nguồn lực cạn kiệt nên doanh nghiệp buộc phải cho một số nhân viên tạm nghỉ, chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt để làm việc với các đối tác nhằm đảm bảo tốt quyền lợi cho khánh hàng. Bên cạnh đó, hoạt động của Trung tâm đào tạo du lịch thực tế Prato bị ảnh hưởng, dự kiến sẽ khai trương hai lớp đào tạo không thực hiện được. Nhà hàng dê núi Ninh Bình khai trương đúng vào dịp dịch COVID-19 tái bùng phát cuối tháng 4/2021 dự định phát triển hệ thống chuỗi nhà hàng tại Hà Nội đã phải chuyển sang kinh doanh online, bán cho khách mang về, ship tận nhà cho thực khách.
Ông Tài nhấn mạnh: Chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp du lịch đang rất nỗ lực vượt khó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất cần Chính phủ quan tâm, có những cơ chế giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, dễ dàng, sát với thực tế hơn, bởi các gói hỗ trợ đã có nhưng doanh nghiệp du lịch chưa chạm vào được; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động. Ông Tài cho biết thêm: Để hỗ trợ lao động ngành Du lịch chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, TP. Đà Nẵng đã có chủ trương hỗ trợ cho mỗi trường hợp vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian từ 3 - 5 năm, nên chăng TP. Hà Nội cần nghiên cứu áp dụng, giúp cho doanh nghiệp vượt khó.
Giám đốc về quê xây dựng khu vui chơi trẻ em
Năm 2015 sau một thời gian tích lũy được chút vốn ông Nguyễn Đức Trung đứng ra lập Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt. Qua hơn một năm đào tạo nhân sự, tìm kiếm khách hàng đến cuối năm 2016, Công ty của ông Trung có được những đoàn khách lớn và phát triển hơn. Năm 2018, Trung tiếp tục đầu tư thêm xe ô tô 16 chỗ và 29 chỗ để chủ động phục vụ khách hàng đi lại, mở thêm văn phòng đại diện tại Cao Bằng, Lạng Sơn. Doanh thu của Công ty từ năm 2017 đến hết năm 2019 đạt khoảng 15-20 tỷ đồng/năm.
Ông Trung cho biết: Khi dịch COVID-19 xuất hiện, Công ty buộc phải thu hẹp quy mô, khắc phục khó khăn khi phải hủy toàn bộ các tour nước ngoài. Sau đó, ông quyết định dồn vốn, vay thêm ngân hàng để về quê là xã miền núi Cẩm Bình (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) để đầu tư, xây dựng thành khu vui chơi. Trên nền đất 1.300m2 có sẵn và 1.000m2 mua thêm, ông Trung cho khởi công, bước đầu xây dựng khu vui chơi trẻ em liên hoàn, khu vườn tuổi thơ, bể bơi với vốn đầu tư hạ tầng khoảng 7 tỷ đồng. Khu vui chơi đang dần hoàn thiện và đi vào hoạt động, cộng thêm khu ẩm thực, địa điểm check-in, khu phòng nghỉ đón khách du lịch, nhà úp ngược, bể bơi vô cực… Theo ông Trung, mức thu và tỉ suất lợi nhuận hiện đã đạt theo kỳ vọng đầu tư. Khu vui chơi cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương cũng như đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí của người dân.
Qua Tết Nguyên Đán 2021, do dịch bệnh bùng phát trở lại nhiều hợp đồng ký kết du Xuân lễ hội và dịp hè 2021 đều phải hủy, Công ty du lịch Tầm nhìn Việt gần như cắt hết nhân viên. Tranh thủ thời gian, Trung lại về quê tiếp tục mở rộng, hoàn thiện các khu vực vui chơi, giải trí, tiếp tục làm bể bơi xây thay thế cho bể bơi lắp ghép và có khu bể bơi dành riêng cho trẻ em, không gian ẩm thực ngoài trời, xây dựng thêm các lều, lán , trại, phòng karaoke và khu vườn lưu giữ tuổi thơ, nâng cấp phòng nghỉ đón khách với chi phí đầu tư giai đoạn 2 khoảng 2,5 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành các hạng mục, đưa vào hoạt động đồng bộ đầu quý I/2022. Trung cho hay: Là người làm du lịch đi được nhiều nơi thấy được tiềm năng và hiểu được nhu cầu khách hàng. Khu vui chơi khi hoàn thành sẽ là điểm đến hấp dẫn kết nối với nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa như Suối Cá Thần (Cẩm Thủy), lòng hồ sinh thái Cẩm Thủy, thác Mây (Thạch Thành), khu di tích Lam Kinh (Thọ Xuân)…
Ông Trung nhấn mạnh: “Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp rất cần sự quan tâm của Nhà nước có chính sách hỗ trợ người lao động trong ngành Du lịch nhất là đội ngũ hướng dẫn viên tự do, họ phụ thuộc rất nhiều vào khách, đây chính là những sứ giả góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam mến khách, thân thiện đến với du khách quốc tế”.
Tuấn Sơn