Du lịch văn hóa tâm linh và những hạn chế trong khai thác du lịch văn hóa tâm linh tại Khu di tích Gò Tháp
Theo các nhà khoa học, Gò Tháp từng là trung tâm tôn giáo lớn thuộc nền văn hóa Óc Eo tồn tại cách đây hàng ngàn năm. Trong thời hiện đại, Gò Tháp là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh, du lịch về nguồn hấp dẫn, gắn với công cuộc khai hoang, mở cõi, bảo vệ Tổ quốc và đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương với nhiều đền, chùa, lễ hội. Những năm qua, tiềm năng văn hóa tâm linh tại Khu di tích Gò Tháp đã được tỉnh Đồng Tháp khai thác để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định như: cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đường giao thông xuống cấp, nhỏ hẹp, mặt đường xấu, khó di chuyển; một số điểm tham quan, hành hương cần được chỉnh trang, tôn tạo, bảo tồn để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và giữ gìn các giá trị lịch sử, văn hóa; công tác quản lý nhà nước, nguồn kinh phí đầu tư phát triển du lịch văn hóa tâm linh còn hạn chế, mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn thấp, mang tính tự phát…
Thời gian qua, Khu di tích Gò Tháp được đầu tư hệ thống nhà vệ sinh đồng bộ, thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên, vào các dịp lễ hội, nhà vệ sinh trở nên quá tải, khách tham quan xả rác bừa bãi xung quanh di tích… Vấn đề thiếu ý thức trong việc giữ gìn sự sạch đẹp và trang nghiêm ở những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo không những làm xấu đi hình ảnh, gây phản cảm, mất mỹ quan, mà còn ảnh hưởng đến việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích…
Ngoài ra, trình độ chuyên môn, kỹ năng của lao động du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên và phục vụ khách du lịch chưa được đào tạo theo tiêu chuẩn, kiến thức, sự am hiểu về giá trị và ý nghĩa của di tích, lễ hội chưa sâu sắc. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền, quảng bá còn thiếu ấn tượng; điểm du lịch tâm linh còn thiếu dịch vụ phụ trợ đi kèm như nghỉ ngơi, giải trí, ẩm thực để giữ chân du khách...
Đề xuất giải pháp phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại Khu di tích Gò Tháp
Thứ nhất, nâng cấp đường giao thông đến khu di tích; đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, các công trình tín ngưỡng, tôn giáo gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Gò Tháp trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế; đầu tư, làm mới các biển chỉ dẫn, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị của các di tích để người dân trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu.
Thứ hai, nâng cao nhận thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị Khu di tích Gò Tháp; khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch như: cung cấp dịch vụ ăn uống với các món ăn đặc sản địa phương; hướng dẫn du khách tham quan, tìm hiểu các di tích, lễ hội; sản xuất và cung ứng các mặt hàng lưu niệm; cung cấp dịch vụ lưu trú và các hình thức vui chơi giải trí…; cần mở lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn để người dân hiểu biết hơn về lợi ích, trách nhiệm phát triển du lịch, về kỹ năng, nghiệp vụ, cách hướng dẫn, giao tiếp với du khách để họ thực sự là đối tượng hưởng lợi từ phát triển du lịch.
Thứ ba, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện du lịch có trách nhiệm và giữ gìn điểm đến sạch đẹp đối với người dân địa phương cũng như du khách; giáo dục ý thức bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức như: đặt biển hướng dẫn, bộ quy tắc ứng xử tại điểm tham quan, tuyên truyền bằng hệ thống loa...; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, đảm bảo vệ sinh, an ninh, an toàn cho du khách; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần thực hiện niêm yết giá rõ ràng và bán đúng giá niêm yết.
Thứ tư, tăng cường quảng bá, giới thiệu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp trên các phương tiện truyền thông như sách báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình, cổng thông tin điện tử, đặc biệt là trên các trang web du lịch, hội chợ xúc tiến du lịch, các ấn phẩm hướng dẫn du lịch và trên các trang mạng xã hội.
Thứ năm, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các công ty du lịch, lữ hành khai thác các tour văn hóa tâm linh đến Khu di tích Gò Tháp; kết hợp du lịch tâm linh với các loại hình khác như: du lịch sinh thái, homestay, du lịch ẩm thực… để chuyến tham quan thêm hấp dẫn.
Thứ sáu, tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết về các giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh của Khu di tích Gò Tháp cho đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch để truyền tải những giá trị nổi trội của các hoạt động du lịch văn hóa tâm linh đến với du khách.
Tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh tại Khu di tích Gò Tháp là khá lớn nhưng tiềm năng đó chỉ được đánh thức khi có những giải pháp hiệuquả. Nếu có sự hợp tác của cơ quan chức năng, doanh nghiệp du lịch, lữ hành và người dân địa phương, trong tương lai không xa, du lịch văn hóa tâm linh ở Khu di tích Gò Tháp sẽ có vị thế vững chắc trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Đồng Tháp.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Quản lý KDT Gò Tháp. Tài liệu giới thiệu về các điểm di tích tại KDT Gò Tháp.
2. Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp: http://dch.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=529&c=25 [Truy cập ngày: 28/4/2019].
3. Dương Đức Minh, 2016. DLTL tại Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 19, số X5-2016.
4. Hồ Kỳ Minh, 2015. Nghiên cứu và đề xuất giải pháp phát triển loại hình du lịch VHTL trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Báo cáo tóm tắt Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh.
5. Lê Văn Thăng, Trần Anh Tuấn và Bùi Thị Thu, 2008. Giáo trình Du lịch và Môi trường. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
|
Nguyễn Minh Triết