Giá trị đặc biệt của di tích chính là giá trị lịch sử
Mỗi di tích là một minh chứng sống động cho những quãng thời gian đã đi qua trong quá khứ, ví như: thành nhà Hồ chứng minh cho sự tồn tại của triều Hồ trong vòng 7 năm ngắn ngủi (từ 1400 - 1407), những chính sách cải cách táo bạo, hiện đại được cha con Hồ Quý Ly ấp ủ thực hiện hoặc thực hiện dang dở. Tiếp đến, Lam Kinh lại minh chứng cho sự tồn tại hưng thịnh của một triều đại phong kiến kéo dài gần một thế kỷ - triều Lê sơ (1428 - 1527), lịch sử ấy đã gắn với tên tuổi của những ông vua tài ba, nổi tiếng: Lê Lợi, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông... Rõ ràng, nếu di tích chỉ còn là phế tích, chắc chắn đến một ngày nào đó sẽ dần bị phai nhạt và biến mất. Sự tồn tại của di tích lịch sử - văn hóa là hết sức quan trọng, bởi nó trở thành “cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại, tương lai. Giá trị của nó làm nền tảng vững chắc giúp cho các thế hệ vững bước trên con đường hội nhập. Di tích càng có niên đại sớm càng có giá trị về lịch sử - văn hóa.
Giá trị đặc biệt trong kiến trúc, kỹ thuật chạm khắc gỗ, đá và những vật liệu khác.
Đến với những tour du lịch văn hóa, khách du lịch được đắm mình trong tài nghệ của cha ông xưa với những mảng kiến trúc độc đáo, riêng biệt. Nếu kiến trúc là khung vòng ngoài, thì tài hoa, kỹ năng, kỹ xảo được đẩy lên đỉnh điểm và nở rộ với những mảng điêu khắc tuyệt đẹp, đa dạng.Mỗi một mảng điêu khắc như những hơi thở, nhịp sống của lịch sử được tái hiện lại trọn vẹn, ��ầy ý nghĩa. Khách du lịch có thể ngắm, quan sát, suy ngẫm, đưa ra những giả thuyết và cuối cùng là những đáp án được hình thành bên cạnh không gian thiêng của di tích. Ví như đền Lý Thường Kiệt (Hà Trung), đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân), Bảng Môn Đình (Hoằng Hóa), đình Phú Khê (Hoằng Phú), chùa Hoa Long và đền thờ Trần Khát Chân (Vĩnh Thịnh)… điêu khắc gỗ được nở rộ, đạt đến trình độ cao trong sự phối hợp khéo léo giữa tài nghệ và ý nghĩa của từng mảng chạm khắc.
Bên cạnh điêu khắc gỗ, đá cũng là nguồn nguyên liệu được người thợ sử dụng nhiều trong xây dựng kiến trúc, đặc biệt trong chạm khắc linh thú ở lăng mộ, bia ký. Những mảng chạm khắc trên đá mang đậm hơi thở dân gian, điển hình là khu di tích Lam Kinh, sự hòa trộn giữa không gian thiêng, giá trị suy tôn cao cả nhưng hiện vật lại bé nhỏ và dân dã. Tuy vậy, vẫn có những công trình mà sự hiện diện của nó rất kỳ vĩ, khiến cho những thế hệ sau này không khỏi kinh ngạc, ngỡ ngàng - đó là thành An Tôn (hay còn có những tên gọi khác Tây Đô, Tây Giai, thành nhà Hồ). Công trình đã làm cho giới sử có nhiều ý kiến khác nhau. Một học giả người Pháp Bezacier trong cuốn “La ciadelle des Ho”, 1942 đã từng nhận xét: “Công trình này là một trong những kiệt tác đẹp nhất của kiến trúc An Nam”.
Đến thời Lê - Trịnh tồn tại 243 năm đã gửi vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc rất nhiều công trình kiến trúc gồm các cung điện, lăng mộ của vua, quan, đình, chùa, đền, miếu của làng, xã. Bên trong các công trình kiến trúc có nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên nhiều chất liệu: gỗ, đá, đất nung, sành, sứ… Thời kỳ này có nhiều công trình tiêu biểu như đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi (Đông Thanh, Đông Sơn) được xây năm 1617 có giá trị như một bảo tàng về nghệ thuật chạm khắc đá thế kỷ 17, đền thờ Lê Hoàn (Xuân Lập, Thọ Xuân), là công trình kiến trúc thế kỷ 17 còn được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh, ở đây phong cách dân gian được đưa vào nơi kiến trúc thể hiện sự tôn nghiêm rất đặc biệt qua hệ thống các hình con vật được chạm khắc hầu hết trên các bộ phận nóc; tượng đá ở hai huyện Vĩnh Lộc và Yên Định; Bia và tượng đá ở lăng Quận Mãn (Lê Trung Nghĩa) là những tác phẩm điêu khắc với quy mô, số lượng vào loại lớn ở nước ta, là những công trình nghệ thuật cuối cùng của thời Lê Trung Hưng do chính bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Nhồi sáng tạo.
Di tích gắn với tôn giáo tín ngưỡng, một giá trị rất đặc biệt khi khai thác hệ thống di sản vật thể.
Chính hạt nhân tín ngưỡng có vai trò là động lực tinh thần cho việc hình thành các công trình tôn giáo (có tưởng nhớ, tôn thờ mới xây cất nơi thờ cúng), những công trình này ngày nay mới hình thành thuật ngữ quen gọi là di tích. Mặt khác, hạt nhân tín ngưỡng đó có sức mạnh huy động nguồn lực xã hội cho việc duy tu, bảo dưỡng di tích từ đời này sang đời khác.
Ví như, đình làng thường gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng thờ thành hoàng làng… Đình làng cũng chiếm một vị trí khá ưu thế trong hệ thống di sản vật thể xứ Thanh, theo số liệu điều tra ban đầu, hầu hết đình làng ở Thanh Hóa được xây dựng vào thời Nguyễn. Đình làng ở Thanh Hóa hầu hết chỉ tập trung ở một số huyện đồng bằng như: Hà Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Đông Sơn, Yên Định, Vĩnh Lộc… Hiện tất cả đang nằm trong trạng thái ngưng đọng, đóng cửa, mặc dù trong xã hội phong kiến đình làng có chức năng rất quan trọng: nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi thờ thành hoàng làng. Đình làng là nơi có kiến trúc, quy mô to nhất theo ý nghĩ của dân làng thời xưa, có tầm quan trọng và ảnh hưởng tới sức khỏe của tất cả dân làng.
Ngược dòng lịch sử, có thể khẳng định ở thời Lý - Trần phật giáo chiếm vị trí độc tôn, tuy nhiên tín ngưỡng bản địa không bị đánh mất, nhân dân vẫn xây dựng rất nhiều đền thờ các vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn, bên cạnh sự tấp nập của việc xây dựng chùa chiền, dấu vết của nhiều ngôi chùa cổ hiện diện trên đất Thanh Hóa không còn nhiều, tuy nhiên những tấm bia đá còn lại minh chứng cho sự tồn tại của nhiều ngôi chùa xây dựng vào thời kỳ này: chùa Hương Nghiêm (Thiệu Trung, Đông Sơn) được xây dựng trước Tiền Lê đến năm 1112 trùng tu lại; chùa Linh Xứng dưới chân núi Ngưỡng Sơn (Hà Ngọc, Hà Trung);chùa Sùng Nghiêm (Văn Lộc, Hậu Lộc); chùa Du Anh, chùa Tường Vân, chùa Hoa Long (Vĩnh Lộc). Đây là những giá trị quý hiếm, nét chấm phá độc đáo trong mỗi chương trình du lịch.
Tuy nhiên, hầu hết các di tích lịch sử - văn hóa đang còn nằm trong dạng tiềm năng chưa được đầu tư và khai thác đúng tầm. Chỉ một vài di tích diện ảnh hưởng rộng lớn tầm quốc gia, khu vực mới được đưa vào khai thác, phát triển du lịch và giáo dục cộng đồng. Số di tích chưa được quan tâm đang kêu gọi cộng đồng không nên bỏ qua khi mà chính nó là nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - du lịch - văn hóa./.
NGUYỄN BÍCH THỤC
Trường Cao đẳng VHNT Thanh Hóa