Hưng Yên hiện còn 1.210 di tích. Số di tích trên được phân bố đều trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó có 159 di tích và cụm di tích đã được xếp hạng quốc gia và 147 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hưng Yên đứng thứ hai trong toàn quốc (sau thủ đô Hà Nội) về số lượng di tích được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Di tích của Hưng Yên còn khá nguyên vẹn về tính nguyên gốc từ nghệ thuật kiến trúc đến đồ thờ tự, bi ký... có từ thời khởi dựng đến nay. Đến với các di tích lịch sử văn hóa của Hưng Yên, du khách được chiêm ngưỡng và hiểu hơn về văn hóa các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn...; đồng thời, du khách được đến với cảnh quan của đồng bằng châu thổ sông Hồng trù phú với những đầm sen, vườn nhãn phù hợp với kỳ nghỉ cuối tuần. Lễ hội truyền thống của Hưng Yên đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung.
Hưng Yên hiện đang lưu truyền trên 400 lễ hội truyền thống. Các lễ hội của Hưng Yên đều gắn liền với di tích lịch sử - văn hóa, gắn với một điển tích. Tháng 5 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị đô thị cổ phố Hiến gắn với phát triển du lịch” cho quần thể di tích phố Hiến và đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Riêng quần thể di tích phố Hiến có tới trên 120 di tích với 61 lễ hội đang được lưu truyền.
Đầu xuân hàng năm, Hưng Yên có hàng loạt các lễ hội, tập trung từ trung tuần tháng giêng của các đình, đền trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Điển hình là lễ hội đền Ủng - thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Lễ hội thu hút hàng vạn lượt người trong tỉnh và các tỉnh lân cận như tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh... Trung tuần tháng 2 âm lịch, du khách đến với lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch - lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Đây là lễ hội lớn nhất, tập trung nhất của Hưng Yên, là lễ hội của Tổng Mễ xưa, thu hút du khách trong và ngoài nước tham dự. Đến với các lễ hội, các di tích lịch sử văn hóa của Hưng Yên, du khách còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc độc đáo cách đây hàng trăm năm từ thời hậu Lê và đầu triều Nguyễn; kiến trúc Phúc Kiến, Trung Hoa; dự hội và tham quan di tích, hiểu thêm lịch sử của phố Hiến thời hưng thịnh vào thế kỷ 17 - 18 đã từng là nơi hội tụ làm ăn, buôn bán của tương gia của châu Âu, châu Á, cách đây bốn thế kỷ và đang chuyển mình trong thời kỳ đổi mới. Du khách tới phố Hiến sẽ có dịp thăm cây nhãn tổ (Nhãn tiến Vua), được vào ghi vào kỷ lục Việt Nam, cây ăn quả có tuổi thọ cao nhất.
Các lễ hội ở Hưng Yên có môi trường văn minh, lịch sự, không có tệ ăn xin, chèo kéo du khách và an ninh, an toàn được bảo đảm.
Di sản văn hóa Hưng Yên bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể, cùng những sản vật, không gian sinh thái và lợi thế về địa lý là tiềm năng lớn phục vụ cho phát triển du lịch. Để khai thác tốt tiềm năng, vấn đề đặt ra đối với du lịch Hưng Yên là cần giải quyết một số vấn đề mang tính cấp bách trước mắt cũng như lâu dài:
Điều trước tiên đó là sớm có quy hoạch chung bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, bảo tồn, lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó cần có kế hoạch cụ thể triển khai Quy hoạch bảo tồn đô thị phố Hiến cổ gắn với phát triển du lịch đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó phát huy giá trị của di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch và quy hoạch bảo tồn làng cổ.
Cần có một quy hoạch tổng thể và tổ chức triển khai phát triển du lịch giai đoạn đến năm 2020; chăm lo phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa; mặt khác cần có một hệ thống hạ tầng du lịch như: hệ thống bến bãi, đường giao thông, điểm vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa nghệ thuật, hàng hóa lưu niệm…, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng, tạo sản phẩm du lịch phát triển bền vững, đủ sức thu hút, lưu giữ du khách ở lại dài ngày ở Hưng Yên theo hướng gắn đào tạo cơ bản với xã hội hóa rộng rãi, khai thác mọi nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia của cả cộng đồng.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Hưng Yên nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và trung ương, đa dạng về nội dung và hình thức để du khách trong và ngoài nước hiểu biết về Hưng Yên tạo điều kiện để du lịch của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng; đồng thời mở rộng liên doanh liên kết với các công ty du lịch lữ hành trong và ngoài nước với sự kết nối chặt chẽ giữa các điểm du lịch trong khu vực và cả nước./.
Đỗ Mạnh Hùng