Festival Tràng An kết nối di sản năm 2022 là kỳ festival đầu tiên, tiến tới sẽ là festival di sản mang tầm quốc gia, quốc tế, vậy đạo diễn có gặp khó khăn hay áp lực gì khi thực hiện chương trình này, và tiêu chí nào để các di sản có thể tham gia festival, thưa đạo diễn?
Có rất nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế và cả những ý kiến phản biện, ngay từ khâu tổ chức cũng đã có nhiều suy nghĩ lo lắng, chưa đồng thuận. Rồi, trong quá trình làm thiếu thốn từ kinh phí, nhân sự, nguồn lực… Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm cố gắng vượt qua để tổ chức một festival trọn vẹn trong lần đầu tiên. Và, như bạn thấy, sau những nỗ lực thì Festival Tràng An kết nối di sản năm 2022 sẽ trở thành hiện thực và khai mạc vào ngày 17/11 tới đây. Lễ khai mạc có thời lượng 90 phút, sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV.
Festival Tràng An kết nối di sản với mong muốn hội ngộ, lan tỏa hệ thống di sản của khắp các vùng miền trong cả nước, tạo sức hút khách du lịch. Mặc dù là festival văn hóa di sản nhưng mục tiêu hướng tới là bảo tồn gắn với phát triển du lịch, do đó, festival có tầm nhìn tương lai là sẽ tổ chức định kỳ 2 năm một lần; phát triển thành một Festival Di sản quốc gia và quốc tế. Festival sẽ trở thành thương hiệu văn hóa di sản của quê hương Ninh Bình, góp phần điểm thêm nét chấm phá mới cho du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch thế giới.
Vì là festival đầu tiên về kết nối di sản, do đó tiêu chí để tham gia festival là phải có yếu tố đặc trưng, độc đáo và tiêu biểu của từng nơi. Thậm trí đặc trưng tới mức khi nhìn vào là du khách có thể nhận ngay ra di sản của vùng đất sinh ra nó. Tiêu chí thứ 2 mà chúng tôi cũng phải đưa ra để đảm bảo sự bình đẳng, hài hòa giữa các tiết mục của từng đơn vị là khống chế thời lượng không quá 5 phút/tiết mục.
Với Festival Tràng An kết nối di sản không phân biệt các di sản được UNESCO công nhận hay quốc gia công nhận mà sẽ cùng được giới thiệu đến với công chúng cả nước trên một sân khấu tổng thể chung.
Có rất nhiều cách, nhiều trường phái và nhiều suy nghĩ, phương pháp tiếp cận khác nhau khi làm đến di sản, tổ chức chương trình về di sản. Với tôi làm Festival Tràng An kết nối di sản năm 2022 là lần đầu tiên, lần mở đầu cho một cuộc hội ngộ, kết nối nên tiêu chí đặt ra là phải đúng và do chính các địa phương tự chọn và tự quyết định tiết mục của mình.
Ví dụ chúng tôi có gợi ý và mong muốn Thừa Thiên Huế đưa Nhã nhạc cung đình Huế đến tham dự festival nhưng đoàn nghệ thuật truyền thống Huế lại giới thiệu tiết mục Lục cùng hoa Đăng – đây cũng là một di sản tiêu biểu của Huế thì chúng tôi cũng tuyệt đối tôn trọng.
Tham gia festval năm nay còn có cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam Bộ, hát chèo… tất cả sẽ tạo nên màu sắc tổng thể của festival với sự đa dạng, phong phú nhưng thống nhất.
Kết cấu nội dung, phương pháp tiếp cận di sản và hình thức thể hiện của Festival Tràng An kết nối di sản năm 2022 được đạo diễn xử lý như thế nào, có sự khác biệt gì so với các festival khác?
Câu chuyện bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị di sản lịch sử, văn hóa và nghệ thuật sẽ vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận và phương pháp tiếp cận khác nhau. Tựu trung lại thì thế giới hiện tại cũng chỉ có ba phương hướng cơ bản nhất để ứng xử với các giá trị di sản của chính mình. Thứ nhất là bảo tồn di sản nguyên gốc ở ngay chính không gian và điều kiện nơi di sản đó đã sinh ra và định hình. Thứ hai là làm mới và ứng dụng di sản vào đời sống bằng việc một mặt vẫn giữ nguyên các giá trị cốt lõi của di sản và mặt khác đặt các giá trị đó trong những không gian mới với các công nghệ mới để làm cho những giá trị di sản đó tiếp cận được với đời sống hiện đại. Thứ ba là sáng tạo mới di sản bằng việc chắt lọc, nhặt nhạnh và kết hợp các yếu tố độc đáo của di sản khác nhau, cộng hợp và thử nghiệm để tìm tòi và sáng tạo theo những nội dung, hình thức và mục đích mới. Với Festival Ninh Bình - Tràng An kết nối di sản năm 2022, tôi chọn phương pháp thứ hai cho hình thức thể hiện và phương pháp dàn dựng với mong muốn giá trị di sản của từng tỉnh thành sẽ được tôn trọng nguyên gốc và khi cần thiết được hỗ trợ dàn dựng để thăng hoa hơn giữa một sân khấu quảng diễn rộng lớn.
Sự khác biệt so với các festival khác đó là, trong quá trình xây dựng kết cấu nội dung, sáng tác hệ thống kịch bản, các tiết mục của từng tỉnh thành sẽ được tôn trọng tuyệt đối và giữ nguyên bản. Do đó, chương trình trước hết phải chuẩn về mặt di sản để các nhà nghiên cứu, chuyên gia di sản, UNESCO công nhận và đánh giá cao. Vì vậy chúng tôi có nguyên tắc bất di bất dịch là tỉnh thành nào mang di sản đến chúng tôi sẽ tôn trọng tuyệt đối. Và đây được coi như là những hạt nhân cốt lõi của từng tiết mục, qua đó cố gắng giữ được tính nguyên gốc, mộc mạc và độc đáo, đa dạng của các giá trị di sản được giới thiệu tại festival. Từ chương trình nghệ thuật Khai mạc, Triển lãm tới Lễ hội đường phố và Bế mạc, phương pháp tiếp cận này nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ kết cấu nội dung của festival.
Anh có thể chia sẻ một vài ý tưởng, thông điệp thể hiện trong các chương trình, sự kiện anh làm đạo diễn để lan tỏa tính đặc sắc của điểm đến, từ đó thu hút, mời gọi du khách?
Trong du lịch, yếu tố văn hóa và di sản rất quan trọng, nếu du lịch không dựa trên nền tảng cốt lõi của văn hóa và di sản ở những điểm đến thì sẽ du lịch sẽ không có màu sắc riêng, không tạo được ấn tượng đặc biệt, ý nghĩa của những cuộc du lịch đó cũng sẽ khác đi. Một số dòng sản phẩm du lịch: trải nghiệm, tâm linh, nghỉ dưỡng, cộng đồng… đều gắn với văn hóa hoặc di sản. Chính vì vậy, mục tiêu của chúng tôi khi tổ chức festival di sản này là cơ sở để tạo sức hút du khách quan tâm và đến để trải nghiệm… Bí kíp cũng chỉ là làm với cái tâm, sự đam mê và tôn trọng giá trị di sản, văn hóa.
Tôi xác định, đây là một festival văn hóa, di sản nhưng nhờ văn hóa để tạo sức hút du khách. Vì đến với festival di sản này bên cạnh trải nghiệm danh lam thắng cảnh của Ninh Bình, du khách còn có cơ hội hiểu sâu hơn về di sản, văn hóa của nhiều tỉnh thành, vùng miền khác tham gia quảng bá, trình diễn trong festival. Bên cạnh đó, để thu hút công chúng trẻ tuổi, trong khuôn khổ festival sẽ tổ chức chương trình đại nhạc hội sôi động, náo nhiệt với nhiều ca sĩ trẻ tham dự. Trong xã hội hiện đại ngày nay thì du lịch - văn hoá - di sản là kiềng 3 chân kết nối với nhau rất chặt chẽ. Người đạo diễn phải biết biến tấu linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh để tạo sự khác biệt.
Hiện tôi đang tham gia với một số tỉnh thành để xây dựng đề án phát triển văn hóa gắn với bảo tồn di sản và khai thác kinh tế du lịch. Những đề án này được xây dựng dựa trên nghiên cứu và cách tiếp cận của tôi về văn hóa, di tích, di sản của vùng miền đó. Tôi sẽ khai thác nét đặc sắc, đặt trưng khác nhau của từng địa phương để tạo nên sự phong phú, thú vị riêng. Có những tỉnh, thành không có thế mạnh về di sản nhưng họ lại có thế mạnh về làng nghề. Tôi sẽ tiếp cận với những đặc trưng đó bằng cách riêng, góc nhìn đa chiều, khác biệt để khai thác yếu tố văn hóa trong đó, đưa chúng lên sân khấu.
Xin cảm ơn đạo diễn, chúc anh có nhiều ý tưởng mới trong việc xây dựng kịch bản sự kiện gắn văn hóa di sản với phát triển du lịch.
Anh Hoa (thực hiện)