Theo đó, giai đoạn từ 2016 - 2020 tỉnh Gia Lai hướng đến nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện ma túy; phấn đấu 100% cán bộ chính quyền các cấp và 90% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về tác hại nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 100% cán bộ tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện... Đồng thời, phấn đấu nâng tỷ lệ cai nghiện cho người nghiện có hồ sơ quản lý từ 63% năm 2015 lên 83% năm 2020, giảm dần điều trị bắt buộc tại Trung tâm đến năm 2020 còn 6%; tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm lên 70% năm 2020.
Năm 2015, tỉnh Gia Lai triển khai cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại TP. Pleiku (thuộc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS). Giai đoạn 2016 - 2020, sẽ xây dựng kế hoạch thành lập mới một số cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại trung tâm TX. An Khê, Ayun Pa và huyện Chư Sê; 1 điểm điều trị hoặc cấp phát thuốc tại Trại tạm giam Công an tỉnh; tiếp tục duy trì các điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện và quản lý sau cai nghiện tại xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, lựa chọn thành lập 3 điểm tại 3 xã, phường (hoặc cụm xã có đông người nghiện) để nhân rộng điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Gia Lai duy trì và thành lập mới các điểm tư vấn tại các xã, phường, thị trấn (hoặc cụm xã có trên 20 người nghiện), để tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng...
Theo UBND tỉnh Gia Lai, việc đổi mới công tác cai nghiện ma túy phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện, khả thi, kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội; tăng dần tỷ lệ điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội tỉnh; việc điều trị nghiện bắt buộc tại trung tâm chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, bị xử lý theo Quyết định của Tòa án nhân dân.
Để thực hiện các mục tiêu trên tỉnh Gia Lai tập trung tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về nghiện ma túy, dự phòng và điều trị nghiện tới các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về dự phòng và điều trị nghiện cho phù hợp với điều kiện, thực tiễn; ứng dụng các phương pháp điều trị và triển khai thí điểm điều trị nghiện ma túy tổng hợp để phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy…
TH