Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình điều hành kinh tế vĩ mô tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2008, tình hình nền kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2008 tiếp tục phải đối phó với những khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp như: giá nhiều loại vật tư, nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu liên tục thay đổi ở mức cao gây áp lực cho sản xuất trong nước và làm tăng giá thành sản xuất cũng như giá cả nhiều loại hàng hóa tiêu dùng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức mua của dân cư; lãi suất ngân hàng tăng cao cũng đang là áp lực lớn cho sản xuất; giá bán các mặt hàng trọng yếu do các doanh nghiệp nhà nước sản xuất và cung ứng thấp hơn mức tăng chi phí giá thành hoặc thấp hơn sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác cũng là một khó khăn... nhưng nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nên tình hình kinh tế - xã hội thàng 6 và 6 tháng đầu năm 2008 có những diễn biến tích cực, cụ thể:
Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6 ước tăng 17,1 so với cùng kỳ năm 2007, tính chung 6 tháng đầu năm ước tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2007; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 6 ước tăng 2% so với tháng 5, tính chung 6 tháng tăng 30% so với cùng kỳ năm 2007; giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và thương mại đóng góp trong GDP khoảng 73,0%.
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao so với kế hoạch và so với nhiều năm gần đây, tính đến hết tháng 6/2008, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 31,8% (tốc độ tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua) và nhập khẩu ước đạt 44,47 tỷ USD, tăng 60,3%; nhập siêu 6 tháng ước bằng 49,8% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ nhập siêu được kiềm chế giảm dần qua các tháng.
Cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng trọng yếu được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của nhân dân
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp tăng cao: cả nước có 487 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 30,9 tỷ USD, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2007; vốn đầu tư thực hiện đạt 4,9 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2007.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 2,14%, 6 tháng đầu năm 2008 tăng 18,44% so với tháng 12/2007 (so với cùng kỳ năm 2007 tăng 26,8%). Tốc độ tăng tăng tháng 6 đã có xu hướng giảm.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, kinh tế vĩ mô vẫn còn những khó khăn nhất định như: cán cân thương mại vẫn thâm hụt ở mức cao, chỉ số giá tiêu dùng tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất công nghiệp mặc dù phát triển theo hướng tiến bộ nhưng chưa ổn định
Trong 6 tháng cuối năm 2008, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, cân đối hàng hóa và đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể là: tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ theo hướng tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên và kiểm soát chặt chẽ đầu tư công, rà soát giảm chi đầu tư; rà soát các dự án do các doanh nghiệp nhà nước triển khai đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu, đi đôi với kiểm soát và cơ cấu lại hàng hóa nhập khẩu, áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm nhập siêu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá vật tư đầu vào của sản xuất; thực hiện kiểm soát việc kê khai giá, đăng ký giá; tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ tăng giá bất hợp lý; triển khai đầy đủ và có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội; tăng cường sự phối hợp đồng bộ, nhất quán giữa các Bộ, Ngành và địa phương; khắc phục những hạn chế và yếu kém trong quản lý, điều hành; đẩy mạnh hơn công tác thông tin cho các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài và nhân dân trong nước.
BÍCH VÂN