Giải pháp phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo Việt Nam
Các khu vực ven biển và các hải đảo thường bị đối mặt với những thách thức chung vì vừa có biển, vừa có đất. Chúng là những địa điểm nhạy cảm về tính đa dạng sinh học cao, có các loài quý hiếm, hệ sinh thái mỏng manh và nơi cư trú đặc hữu. Đặc biệt, chúng dễ bị tổn thương trước các quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, vì thế các khu này có tiềm năng lớn trong công tác nghiên cứu những biến động và thử nghiệm các chính sách phát triển bền vững. Để tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có này, Mạng lưới khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo thế giới nổi lên như một diễn đàn hợp tác và chuyển giao kiến thức giữa các vùng lãnh thổ cùng chung tính chất đất, biển. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu này, Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển biển, hải đảo là một cơ hội tuyệt vời để tài nguyên sinh vật được phong phú thêm và phát triển bền vững đến cấp địa phương.
Khu dự trữ sinh quyển biển và hải đảo Việt Nam
Từ năm 2000, Việt Nam chính thức là thành viên Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới, và chúng ta đã áp dụng những ý tưởng tiên tiến, cách tiếp cận hiệu quả, chương trình khoa học chuyên đề cấp quốc gia để góp phần xây dựng các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam như những mô hình phát triển bền vững trong tương lai. Từ năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam xem xét các nhu cầu của các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam về các vấn đề phát triển bền vững như: hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế của người dân với phát triển kinh tế của địa phương, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với bảo tồn văn hóa dân tộc và phát huy tri thức bản địa…
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có mục tiêu chính: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”; “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường”, “Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000”.
Việt Nam hiện có 7 khu dự trữ sinh quyển nằm tại vùng ven biển và hải đảo, phân bố khá đều trên 3 miền Bắc – Trung - Nam. Miền Bắc có 2 khu dự trữ sinh quyển là Cát Bà và ven biển Đồng bằng sông Hồng, miền Trung có 2 khu dự trữ sinh quyển là Cù Lao Chàm và Núi Chua, miền Nam có 3 khu dự trữ sinh quyển là Cần Giờ, Cà Mau, Kiên Giang.
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000) là cánh rừng ngập mặn được khôi phục sau khi bị chất độc hóa học hủy diệt gần như toàn bộ trong chiến tranh. Từ những năm 1929, khu vực này đã được đặt tên là khu rừng cấm Quảng Xuyên - Cần Giờ với những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh và động vật hoang dã nổi tiếng như: đước đôi (Rhizophora apiculata), bần đắng (Sonneratia alba), mắm trắng (Avicennia alba)...
Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (2004) là khu sinh quyển liên tỉnh bao gồm dải ven biển rộng lớn các hệ sinh thái thuộc 3 tỉnh (Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình) với hai vùng lõi là Vườn quốc gia Xuân Thủy và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Khu sinh quyển châu thổ sông Hồng đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước, đặc biệt là các loài quý hiếm và có tầm quan trọng quốc tế như như cò thìa (Platalea minor), mòng bể (Larus ichthyaetus)… Rừng ngập mặn góp phần bảo vệ đê biển, làng xóm khỏi bị tàn phá bởi gió bão, nước biển dâng…
Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004) là khu dự trữ sinh quyển có quần thể voọc đầu trắng (Trachypithecus francoisi polyocephalus) duy nhất còn sót lại trong rừng nguyên sinh trên núi đá vôi được mang tên voọc Cát Bà. Bên cạnh các bãi biển cát trắng hấp dẫn khách du lịch là núi đá vôi có các loại rừng kim giao, rừng ngập nước trên núi (ao ếch), trên núi đá và rừng ngập mặn, các tùng áng, cỏ biển và san hô, là môi trường lý tưởng cho các loài thủy hải sản. Có giả thuyết cho rằng bò biển (Dugong dugon) đã từng sống ở đây cùng với cá heo và một số loài khác.
Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (2007) nằm ở vùng tận cùng phía Tây Nam của tổ quốc, có không gian vô vùng rộng lớn kết nối Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc gia Phú Quốc, Khu bảo tồn biển Phú Quốc, Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Chông và đai rừng ngập mặn ven biển Tây. Các hệ sinh thái bao gồm hệ sinh thái biển và ven bờ, rừng ngập mặn, hải đảo, rạn san hô, đầm lầy, rừng tràm ngập nước theo mùa và những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh và thứ sinh trên đảo Phú Quốc, rừng trên núi đá vôi Hòn Chông còn duy nhất ở miền Nam. Nơi đây còn đang lưu giữ quần thể bò biển (Dugong dugon), các loài rùa biển quý hiếm trên thế giới như: vích (Chenolia mydas), đồi mồi (Eretmochelys imbricata), quản đồng (Lepictochelys elivacca) và rùa da.
Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (2009) có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa và thiên nhiên thông qua sự kết nối giữa Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Cù Lao Chàm gồm 8 hòn đảo. Trên đảo và các vùng biển quanh đảo có đa dạng sinh học cao với 947 loài sinh vật thủy sinh. Trên những vùng núi cao của đảo có các hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, nhiều loài sinh vật được ghi vào Sách Đỏ. Cư dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, thu hái cây thuốc, dịch vụ du lịch… đặc biệt là nghề khai thác tổ yến.
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009) là một mô hình phát triển bền vững của địa phương thông qua việc bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế và gìn giữ các giá trị văn hóa được thể hiện ở ba vùng lõi là Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và dải rừng phòng hộ ven biển Tây Cà Mau. Nơi đây có sự đa dạng cảnh quan và hệ sinh thái, bao gồm các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi bùn, đầm lầy ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển… lưu giữ nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú, có giá trị bảo tồn cao, đã và đang được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế quan tâm bảo vệ. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn Mũi Cà Mau như một bức tường thành bảo vệ vùng ven biển, hạn chế thiệt hại do hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sóng thần.
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (2020) lấy Vườn quốc gia Núi Chúa làm vùng lõi. Ngoài khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, không gian Khu dự trữ sinh quyển bao gồm cả cộng đồng dân cư, thiết chế văn hóa - xã hội, không gian địa lý của các huyện vùng đệm (Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm). Diện tích tự nhiên của toàn bộ Vườn quốc gia Núi Chúa là 29.856ha; trong đó, có 22.513ha là đất liền, 7.352ha là biển, vùng đệm gồm 8 xã với diện tích 7.350ha. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa cơ bản hội tụ đủ điều kiện tự nhiên với 330 loài có xương sống trên cạn, 84 loài thú, 163 loài chim và 83 loài bò sát lưỡng cư, trong đó có 64 loài quý hiếm; hệ thực vật có hơn 1.530 loài rất quý hiếm.
Một số giải pháp phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo Việt Nam
Thứ nhất, xây dựng chính sách quản lý và phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo Việt Nam, thành lập cơ quan đầu mối Mạng lưới quốc gia các khu dự trữ sinh quyển biển, hải đảo trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VNICBR).
Thứ hai, quy hoạch không gian các khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo Việt Nam gắn với quy hoạch không gian biển, quy hoạch khai thác sử dụng vùng bờ.
Thứ ba, thực hiện nghiên cứu khoa học, giám sát môi trường, đa dạng sinh học.
Thứ tư, mở rộng diện tích, phát triển các khu dự trữ sinh quyển biển, hải đảo mới, thúc đẩy hình thành mạng lưới quốc gia các khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo Việt Nam.
Thứ năm, xây dựng mô hình quản lý bền vững cho các khu dự trữ sinh quyển biển, hải đảo Việt Nam trong công tác thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Thứ sáu, phát triển du lịch sinh thái bền vững tạo các khu dự trữ sinh quyển biển, hải đảo
Thứ bảy, tham gia đầy đủ thành viên các khu dự trữ sinh quyển biển, hải đảo Việt Nam vào mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới biển và hải đảo (WNICBR).
Thứ tám, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển bền vững tại các khu dự trữ sinh quyển biển, hải đảo Việt Nam.
Dư Văn Toán