Năm 2019, du lịch Việt Nam ước đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%). Khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ tăng trưởng của hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch tăng cao nhất là phân khúc cao cấp 4-5 sao. Với sự nỗ lực của toàn ngành, du lịch đã có những bước phát triển đột phá, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước. Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu danh giá giải thưởng du lịch toàn cầu như: Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019 (World Golf Awards); Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới (World Travel Awards 2019), Điểm đến hàng đầu châu Á 2 năm liên tiếp. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), xếp hạng 63/140 nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2019 và trong 3 năm liên tiếp (2016 - 2019) đạt 22%/năm. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt Indonesia vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến. Chất lượng dịch vụ du lịch cải thiện đáng kể. Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tiếp tục làm thay đổi chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, góp phần hình thành nhiều khu du lịch khép kín, đẳng cấp quốc tế. Một số doanh nghiệp du lịch bước đầu thành lập các hãng hàng không tạo sự liên kết, phát triển mạnh mẽ giữa du lịch - hàng không. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm đến liên tiếp lọt vào danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do những hãng thông tấn và tạp chí uy tín bình chọn. Hạ tầng du lịch được cải thiện, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được đầu tư và nâng cao. Công tác đảm bảo môi trường du lịch được thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nguồn nhân lực du lịch từng bước được bổ sung.
Bên cạnh đó, sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò quan trọng của kinh tế du lịch tạo điều kiện cho phát triển du lịch, trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trọng điểm về du lịch đã có những chính sách, giải pháp cụ thể, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đánh giá cao nỗ lực của ngành Du lịch trong năm 2019. Các nhiệm vụ của TCDL cơ bản đã đạt mục tiêu, tiến độ cũng như chất lượng thể hiện qua kết quả mà ngành Du lịch đã đạt được. Trong năm 2020, TCDL cần triển khai nhiệm vụ về quản lý nhà nước và dịch vụ công. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đề xuất thêm các nhiệm vụ trong thời gian tới như: quảng bá, xúc tiến du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch; tập trung, hỗ trợ các địa phương bứt phá về nguồn nhân lực; triển khai tổ chức các hội nghị về quản lý vùng cũng như quy hoạch khu vực trọng điểm quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng và đánh giá cao thành tích của ngành Du lịch đạt được trong năm qua, đồng thời biểu dương những nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Du lịch với những thành công kể trên đã góp phần đóng góp chung vào sự phát triển du lịch Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2019 du lịch Việt Nam đạt nhiều thành tích ấn tượng và dành được rất nhiều giải thưởng về du lịch trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu, trong năm 2020, Du lịch Việt Nam cần đạt được chỉ tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế. Ngay từ đầu năm 2020, TCDL phải có các giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch để hoàn thành vượt mức cao hơn năm trước đồng thời ngành Du lịch cần phải có sự đổi mới về tư duy, nhận thức.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2020 ngành du lịch đặt mục tiêu đạt 20,5 triệu lượt khách là một nhiệm vụ rất khó khăn so với năm 2019 và cần một sự nỗ lực lớn đến từ các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của TCDL cũng như người làm du lịch nói chung. Trong năm 2020, TCDL sẽ tăng cường công tác đổi mới về nhận thức, cách làm, cách tiếp cận và đổi mới về phương pháp để đạt mục tiêu mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã giao cho TCDL.
Năm 2020, Du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỷ đồng.
|
PV