Giáo sư Lê Văn Lan: “cách xử lý, ứng xử với chứng tích lịch sử của chúng ta còn nhiều vấn đề…”
GS. Lê Văn Lan kể, từ những năm 1960 ông đã nhiều lần vào khảo sát khu vực Hòa Bình, đến những nơi “thâm sơn cùng cốc” và may mắn tìm ra được nhiều v��t tích của người xưa. Kết quả nghiên cứu khi đó đã tạo ra được một giá trị mà gọi tên theo thuật ngữ khảo cổ học là “văn hóa đồ đá mới sơ kỳ Hòa Bình một vạn năm”. Nhưng điều bất ngờ là khi đi sâu vào trong thung lũng Hương Sơn, vào hang Sũng Sàm, ông đã rất vui mừng được chạm vào các tầng văn hóa, nơi vách núi còn hóa thạch của các con ốc suối mà người nguyên thủy đã dùng để làm thức ăn, những con ốc Belanha dài bằng ngón tay, phần đầu bao giờ cũng bị vạt cụt do người xưa ăn và ném quanh khu vực sinh sống, vỏ ốc bám đầy ở vách núi, và quanh đó cũng có những viên đá với những nhát ghè thô sơ. Đó chính là những công cụ ghè đẽo, nạo vét…
“Chúng tôi đã xác định niên đại bằng phương pháp C14 (cacbon), nó có quy luật là 5.560 năm thì cái C14 đó tự hủy đi một nửa (chu kỳ bán hủy) thì niên đại ở Sũng Sàm, Hương Sơn là một vạn hai ngàn năm - lâu đời hơn cả ở vùng Hòa Bình”, GS. Lê Văn Lan cho biết.
“Hương Tích thời tiền sử lạ lùng và quý giá như thế, nó minh chứng cho đời sống con người có lịch sử dài lâu, để rồi thế hệ sau tiếp nối như một tất yếu của lịch sử.Những di chỉ của người Việt cổ cần được phát huy, bảo tồn để gìn giữ những giá trị to lớn vốn có. Chúng tôi đã làm hết sức có thể, nhưng thật tiếc thay, kết quả không như mong muốn”, GS.Lê Văn Lan nói tiếp.
GS có thể nói rõ hơn vì sao ông nhắc lại câu chuyện về hang Sũng Sàm, nơi mà ông cho là “kết quả không như mong muốn”, trong khi có rất nhiều di chỉ khác ông đã ghi dấu ấn?
Tôi mới nhận được cuốn sách ảnh “Chùa Hương xưa và nay” do thầy trụ trì Hương Tích (Thượng tọa Thích Minh Hiền) gửi tặng. Cuốn sách đưa tôi trở về thời xa xưa của Hương Sơn. Tôi đã đọc và liên hệ với những việc sở đắc thì thấy việc chia các giai đoạn của lịch sử Hương Sơn tùy thuộc vào 2 lĩnh vực; thứ nhất là tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên và thứ hai là con người; trong cái vấn đề con người ấy thì lại chia ra làm hai giới, một chính là những nhà tu hành, hoằng dương phật pháp; hai là chúng sinh, từ những người thời xưa đi lại còn rất khó khăn đã lặn lội đến lễ chùa cho đến những bậc vương giả.
Tôi cứ hình dung ra chúa Trịnh Sâm khi vào chùa Hương đề bút Nam thiên đệ nhất động, thì không biết là bao nhiêu tùy tùng hộ giá, thuyền bè, voi ngựa…, nhưng tôi để ý nhiều hơn đến giới bình dân, họ thật là có tấm lòng từ những cô tiểu thư đi chùa Hương đã đi vào trong thơ Nguyễn Nhược Pháp, háo hức được đi lễ chùa cùng thầy, mẹ. Những tâm hồn ngây thơ nhỏ nhắn như vậy đã góp vào không gian linh thiêng chốn chùa chiền ngày Xuân, rất đạo nhưng cũng rất đời. Trong “giới” này, những người hành hương rất hồn nhiên, và cũng rất con người:
“Em đi chàng theo sau
Em không dám đi mau
Sợ chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu…”
(Thơ Nguyễn Nhược Pháp)
Hương Tích có thể hiểu là vết tích thơm tho, và hiểu theo cách khác là nơi tích tụ hương thơm.
Thời chúng tôi nghiên cứu sâu trong thung lũng Hương Sơn đã được đời Tổ Hương Tích thứ 11 khi đó là Hòa thượng Thích Viên Thành giúp đỡ rất nhiều,chúng tôi hiểu đó là tâm nguyện phổ quát những giá trị của Hương Tích đến với đại chúng. Và đến ngày hôm nay, khi đọc cuốn sách ảnh chùa Hương, cũng là một cách thức lan tỏa sự thơm tho của Hương Sơn mà những người hoằng dương Phật pháp đã, đang và sẽ tiếp tục…
Những kết quả nghiên cứu tại hang Sũng Sàm có ý nghĩa như thế nào về mặt khoa học, thưa GS?
Tôi nói qua một chút về “Văn hóa Hòa Bình” – đây là đề xuất của bà Madeleine Colani (một nhà khảo cổ học người Pháp), bà đã khám phá ra rất nhiều di tích khảo cổ tại Việt Nam và Đông Dương như văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Hạ Long…, di tích văn hóa lịch sử Cánh đồng Chum…, bà Madeleine Colani cũng là người đầu tiên phát hiện những công cụ đá của người nguyên thủy và tạo ra nhiều thuật ngữ cho các công cụ đồ đá…
Tại hang Sũng Sàm, hàng trăm công cụ sản xuất bằng đá cuội được ghè đẽo, với một tầng văn hóa là vỏ ốc núi và ốc biển dầy hàng mét – chứng tích vật chất thức ăn của người tiền sử được tìm thấy, chứng tích cách đây một vạn hai ngàn năm, thời kỳ biển dâng đến tận vùng núi này, minh chứng cho việc tận dụng các hang động cho đời sống con người…
Như vậy, chúng ta thấy rằng, thời tiền sử của Hương Sơn giá trị chốn này đã vẻ vang, đã tinh túy rồi. Nếu làm tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị này là góp một phần vào công cuộc bảo vệ và giữ gìn di sản của tiền nhân để lại cho ngày hôm nay và mai sau.
GS có thể nói rõ hơn do đâu việc bảo tồn gìn giữ, phát huy những giá trị của di chỉ, di sản “chưa được như mong muốn”?
Sau khi hoàn thành nghiên cứu về Sũng Sàm, chúng tôi dành nhiều thời gian, tâm huyết làm báo cáo, in sách rồi tiếp đó là trưng bày hiện vật trong gian tiền sử của lịch sử Hà Nội tại Bảo tàng Hà Nội vào năm 2010, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đức Lý Thái Tổ khai sinh kinh đô Thăng Long. Cái di tích cổ nhất của Thăng Long lịch sử Hà Nội là từ chùa Hương mang tới nhưng từ đấy đến tận bây giờ (12 năm) trưng bày vẫn không đâu ra với đâu cả…
Trở lại câu chuyện ban đầu, điều làm chúng tôi tâm tư, trăn trở là ở một số lát cắt thời gian, diễn biến của lịch sử, của chiến tranh, của xã hội, đã tác động nhiều đến những di chỉ, di sản. Tất nhiên là sự tàn phá của chiến tranh là điều không thể tránh; vậy trong thời đại hôm nay lý do gì mà chúng ta không làm tốt được việc bảo tồn, mà điều đáng nói hơn, nhiều nơi lại tìm cách phá đi…
Khi phá đi rồi thì vĩnh viễn không bao giờ còn nữa, và rồi có dám trung thực nhận lỗi về mình để sửa sai không?
Tôi liên hệ đến việc phải đau đầu để xử lý việc xảy ra ở thung lũng Chi Lăng (Lạng Sơn), thời chúng tôi làm ở Hội đồng Di tích quốc gia. Chi Lăng là nơi các tướng, các quân, nghĩa sỹ của phong trào Lam Sơn đã bầy một thế trận đầy mưu trí, và một trận đánh ác liệt và đã hạ được tướng Liễu Thăng của nhà Minh. Tướng Liễu Thăng tử trận, sử sách một mặt ghi chép, còn nhân dân ghi lại trong ký ức của mình chiến công đánh bại 10 vạn quân Liễu Thăng ở ải Chi Lăng bằng việc tập trung giới thiệu một tảng đá ở bên đường, người dân gọi là “Liễu Thăng thạch”, lịch sử ghi nhận đó là một di tích huyền kỳ, là một bảo vật. Một hôm chúng tôi bất ngờ nhận được tin báo “Liễu Thăng thạch” đã bị phá. Điều đáng nói là các báo cáo đổ cho những dân công nước bạn sang giúp ta làm đường phá; nhưng chúng tôi điều tra ra do chính công nhân của ta do vô thức về chứng tích huyền kỳ, đã nổ mìn phá đi một bảo vật.
Cách xử lý, ứng xử với chứng tích lịch sử của chúng ta thời bây giờ có nhiều vấn đề không được ngay thẳng, không được trung thực, nhưng mà dù sao thì đấy cũng là sản phẩm của “thành phần thứ hai” mà tôi vừa nói đến ở trên, đó là sự phức tạp.
Tôi đã góp ý với thầy trụ trì chùa Hương cố gắng làm thêm một không gian về văn hóa Hòa Bình ở chùa Hương Tích, với những di chỉ khảo cổ được tìm thấy tại hang Sũng Sàm thì chúng ta có một thời bằng ngôn ngữ bảo tàng gọi là thời tiền sử của Hương Tích. Tôi nghĩ giá trị của chốn này đã vẻ vang đẹp đẽ bằng những chữ nghĩa của thời trung cổ, của thời cận hiện đại thì nó sẽ sâu sắc quý hóa hơn nữa với thời gian một vạn hai nghìn năm…
Xin cảm ơn GS. Lê Văn Lan!
Viễn Nguyệt (thực hiện)