Du lịch Việt Nam tăng hạng trong Báo cáo mức độ cạnh tranh du lịch thế giới năm 2009
Bản Báo cáo được thực hiện bởi hai chuyên gia phân tích kinh tế của WEF là Jennifer Blanke và Thea Chiesa với 133 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Thụy Sĩ (đạt 5,68 điểm) là quốc gia tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng, kế tiếp là Áo (5,46), Đức (5,41), Pháp (5,34), Canada (5,32). Singapore (5,24) là quốc gia châu Á duy nhất lọt vào top 10 (năm 2008 đứng thứ 16). Trong bản báo cáo, khu vực Đông Nam Á có 8 quốc gia được khảo sát gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Bruinei, Indonesia, Philippines, Campuchia và Việt Nam.
Xếp hạng của WEF dựa trên chỉ số cạnh tranh du lịch (Travel & Tourism Competitiveness Index - TTCI), trong đó đo lường 14 chỉ số trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch và các chỉ số liên quan bao gồm: các luật và quy định về kinh doanh du lịch, sự bền vững của môi trường, mức độ an toàn và an ninh, cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng du lịch, nguồn lực về con người, mức độ cạnh tranh về giá, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa... Jennifer Blanke cho biết: mục đích của nghiên cứu nhằm đo lường các yếu tố có liên quan để phát triển ngành công nghiệp du lịch của từng quốc gia cụ thể. Các kết quả công bố trong Bảng xếp hạng cạnh tranh du lịch thế giới năm 2009 được tổng hợp, phân tích từ các nguồn công khai, từ các chuyên gia và dựa trên kết quả khảo sát được tiến hành hàng năm của Diễn đàn Kinh tế thế giới và Mạng lưới các Viện nghiên cứu hàng đầu, các doanh nghiệp ở các quốc gia trên toàn thế giới.
Theo bản Báo cáo của WEF, năm 2009 mức độ canh tranh của Du lịch Việt Nam đạt 3,7 điểm, xếp thứ 89/133 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 7 bậc so với năm 2008). Năm 2008, thu nhập từ hoạt động du lịch của Việt Nam ước đạt 3,521 tỷ USD, chiếm 4,3% tổng GDP quốc gia; thu hút 1,51 triệu lao động, chiếm 3,3% tổng số người lao động trên cả nước; dự đoán tăng trưởng thu nhập của Du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2009 - 2018 là 6,2%/năm, số lượng lao động trong ngành Du lịch tăng 1,6%/năm. Tuy đã tăng hạng so với báo cáo năm trước và có những dự báo khá lạc quan về tương lai, nhưng thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn cách khá xa với các nước trong khu vực Đông Nam Á về mức độ cạnh tranh: Singapore đứng thứ 10 (5.24 điểm), Malaysia thứ 32 (4,71), Thái Lan thứ 39 (4,45), Bruinei thứ 69 (3,99), Indonesia thứ 81 (3,79), Philippines thứ 86 (3,73) và trên Campuchia thứ 108 (3,43). Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Du lịch Việt Nam đứng thứ 17 trong 25 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát. Trong các chỉ tiêu này, thế mạnh của Việt Nam tập trung nhiều nhất ở mức độ cạnh tranh về giá, trong đó chỉ số sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam đứng thứ 5, cho thấy hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam rẻ hơn so với nhiều nước trên thế giới; mức độ cạnh tranh về giá trong du lịch đứng thứ 11; giá phòng khách sạn đứng thứ 31, tương đương 111,7USD/phòng (chỉ số được tính cho các khách sạn 5 sao trở lên); sự cởi mở trong hoạt động du lịch đứng thứ 66, sự phát triển bền vững ngành du lịch đứng thứ 37. Việt Nam cũng được đánh giá có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên: ở chỉ số này, Việt Nam xếp thứ 23 thế giới về số lượng cảnh quan thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới và đứng thứ 21 thế giới về tổng số sinh vật được khoa học biết đến. Tuy nhiên cũng ở chỉ tiêu này, Việt Nam chỉ được xếp thứ 122/133 về chất lượng môi trường tự nhiên, cho thấy các quy định bảo vệ môi trường ở Việt Nam cần chặt chẽ hơn. Chỉ tiêu tổng hợp nguồn lực về con người, nền văn hóa và tài nguyên thiên nhiên đứng thứ 76; trong đó nguồn lực con người đứng thứ 82, tài nguyên thiên nhiên thứ 52, tài nguyên văn hóa thứ 68. Bên cạnh đó, các yếu tố khác phục vụ phát triển du lịch lại không tương xứng: hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đứng thứ 109/133 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát; các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, giao thông đều có thứ hạng thấp: chất lượng đường giao thông của Việt Nam xếp thứ 102, kém Singapore 99 bậc và Thái Lan 70 bậc, gồm chất lượng cơ sở đường sắt xếp thứ 66, cầu cảng xếp thứ 112, hàng không xếp thứ 92. Đáng chú ý, mức độ rủi ro trong giao thông của Việt Nam được WEF xếp ở vị trí 116, một chỉ số đáng báo động cho sự an toàn của du khách; chất lượng môi trường thiên nhiên nằm gần cuối bảng, ở vị trí 122.
Trợ lý Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới Geoffrey Lipman khẳng định, những chỉ số nêu ra trong bản Báo cáo sẽ giúp chính phủ và ngành du lịch của các quốc gia và vùng lãnh thổ xác định được những điểm yếu và mạnh của mình, đặc biệt là đối với những nước nghèo để có thể có những điều chỉnh cần thiết nhằm thu hút và phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách quốc tế.
Bảng xếp hạng 10 quốc gia đứng đầu trong
Báo cáo về mức độ cạnh tranh du lịch 2009
HẢI DƯƠNG