"Chúng tôi đi du lịch khi Tết đến, xuân về"
Người Xuân La thường diễn giải cho "nghề rong chơi" của mình bằng câu nói vui vẻ như thế. Hàng năm, cứ đến Tết, ra giêng, rằm trung thu hoặc lúc nông nhàn, họ lại rủ nhau từng tốp năm, bảy người rời làng ra đi. Chỉ cần chiếc xe đạp, chiếc hộp đựng phẩm màu, nắm que vót sẵn… thế là họ có thể rong ruổi đến bất cứ nơi đâu. Nơi nào có họ, nơi ấy bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường; đám đông già trẻ, gái trai ngồi quây tụ ngắm nghía, bình phẩm thật rôm rả.
Đến nay, trong làng không ai còn nhớ nổi tuổi nghề: "Từ lúc sinh ra, chúng tôi đã thấy ông bà, cha mẹ làm nghề rồi. Người này truyền cho người kia, thế là cả làng đều biết nặn tò he". Kỹ thuật làm tò he thật đơn giản: bột gạo, bột giong riềng xay nhỏ, nắm lại, đem luộc, để nguội, pha màu rồi nặn thành hình con trâu, con rồng, con gà, bông hoa, tượng Quan Công, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Lưu Bình - Dương Lễ, Lê Lợi đi đò, anh giải phóng quân… Thôi thì đủ hình dáng, màu sắc, kích cỡ… theo đúng yêu cầu của khách hàng.
Số phận con tò he thăng trầm cùng với biết bao đổi thay, biến cố của làng Xuân La. Trong những năm chiến tranh, tò he cùng con người chạy bom, tránh đạn. Sau năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất, tò he lại rộn ràng khoe sắc, khoe màu khắp mọi miền đất nước. Tuy có những lúc khó khăn, nhưng chưa bao giờ làng Xuân La "đoạn tuyệt" với nghề. Thậm chí, nhiều gia đình đã bỏ làng đi làm ăn, sinh sống ở vùng đất khác nhưng vẫn giữ nghề nặn tò he như giữ cái nghiệp bền vững của tổ tiên. Những người làm dâu, làm rể chốn đất khách quê người, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về lại nấu nồi bột gạo, sắm sửa một ít phẩm màu rồi mang tò he ra bán ở chợ quê, đình làng, lễ hội... vừa kiếm thêm thu nhập vừa khuây khoả nỗi nhớ quê, nhớ nhà.
Năm 1993, khi Bộ Văn hoá Thông tin cử cán bộ về tận làng tìm hiểu khôi phục làng nghề, phong trào nặn tò he lại khởi sắc. Tò he bắt đầu theo chân người "xuất ngoại" sang những miền đất xa xôi như Đức, Mỹ, Nhật Bản... Và khoảng 10 năm trở lại đây, tò he bắt đầu lên ngôi. Rong ruổi cùng chú tò he, người làng Xuân La cũng trở thành những “du khách chuyên nghiệp”, thông thuộc rất nhiều địa danh du lịch, những đình, chùa, miếu mạo, vườn hoa, công viên...
Buồn vui nghề nặn tò he Tò he hoa trái đủ màu
Tay tiên một thoáng ra nhiều thú vui
Tò he là nghề du chơi
Ngày xuân rong ruổi cho đời mãi xuân…
Có lúc yêu đời, yêu nghề, nghệ nhân Đặng Văn Hạ cũng ngẫu hứng làm thơ về những con tò he rực rỡ sắc màu của làng mình. Đẹp là thế, mang nhiều niềm vui là thế, nhưng không phải ai cũng hiểu hết giá trị của tò he cũng như nỗi niềm của nghệ nhân làng nghề? Ông Hạ không nhớ đã bao nhiêu lần ngồi nặn tò he ở công viên, vườn hoa bị bảo vệ mời đi chỗ khác, trong khi du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài lại tỏ ra rất thích thú. Đã có khách hàng Hàn Quốc tìm về làng đặt mua tò he, còn dự định đầu tư mở xưởng; thế nhưng, vướng phải các vấn đề thủ tục về hành chính nên bỏ cuộc. Người Xuân La lại tiếp tục mạnh ai nấy làm, tự lo đầu vào, đầu ra với đồng vốn nhỏ lẻ của gia đình.
Song nghề nặn tò he cũng mang lại cho làng Xuân La nhiều niềm vui, bởi mới đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận đã hai lần vinh dự đại diện cho dân làng Xuân La, cho các làng nghề cổ truyền Việt Nam đưa con tò he giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế tại Hội chợ EXPO Japan (cùng tranh Đông Hồ) và Triển lãm kỷ niệm 10 năm quan hệ Việt - Mỹ (cùng tranh Hàng Trống). Người Xuân La thật sự phấn khởi, tự hào và cảm thấy tin tưởng hơn vào tương lai.
THẢO CHI