
Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới”, Festival Huế lần thứ XI sẽ diễn ra từ ngày 01 - 06/4/2020 với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2020 cho biết: Festival Huế là lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn. Trải qua các kỳ tổ chức, Festival Huế 2020 đã đạt được những thành quả nhất định, khẳng định vị thế và thương hiệu trong cộng đồng các Festival chuyên nghiệp trên thế giới. Festival Huế 2020 sẽ mang lại cho người tham dự những trải nghiệm mới lạ và độc đáo về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Đặc biệt, Festival Huế 2020 tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nghệ thuật, kết cấu hợp lý giữa các hoạt động văn hoá, du lịch, nghệ thuật và lễ hội, có tính cộng đồng cao, hấp dẫn, có sức thu hút mạnh mẽ đối với công chúng.
Festival Huế 2020 quy tụ nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hóa tiêu biểu với sự tham gia của 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa sắc màu ở các sân khấu trung tâm thành phố và các huyện, thị trong tỉnh.
Các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện các vùng miền trên cả nước, các nhóm nghệ sĩ có phong cách mới lạ từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... cùng với các văn nghệ sĩ của Thừa Thiên Huế sẽ phô diễn nét độc đáo, tinh tế, sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra trong suốt Festival.
Festival Huế 2020 tiếp tục tập trung khai thác không gian văn hoá truyền thống của Huế. Không gian trung tâm Đại Nội là hạt nhân của các kỳ Festival với hệ thống các sân khấu ngoài trời, quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc; các sân khấu ở Cung An Định, Quảng trường Ngọ Môn, công viên Trịnh Công Sơn, công viên Cầu Dã Viên, các sân khấu cộng đồng khác trên địa bàn thành phố Huế và các buổi quảng diễn của các đoàn nghệ thuật đường phố nổi tiếng sẽ tạo không khí sôi động trong suốt kỳ Festival.
Điểm mới của Festival Huế năm 2020 là chương trình Lễ hội “Huế - Kinh đô ẩm thực” (từ ngày 02 - 06/4/2020). Du khách sẽ có cơ hội thưởng thức hàng trăm món ăn, thức uống, thuộc 3 dòng ẩm thực chính: ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình, ẩm thực chay và nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Huế, các món ngon đã làm nên “văn hóa ẩm thực” cho mảnh đất Huế.
Ngoài ra, Festival Huế lần thứ XI còn diễn ra Lễ Tế Giao (01h00 ngày 01/4/2020); Chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện (20h00 ngày 03/4/2020) kể lại câu chuyện lịch sử hào hùng của nước Việt thế kỷ 19 bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế; chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, Lễ hội áo dài, chương trình nghệ thuật đường phố “Sắc màu văn hóa”, Đêm ASEAN - một cuộc trình diễn văn hoá Đông Nam Á qua những sắc màu độc đáo của trang phục dân tộc, thời trang và âm nhạc huyền ảo...
Đặc biệt, Festival Huế 2020 cũng là cơ hội để du khách và người dân tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016) và 2 di sản văn hoá phi vật thể mà Huế đồng sở hữu: nghệ thuật bài chòi và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt.
Chương trình nghệ thuật Khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày 01/4/2020. Chương trình sẽ giới thiệu một Thừa Thiên Huế với vẻ đẹp khám phá bất tận, một thành phố Huế của sự hài hòa trọn vẹn, bốn mùa rạng rỡ hoa, du lịch xanh, thân thiện môi trường, thành phố du lịch đặc trưng của Việt Nam; là dịp để giới thiệu với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế về những tinh hoa văn hoá nghệ thuật truyền thống và cung đình Huế.
Ông Amadou Matar M’Bow, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, trong chuyến ghé thăm vào năm 1981 nhận xét: “Huế là một bài thơ về kiến trúc đô thị tuyệt tác, Huế là thành phố của sự hài hoà trọn vẹn”, câu nói đó đã phần nào khẳng định giá trị của Huế, vùng đất của di sản, cổ kính nhưng không bao giờ cũ. Khám phá Huế là khám phá bất tận, chính vì thế “Huế luôn luôn mới”.
Thanh Hiền