Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam (Dự án EU) và Đại diện chính thức của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ tại Việt Nam (TOEIC Việt Nam) tổ chức hội thảo giới thiệu thang chuẩn tiếng Anh cho 6 nghề trong ngành Du lịch Việt Nam bao gồm: lễ tân, nhà hàng, buồng, an ninh khách sạn, điều hành tour, hướng dẫn du lịch.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Chủ tịch Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch Việt Nam (VTCB), PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh cho rằng trong quá trình phát triển, tiếng Anh được coi như là một công cụ quan trọng để hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch trong thời gian qua thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là về trình độ ngoại ngữ. Do vậy, việc xây dựng thang chuẩn tiếng Anh áp dụng cho ngành Du lịch là việc làm cần thiết, không chỉ giúp doanh nghiệp tự đánh giá, điều chỉnh chất lượng nguồn nhân lực của mình mà còn góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của ngành Du lịch đã đề ra.
 |
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Tại Hội thảo, Tổng Giám đốc TOEIC Việt Nam Đoàn Hồng Nam đã công bố kết quả thực hiện việc xây dựng thang chuẩn tiếng Anh cho 6 nghề và đề xuất lộ trình áp dụng thang chuẩn tiếng Anh trong ngành Du lịch Việt Nam. Cơ sở dữ liệu chính để xây dựng thang chuẩn tiếng Anh cho từng nghề nói trên được căn cứ vào nhu cầu sử dụng tiếng Anh đối với vị trí của nghề đó. TOEIC Việt Nam đã thực hiện khảo sát và đánh giá yêu cầu của gần 200 khách sạn (từ 3 đến 5 sao) và doanh nghiệp lữ hành đại diện trên phạm vi toàn quốc. Việc khảo sát được thực hiện tại chính địa điểm của đơn vị và thông qua hệ thống phiếu điều tra đánh giá nhu cầu ngôn ngữ (Language need assessment survey). Kết quả khảo sát và thi TOEIC cho thấy hầu hết các đơn vị đều đánh giá vai trò của tiếng Anh đối với ngành Du lịch là hết sức cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ của đơn vị.
TOEIC Việt Nam tiến hành lựa chọn hơn 1.000 nhân viên đang làm việc tại các khách sạn và doanh nghiệp lữ hành theo chuẩn TOEIC để đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh hiện tại. Kết quả đánh giá qua bài thi TOEIC đã cho thấy mặt bằng chung về trình độ sử dụng tiếng Anh tại các đơn vị, được phân chia theo hạng khách sạn (3 - 5 sao), theo khu vực và theo vị trí công tác. Việc đánh giá sẽ giúp Ngành có được bức tranh tổng thể về trình độ tiếng Anh của người lao động đồng thời làm cơ sở để đơn vị thực hiện hoạt động xây dựng chuẩn và lộ trình áp dụng chuẩn cho các đơn vị trong ngành một cách khoa học, hợp lý và hiệu quả.
So với các công cụ đánh giá khác thang điểm TOEIC không chỉ thể hiện kết quả dưới dạng định lượng bằng những con số cụ thể về điểm số mà còn được thể hiện dưới dạng định tính: có nghĩa là thông qua mỗi thang điểm TOEIC cụ thể nhà quản trị nhân sự có thể biết được nhân viên của mình có khả năng làm được những công việc gì bằng tiếng Anh. Như vậy, khi có thang chuẩn, các doanh nghiệp sẽ quản lý nhân sự hữu hiệu trong công tác tuyển dụng, đánh giá định kỳ và sắp xếp cán bộ. Việc áp dụng thang chuẩn tiếng Anh sẽ giúp các đơn vị trong Ngành tuyển chọn đúng người đúng việc, không lãng phí thời gian và kinh phí cho việc đào tạo lại nhân viên. Như vậy, theo Đồng Giám đốc TOEIC Thái Lan Robert E.Woodhead, việc áp dụng chuẩn tiếng Anh trong ngành Du lịch Việt Nam sẽ góp phần cải thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho nhân viên, đặc biệt là ở các vị trí công việc quan trọng như lễ tân, hướng dẫn du lịch… Việc áp dụng thang chuẩn tiếng Anh không chỉ có giá trị đối với các đối tượng là khách sạn và doanh nghiệp lữ hành mà còn giúp các cơ sở đào tạo có được định hướng đúng trong đào tạo tiếng Anh. Trên cơ sở thang chuẩn tiếng Anh được cung cấp, các trường có thể lên kế hoạch điều chỉnh và xây dựng lại giáo trình đào tạo tiếng Anh cho phù hợp. Học sinh /sinh viên các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực du lịch cũng được định hướng về yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động từ đó có kế hoạch để nâng cao trình độ sử dụng tiếng Anh song song với chuyên ngành ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và trở nên tự tin khi gia nhập vào môi trường lao động sau khi tốt nghiệp.
HẢI DƯƠNG
* Chi tiết xem Tạp chí DLVN tháng 10/2007