Những dấu mốc về tăng trưởng lượng khách quốc tế
Tôi còn nhớ như in sự kiện lần đầu tiên chúng ta tổ chức lễ đón người khách thứ 1 triệu đến Việt Nam. Đó là ngày 29/12/1994, nữ bác sỹ người Italia, trẻ đẹp cao to, được vinh dự trao hoa, tặng quà, đón tiếp nồng nhiệt tại sân bay Nội Bài. Chỉ người khách thứ 1 triệu thôi nhưng ấn tượng lắm. Phải mất 34 năm, kể từ ngày thành lập, Du lịch Việt Nam mới cán được mốc này! 6 năm sau chúng ta đã nhân đôi cách biệt - năm đầu của Chương trình hành động quốc gia về du lịch “Việt Nam điểm đến của Thiên niên kỷ mới”, chúng ta tổ chức lễ đón người khách thứ 2 triệu đến Việt Nam là nữ du khách Pháp, cũng tại sân bay Nội Bài vào ngày 8/12/2000. Với dấu mốc này, Du lịch Việt Nam từ hàng thấp nhất đã vươn lên hàng trung bình trong khu vực (đứng thứ 5 trên 10 nước). Người khách thứ 3 triệu được tổ chức đón trọng thể tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 11/12/2005 là cô Furuya Wakana đến từ Nhật Bản. Lễ đón người khách thứ 4 triệu vào năm 2007. Sau 7 năm tăng gấp đôi từ 2 triệu lên 4 triệu. Như vậy, 13 năm kể từ dấu mốc đầu tiên, lượng khách quốc tế đến tăng gấp 4 lần. 3 năm sau, năm 2010 Du lịch Việt Nam đón vị khách thứ 5 triệu. 6 năm sau, năm 2016 đón vị khách thứ 10 triệu. Du lịch Việt Nam đã vươn lên rất nhanh, nhưng vẫn luôn đứng giữa và giữ vững vị trí đó kiên trì đến năm ngoái - năm 2019, Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, vượt qua Indonesia, lên hàng thứ tư, vẫn sau Thái Lan, Malaysia và Singapore. Mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc đề ra từ những năm đầu thiên niên kỷ, hay như NQ số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đề ra: “Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn,…Việt Nam thuộc nhóm có ngành Du lịch phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á” vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Ngành Du lịch đã và đang tập trung nhiều công sức để biến nghị quyết của Bộ Chính trị, của Đại hội Đảng thành hiện thực, và khi hiện nay Việt Nam đã được vinh danh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới, điểm đến văn hóa, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, với hệ thống cơ sở lưu trú và khu vui chơi giải trí cao cấp được đầu tư bài bản sang trọng, với sự kết nối đường hàng không thuận tiện và an toàn, đội ngũ đã trưởng thành, đã dày dạn kinh nghiệm… mục tiêu đã đề ra sẽ trở thành hiện thực.
Giá trị của những sáng kiến, sự kiện, tuyên bố mang tên Việt Nam
Trong diễn đàn quốc tế, có một sự kiện gây ấn tượng của Du lịch Việt Nam, đó là sự chủ động nêu sáng kiến trong diễn đàn du lịch khu vực và quốc tế. Năm 2001, khi dự Diễn đàn Du lịch ASEAN - ATF tại Brunei, chúng tôi nảy ra một ý tưởng là trong lĩnh vực du lịch hoàn toàn cần thiết và có thể mở rộng hợp tác trong ASEAN+ 3 như đối với quan hệ kinh tế chung, trong khi nước chủ nhà không đề cập đến, mà cũng không có nước nào nêu ra, chương trình của Diễn đàn chỉ gói gọn trong 10 nước ASEAN. Sau khi điện về nhà xin ý kiến được chấp thuận, chúng tôi đã nêu vấn đề tại diễn đàn, và sáng kiến của Việt Nam được chấp nhận, trở thành nghị quyết của Diễn đàn Du lịch ASEAN. Từ đó đến nay bên cạnh ATF thường niên của ASEAN, luôn có ASEAN + 3 ( Trung quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Những tuyên bố mang tên Việt Nam nhân tổ chức các sự kiện du lịch trong nước cũng như quốc tế cũng thật ấn tượng và có ý nghĩa để quảng bá điểm đến Việt Nam. Từ tháng 6/2004 dưới sự chủ trì của Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Đông Á - Thái Bình Dương tại Huế, với chủ đề "Du lịch văn hóa gắn với mục tiêu giảm đói nghèo» đã ra Tuyên bố Huế về du lịch văn hóa và công cuộc xóa đói nghèo. Liền ngay sau đó, năm 2005, tại Đà Lạt chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và Nhật Bản với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật. Hội nghị đã ra Tuyên bố Đà Lạt của các Bộ trưởng Du lịch Đông Á về «Du lịch hoa». Quảng Nam là tỉnh sớm nhận ra và tập trung phát huy thế mạnh du lịch văn hóa, là một trong những nơi khởi xướng sản phẩm du lịch nổi tiếng của Việt Nam «Con đường di sản Miền Trung », đã tổ chức thành công Năm Du lịch Quảng Nam - «Một điểm đến hai di sản thế giới - 2006», và là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC, ra được Tuyên bố Hội An của các bộ trưởng ‘Du lịch vì sự thịnh vượng chung». Tại Indonesia tháng 6/2007, chúng tôi dự hội nghị Bộ trưởng Du lịch 6 nước ASEAN và đã ký tuyên bố chung sáng lập Chương trình du lịch «Trail of Civilization» - «Con đường văn minh», nối các cố đô là di sản thế giới trong ASEAN… Có được những tuyên bố này, tại các diễn đàn quốc tế, mỗi khi nhắc đến chủ đề liên quan, các địa danh Việt Nam lại được vang lên, sẽ rất lợi cho quảng bá Du lịch Việt Nam.
Đôi điều về việc tổ chức Năm Du lịch Việt Nam
Năm Du lịch Việt Nam đầu tiên là năm 1990, do các thế hệ lãnh đạo trước đây tổ chức. Tiếc là, vừa mới phát động thì có thay đổi về tổ chức, mải lo sắp xếp lại bộ máy, nên sự kiện không mấy thành công, cũng không rút ra được nhiều kinh nghiệm.
Sau này, khi TCDL được tách ra trực thuộc Chính phủ, trong khi chuẩn bị tổ chức các sự kiện du lịch cho thiên niên kỷ mới, chúng tôi đã xin ý kiến Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm về chủ trương tổ chức Năm Du lịch Việt Nam lần thứ hai vào năm 2000. Phó Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương, nhưng khuyên nên để lui lại, vì thấy chưa đủ điều kiện.
Khi chưa tổ chức được Năm Du lịch Việt Nam, TCDL đã đề nghị được tổ chức năm du lịch theo chuyên đề hàng năm ở từng địa phương trọng điểm, và đã được Chính phủ đồng ý. Năm 2003.“Visit Halong year” - Năm du lịch chuyên đề đầu tiên, được tổ chức tại Quảng Ninh đã thành công. Từ kinh nghiệm của Năm Du lịch Hạ Long, nhiều địa phương đã xin được tổ chức năm du lịch chuyên đề. Được phép của Chính phủ, TCDL đã lần lượt chọn các địa phương có sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp với từng năm, đáp ứng được các điều kiện cần, để tổ chức sự kiện với mục đích quan trọng nhất, rõ ràng nhất là thu hút khách. Năm Du lịch phải là một chiến dịch xúc tiến quảng bá - “Promotion Campain”, cần được khai mạc vào những ngày đầu năm, không khai mạc quá muộn hoặc khai mạc từ năm trước, tránh dịp lễ, kỳ nghỉ noel của khách nước ngoài, chủ đề phải gắn với sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn được khách… Theo đó, năm 2004 là Năm Du lịch Điện Biên – “Visit Đien Bien Phu Year” nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Năm 2005, Năm Du lịch Nghệ An - “Visit Nghe An Year” - với chủ đề “Theo dấu chân Bác”, nhân kỷ niệm 115 ngày sinh Bác. Năm 2006, “Visit Quang Nam Year” - Một điểm đến hai di sản thế giới. Năm 2007, theo gợi ý của Tổng Bí thư, cần tổ chức tại Thái Nguyên nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ và Trung ương về Chiến khu Việt Bắc. Vì mục tiêu thu hút khách du lịch, là sự kiện chuyên đề du lịch, nên chúng tôi đã đề nghị và được phép, tên của năm vẫn là “Visit Thái Nguyên Year”- Chủ đề là “Về thăm Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc”. Năm 2008 là Năm Du lịch về thăm miệt vườn sông nước Cửu Long - “Visit Mekong Delta Year”- Can Tho 2008. Tôi không đề cập đến các năm du lịch sau này, khi mà mình đã không tham gia công việc của ngành nữa. Đến nay tổ chức năm du lịch chuyên đề, thường niên đã hơn chục năm rồi, theo tôi đã đến lúc ngành Du lịch nên đề nghị Chính phủ cho phép chuẩn bị Năm Du lịch Việt Nam lần thứ hai “Visit Vietnam Year 2025”, chẳng hạn.
TS. Phạm Từ
*Nguyên Phó Tổng cục trưởng TCDL
Ủy viên Ban Cán sự Đảng
Ủy viên Đảng ủy Khối Các cơ quan TW
Bí thư Đảng ủy cơ quan TCDL
Chủ nhiệm Chương trình Hành động quốc gia về du lịch
Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2020