“Ấn tượng mùa nước đổ nơi biên giới đại ngàn” và “Khám phá di sản, danh thắng Châu Hồng Hà, Vân Nam, Trung Quốc” là 2 Famtrip do Công ty S-Travel thực hiện với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp lữ hành 3 miền Bắc – Trung – Nam. Nói như Nguyễn Hồng Thắng, đây là chương trình “Fam nối Fam, nối từ Việt Nam sang Trung Quốc” để các doanh nghiệp không chỉ tìm hiểu khám phá những điểm đến mới mà còn mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển.
Nghe thì đơn giản, nhưng để tổ chức được là điều gian nan vô cùng, công tác chuẩn bị phải tiến hành từ nhiều tháng trước, từ lịch trình tour, điểm đến, nơi ăn nghỉ, đưa đón đoàn đến kết nối các doanh nghiệp lữ hành trên mọi miền và cuối cùng là ấn định ngày khởi hành.
Thật may mắn và cũng là cơ duyên, trong chuyến Famtrip lần này tôi được tái ngộ với những người bạn cũ: vợ chồng anh Tiến Cường, chị Thu Hà (đi cùng chuyến Tây Tạng năm 2017); anh Phạm Trung Nghị gặp trong chuyến Fam Chinh phục Lảo Thẩn 2018 và bạn đồng nghiệp Đài PTTH Hà Nội cùng anh chị em công ty S-Travel. Cảm giác thân thuộc như về với ngôi nhà của mình…
Chị Thu Hà là kỹ sư hóa, nghề nghiệp của chị không liên quan gì đến du lịch nhưng với niềm đam mê nhiếp ảnh, chị đã cùng chồng (anh Cường là Giám đốc Công ty Du lịch Quality Travel) đặt chân lên nhiều miền đất lạ trong và ngoài nước. Chuyến đi Y Tý lần này là lần thứ 2 của chị.
“Vẻ đẹp của Y Tý thật quyến rũ. Những thửa ruộng bậc thang trải dài trên những triền đồi, sườn núi lấp loáng nước phản chiếu nắng và mây tạo nên vẻ kỳ ảo đẹp như tranh. Những ngôi nhà đơn sơ ẩn mình trong sương và cuộc sống của người dân miền núi còn nhiều vất vả nhưng sự chân tình, mến khách khiến nơi đây luôn có sự cuốn hút rất kỳ lạ”, chị Hà tâm sự.
Cung đường Y Tý được xem là cung đường đẹp nhất dọc theo đường biên giới. Đứng bên cột mốc 92 - điểm thiêng liêng đánh dấu sự giao hòa của dòng Lũng Pô - “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, cảm nhận sức sống mãnh liệt bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, sự cần mẫn của người nông dân đã tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt tác say đắm lòng người. Y Tý còn có đại ngàn huyền thoại, suối Mường Hum đã đi vào thơ ca, đỉnh Lảo Thần được mệnh danh là “nóc nhà Y Tý” với độ cao 2.860m…
Chị Trần Phương Dung, Công ty du lịch Thanh niên Á Châu (TP.HCM) chia sẻ, rất ấn tượng bởi lần đầu đến Y Tý, được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với núi non chập trùng, những biển mây trắng xóa bao quanh sườn núi, tận hưởng không khí tuyệt vời mà trong Nam không có…, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng còn rất yếu kém khiến việc khai thác, phát triển du lịch bị ảnh hưởng nhiều.
Theo anh Nguyễn Đình Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Việt Đà (Đà Nẵng), các yếu tố về con người, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, địa hình, khí hậu, thời tiết củaY Tý, Bát Xát … là sự hội tụ đầy đủ cho việc phát triển du lịch với nhiều loại hình du lịch thể thao, mạo hiểm, khám phá, sinh thái, văn hóa, cộng đồng. Đặc biệt, nơi đây có những đỉnh núi cao với cảnh sắc thiên nhiên độc đáo luôn khơi gợi niềm khát khao chinh phục khám phá của con người. Tuy nhiên -cũng giống chị Dung – điều khiến anh Lộc quan ngại nhất là yếu tố hạ tầng, lưu trú. “Đường vào Cột cờ Lũng Pô – ngã ba sông nơi đánh dấu sự giao hòa của dòng Lũng Pô với con sông Hồng chẩy vào đất Việt, vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa, đáng tiếc con đường quá xấu khiến du khách rất vất vả”, anh Lộc chia sẻ.
Nói về Y Tý, “nhà tổ chức Fam” Nguyễn Hồng Thắng chia sẻ niềm đam mê bất tận với vùng đất này. Chẳng riêng Y Tý, Bát Xát mà bất cứ điểm đến nào của Lào Cai, anh đều vanh vách. Riêng những địa danh như Trịnh Tường, Lũng Pô, A Lù, Thề Pả, Y Tý, Lảo Thẩn, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Dền Thàng, Mường Hum… thì khỏi phải nói - đặc điểm từng vùng xen với những câu chuyện hài hước có thật ở vùng cao khiến nhiều thành viên trong đoàn cười không ngớt… Vì thế, quãng đường như ngắn lại, mọi vất vả tan biến…
“Sắc tộc ở Bát Xát rất đặc sắc, có người Giáy, người Dao đỏ, người Mông, người Hà Nhì đen, sang Mường Hum là người Tày. Đây là cung đường hấp dẫn, thứ nhất là về địa hình cảnh quan, thứ đến là yếu tố văn hóa, bản sắc. Có thể nói đây là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch bởi thiên nhiên hùng vỹ. Y Tý có bình nguyên Phìn Hồ rất đẹp cùng với khá nhiều đỉnh núi cao như Kỳ Quan San hay còn gọi là Bạch Mộc Lương Tử, dãy Nhìu Cồ San huyền thoại…. Ngoài ra, độ cao ở Y Tý cao hơn Sapa khiến khí hậu có sự khác biệt đáng kể”, anh Thắng chia sẻ và cho biết, thông qua việc tổ chức Fam các doanh nghiệp tùy theo đối tượng làm du lịch như inbound hay nội địa có những hướng khác nhau để khai thác. Có thể làm chương trình chợ phiên Y Tý thứ Bảy, chợ Mường Hum chủ nhật. Cung đường Y Tý kết nối với Sapa nên khá hợp lý để đi tour 2 ngày 1 đêm, hoặc 3 ngày 2 đêm và nhất là thuận tiện để kết nối với những địa phương khác, đặc biệt từ Hà Nội.
“Y Tý là điểm đến mới, hiện tại mới bắt đầu tiến hành quy hoạch du lịch nên hạ tầng đường sá, cơ sở lưu trú, dịch vụ chưa phát triển. Hy vọng với sự vào cuộc của nhà nước – doanh nghiệp – người dân – chuyên gia tư vấn – truyền thông cùng chung tay mới có thể đưa Y Tý thành điểm đến hấp dẫn và phát triển một cách bền vững. Chúng tôi rất kỳ vọng tạo bước đột phá từ du lịch bằng việc phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương để nâng cao đời sống cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa các dân tộc đồng bào vùng cao Bát Xát”, anh Thắng bày tỏ.
Tạm biệt Lào Cai, chúng tôi tiếp tục hành trình tới Châu Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc). Với thủ tục đơn giản bằng giấy thông hành, đoàn đã có hành trình khám phá, trải nghiệm đáng nhớ tại Mông Tự, Kiến Thủy, Di Lặc.
Ấn tượng đầu tiên là con đường cao tốc thẳng tắp 4 làn, 2 chiều (từ Hà Khẩu đến Côn Minh), trong đó riêng đoạn đường đến Mông Tự khoảng trên 155km với 43 đoạn đường hầm xuyên núi.
Nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc, giáp ranh Việt Nam, Châu Hồng Hà có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, nơi khí hậu quanh năm mát mẻ, phong cảnh hữu tình, thơ mộng, cùng muôn loài hoa đua nhau khoe sắc thắm. Sau hơn 2 giờ di chuyển chúng tôi đến Mông Tự - thủ phủ của Châu Hồng Hà. Đến đây, nếu không thưởng thức món “bún qua cầu” - món ăn đậm tình nghĩa phu thê của người Vân Nam, thì coi như chưa đến. Mông Tự còn có nhiều loại hoa quả tươi ngon và đặc biệt nơi đây chính là vùng đất của Lựu.
Đến phố cổ Kiến Thủy với hơn ngàn năm lịch sử từ đời nhà Minh tới đời nhà Thanh. Một điểm du lịch đáng tham quan khi đặt chân tới Kiến Thủy là vườn hoa Chu Gia. Qua hơn 200 năm lưu giữ và bảo tồn, nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Kiến Thủy và của tỉnh Vân Nam.
Tạm biệt Kiến Thủy cổ kính, đoàn đến Di Lặc tham quan khu di tích nổi tíêng mang tên “Khu thắng cảnh núi Kim Bình”. Nơi đây có tượng đức phật Di Lặc lớn nhất thế giới, hoàn thành năm 1999 với chiều cao 19,99 m. Di Lặc cũng là quê hương của Nho, với thương hiệu rượu vang nổi tiếng của Trung Quốc “Vân Nam Đỏ”.
Điểm đến để lại cảm xúc nhiều nhất là công viên Thái Bình Hồ. Ở độ cao gần 2.000 m, trên diện tích khoảng 100ha, được quy hoạch cực kỳ quy củ, gồm các biệt thự nghỉ dưỡng khép kín, hồ nước nhân tạo, khu vui chơi giải trí và đặc biệt là muôn loài hoa 4 mùa khoe sắc thắm, môi trường thiên nhiên trong lành. Hứa hẹn là điểm đến cực kỳ mới mẻ với du khách Việt Nam….
Viễn Nguyệt