Ngôi nhà nhỏ của già Y Kông được bao bọc bởi vườn cây xanh ngát, nằm đối diện UBND xã Ba, huyện Đông Giang. Năm nay, già Y Kông đã hơn 90 tuổi, đã thôi giữ chức “già làng” từ lâu. Nghe có khách du lịch lên thăm, già Y Kông râu tóc bạc phơ hăng hái bước ra niềm nở đón chào. Rót mời khách chén trà “Quyết Thắng” (đặc sản Đông Giang) đặc quánh, thơm ngát, già chia sẻ, mấy năm gần đây sức khỏe ngày một giảm sút nhưng hầu như tuần nào “cơ sở văn hóa du lịch” của ông cũng đều đặn đón từ 3 - 4 đoàn khách đến tham quan.
Già Y Kông tên thật là Nguyễn Văn Dư, sinh năm 1928. Năm 1954, tham gia hoạt động cách mạng tại Tây Nguyên, để dễ bề hoạt động, ông đổi tên thành Y Kông theo họ người Rắc Lây. Từ đó, cái tên Y Kông theo ông mãi đến giờ. Trong chiến tranh cũng như hòa bình, Y Kông từng giữ nhiều chức vụ như Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (1962 – 1975), Chủ tịch UBND huyện Hiên (1975 - 1982). Năm 1982, sau khi thôi chức Chủ tịch UBND huyện, ông quay về xã Ba tiếp tục làm cán bộ xã đến năm 2002 thì nghỉ hưu và được người dân bầu làm già làng.
Từ khi nghỉ hưu, già Y Kông chuyên chú sưu tầm, phục chế các loại nhạc cụ, tạc tượng gỗ của người Cơ Tu; tuyên truyền vận động đồng bào bảo tồn các vật dụng truyền thống của dân tộc mình. Tự tìm hiểu mày mò, đến nay trong nhà già Y Kông đã có đầy đủ các loại nhạc cụ như bộ trống chiêng, sáo rahem, a luốt, abel…. Mỗi khi huyện, xã có lễ hội đều đến nhờ ông hướng dẫn hoặc mượn nhạc cụ về biểu diễn.
Đặc biệt, du khách rất tò mò về chiếc quan tài độc đáo trưng bày trong gian phòng khách. Nói về quá trình làm quan tài cho mình, già Y Kông cho hay, năm 2010, già bỏ cả tháng trời lên rừng kiếm cây gỗ dổi đường kính 1,5m và xin phép cơ quan chức năng cho khai thác rồi nhờ người mang về đục rỗng ruột tự làm... quan tài cho mình theo hình dáng con thuyền cùng nhiều hình tượng chạm trổ xung quanh. Chiếc quan tài được già đặt tên là T’rang Ch’ríh (nghĩa là chiếc quan tài kỳ lạ), đúng như thiết kế độc đáo của hiện vật. “Phía trước hòm tôi chạm con trâu vì đây là con thú to nhất ở dưới đồng bằng, con voi chạm phía sau vì là con to nhất ở trên rừng, hai con vật này tượng trưng cho sức mạnh, sự to lớn... Quan tài có hình chiếc thuyền vì đời người như con thuyền trôi mãi không bao giờ dừng lại, khi chết thuyền sẽ đưa linh hồn đi sang miền thế giới khác” – già Y Kông cho biết thêm.
Cũng năm 2010, già Y Kông thuê người và huy động con cháu lên rừng hái lá, đốn gỗ về dựng Moong (gươl nhỏ) trước nhà. Bên trong nhà Moong được bài trí trang trọng ảnh thờ Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc chính giữa; hai bên là các ché gỗ, tượng gỗ do chính tay ông chế tác. Từ khi nhà Moong được dựng, nơi đây trở thành điểm đến thường xuyên của du khách khắp nơi như là nơi để có thể tìm hiểu thêm về một không gian văn hóa Cơ Tu với những giá trị tưởng chừng đã mai một.
Năm 2018, với niềm đam mê bảo tồn văn hóa người Cơ Tu, già bắt đầu chế tác các loại trống đánh trong các đám hiếu, đám cưới, lễ hội của người Cơ Tu. Già Y Kông cho hay, tất cả các loại trống này được làm từ thân cây đục rỗng theo lối thủ công nên mỗi tuần mới ra được một cái trống. Thân trống bằng gỗ bồ đề, bịt da bò ở hai đầu trống bằng dây mây; loại lớn (chơgớr cathu) có chiều cao 0,60m, đường kính 0,40m; loại trung (chơgớr cathu catưi) có chiều cao 0,30m, đường kính 0,30m; loại nhỏ (chơgớr gioóh) cao 0,90m, đường kính 0,21m.
Hiện nay, du khách khắp nơi tìm đến Y Kông mỗi ngày một đông và thích thú nghe ông hát lý và chơi các loại nhạc cụ truyền thống hoặc xem ông tạc tượng, kể chuyện văn hóa Cơ Tu, chuyện núi rừng. Nhiều đoàn khách đã lữu trú qua đêm để trải nghiệm văn hóa Cơ Tu và thưởng thức các món ăn truyền thống của người Cơ Tu như rượu cần, rượu Tàvak, rượu Tr’đin, Avị cuốt (bánh sừng trâu), Avị hoor (cơm lam), Z’ră (thịt ống thọc nhuyễn), Z’rúa (thịt ủ chua)…
Tiên Sa