Trong điều kiện kinh tế trong nước, khu vực và thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng hội chợ vẫn thu hút gần 300 gian hàng của hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, trong đó có 42 doanh nghiệp của Thái Lan, Lào, Malaysia và Nam Phi. Năm nay, hội chợ giới thiệu, trưng bày các sản phẩm du lịch, thương mại như điện, điện tử, công nghệ thông tin, dịch vụ du lịch, trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ, dệt may, thiết bị trường học, văn phòng, ẩm thực, các dự án kêu gọi đầu tư vào bất động sản… Đây là hoạt động thường niên nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch, đầu tư giữa các nước trên Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) và các đối tác quốc tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, hội chợ 2014 sẽ góp phần nâng cao quan hệ hợp tác phát triển kinh tế, thương mại du lịch, đầu tư giữa các tỉnh, các nước trong Hành lang kinh tế Đông Tây. Hội chợ cũng là một trong những chương trình quan trọng phục vụ cho ý tưởng kết nối ASEAN, tạo thuận lợi cho hàng hóa qua lại đến mức tối đa (là một điểm ưu tiên của ASEAN trong giai đoạn đang hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN).
Diễn ra tại hội chợ lần này còn có hội thảo Cộng đồng ASEAN 2015 và tác động đối với hợp tác khu vực trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây do UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Học viện Mekong (Thái Lan) tổ chức.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN (AEC) vào năm 2015 là một dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển ASEAN. Khi đó, ASEAN sẽ là tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng và có mối quan hệ ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Cộng đồng ASEAN 2015 sẽ tạo dựng một thị trường thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Cho đến thời điểm này, đã đạt được hơn 800 đầu việc được giao trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội (chiếm 80%); còn gần 1,5 năm nữa để hoàn tất 20% công việc còn lại.
Tại hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước đã bàn về những cơ hội và thách thức trên tuyến EWEC ở khía cạnh kinh doanh liên biên giới; về việc giảm chi phí vận tải và vận chuyển hàng hóa, giảm nghèo thông qua phát triển khu vực nông thôn và biên giới; đồng thời nêu ra các sáng kiến nâng cao năng lực trên EWEC dành cho các dự án phát triển khu vực tư nhân, kết nối doanh nghiệp dọc tuyến. Nhiều vấn đề khác cũng được đưa ra thảo luận như hợp tác xúc tiến du lịch; xúc tiến thương mại qua biên giới; xúc tiến đầu tư; thúc đẩy giao lưu văn hóa, nhân dân, đóng góp của các tổ chức quốc tế để thúc đẩy hợp tác khu vực trên EWEC...
Với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN, chính sách thuế quan, thương mại và hàng hóa giữa các nước trên tuyến EWEC sẽ có những thay đổi nhất định. Vì thế, hội thảo là cơ hội để chính quyền và doanh nghiệp của các địa phương trên EWEC cũng như các tổ chức, cá nhân có thể nắm bắt được những tác động của việc hình thành Cộng đồng ASEAN, qua đó nhanh chóng thích ứng với tình hình mới kể từ năm 2015. Đây còn là dịp để các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các đối tác của ASEAN và các địa phương trên EWEC trao đổi nhằm đưa ra những định hướng cho sự hợp tác trong tương lai.
Tại hội chợ lần này còn diễn ra nhiều chương trình hoạt động thiết thực như lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Khon kean (Thái Lan), các chương trình giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; cơ hội giao thương với các doanh nghiệp TP. Cần Thơ; chương trình kết nối giao thương với các doanh nghiệp trên tuyến EWEC (Việt Nam-Lào-Thái Lan); hội nghị tập huấn các văn bản pháp quy về khuyến công...
TC