(VTR) - Tính đến nay, cả nước có 10 tỉnh/thành phố trọng điểm về tệ nạn ma túy và nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 3 tỉnh/thành phố có số người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS cao nhất là TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và tỉnh Sơn La. Đa số người nghiện sử dụng heroine (72%), nhưng trong thời gian gần đây tỷ lệ người nghiện sử dụng heroine có xu hướng giảm dần và tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp, chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) và các chất như Ketamine, Cocaine, Cần sa ... có xu hướng tăng mạnh. Một số địa phương như thị trấn Lao Bảo (Quảng Trị) có 98% người sử dụng ATS, Đà Nẵng 85% sử dụng ATS, Tây Ninh 61% sử dụng ATS, Trà Vinh 49% sử dụng ATS... Nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần, không ít trường hợp do bị hoang tưởng và có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
6 tháng đầu năm 2015, công tác cai nghiện đã được các tỉnh/thành phố tích cực triển khai với nhiều hình thức cai nghiện tại trung tâm, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Hiện cả nước còn 110 trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội và quản lý sau cai do Nhà nước quản lý, trong đó, có 9 trung tâm chuyển đổi hoàn toàn sang cơ sở cai nghiện tự nguyện; 4 trung tâm chuyển thành cơ sở xã hội và 19 cơ sở cai nghiện tư nhân do các tổ chức, cá nhân thành lập. Các trung tâm hiện đang quản lý và cai nghiện cho 22.205 người, giảm 5.895 người so với thời điểm cuối năm 2014 (22.205/28.100 người), trong đó 38 trung tâm có số học viên dưới 50 người, 16 trung tâm có số học viên dưới 100 người. 6 tháng đầu năm 2015 các trung tâm đã tiếp nhận mới 6.373 học viên, trong đó 2.732 học viên cai tự nguyện và 3.641 học viên cai bắt buộc theo quyết định của Tòa án, tăng 3.305 học viên so với cuối năm 2014.
Các cơ sở cai nghiện tư nhân đã tiếp nhận cai nghiện tự nguyện cho 4.515 lượt người, cơ sở chủ yếu mới chỉ thực hiện được giai đoạn điều trị hỗ trợ cắt cơn giải độc với thời gian từ 15 - 30 ngày.
Cùng với công tác cai nghiện trong trung tâm, công tác cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng, điều trị thay thế bằng Methadone cũng được chú trọng. Tính đến tháng 6/2015, cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 1.633 người, trong đó 900 người cai tại gia đình, 733 người được cai nghiện tại cộng đồng. Điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone có 46/63 tỉnh, thành phố triển khai với 170 cơ sở, tăng 37 cơ sở so với cuối năm 2014, điều trị cho 31.162 người, tăng 5.939 người so với cuối năm 2014, trong đó có 7 cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, đang điều trị cho 1.224 người. Trong 7 cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone xã hội hóa có 3 cơ sở chuyên điều trị Methadone, 4 cơ sở điều trị Methadone đặt trong cơ sở cai nghiện tự nguyện. Hiện còn 11 cơ sở cai nghiện tự nguyện có chức năng điều trị Methadone đã được UBND các tỉnh/thành phố thành lập, song chưa tiếp nhận đối tượng (đang trong thời gian hoàn thiện cơ sở vật chất và cán bộ theo quy định về điều trị Methadone).
Lai Châu và Thanh Hóa đã triển khai việc thành lập các điểm cấp phát thuốc tại các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế cấp xã, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đông đảo người nghiện ma túy đến uống thuốc và đạt chỉ tiêu kế hoạch điều trị Methadone đề ra.
Công tác quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng được các địa phương tập trung chỉ đạo. Đến nay, đã có 15/63 tỉnh/thành phố quyết định thành lập cơ sở xã hội để tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bên cạnh việc tổ chức thực hiện cai nghiện tại trung tâm, cộng đồng, gia đình các địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy. Hiện nay, có 45/63 tỉnh/ thành phố phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện của địa phương theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, tăng 6 tỉnh, thành phố so với năm 2014; trong đó có 7 tỉnh thực hiện việc chuyển đổi trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội sang cơ sở cai nghiện tự nguyện với 9 Trung tâm và đang quản lý, tư vấn, điều trị nghiện cho 1.298 người. Hầu hết các điểm đang chuẩn bị cơ sở vật chất và tập huấn cho cán bộ để thực hiện nhiệm vụ điều trị Methadone cho người nghiện ma túy theo nhiệm vụ Đề án. Một số mô hình Trung tâm chuyển đổi bước đầu đã có kết quả rất đáng khích lệ.
TH