Bộ VHTTDL phát triển công tác truyền thông, báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn
Hội nghị “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” đã diễn ra sáng 25/6 tại Hà Nội. Hội nghị đã đánh giá thực trạng công tác truyền thông; tính hiệu quả của mô hình tổ chức truyền thông của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) hiện nay, qua đó đề xuất kế hoạch, phương thức truyền thông trong và sau bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu đề dẫn, định hướng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh dich bệnh là nỗ lực của Bộ VHTTDL để ghi nhận được những ý kiến đóng góp nhằm giúp Bộ có thêm kinh nghiệm để lãnh đạo các cơ quan báo chí của Bộ hoạt động đúng mục đích và đảm bảo những yêu cầu trong bối cảnh mới đặt ra. Đặc biệt, qua Hội nghị để nhìn nhận lại công tác báo chí, xác nhận lại những nhiệm vụ đặt ra đối với công tác truyền thông của Bộ cũng như các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ. Hội nghị cũng là dịp để các cơ quan báo chí của Bộ nhìn nhận một cách thấu đáo những bất cập, khó khăn, từ đó có những kiến nghị xác đáng đối với các cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở đó cùng nhau bàn thảo và tháo gỡ.
Bộ trưởng cho rằng, báo chí và công tác truyền thông được xác định là công cụ tư tưởng văn hóa, vì vậy trong quá trình phát triển, thực hiện nhiệm vụ, Bộ VHTTDL rất cần những kinh nghiệm về Quản lý báo chí từ các cơ quan khác… Qua đó sẽ góp thêm cho Bộ VHTTDL có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá để lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc Bộ và định hướng truyền thông đúng mục đích, đảm bảo chức năng, tiêu chuẩn…
“Không chỉ là chúng ta nói về mình mà phải nhìn nhận một cách tổng thể về cách truyền thông của Bộ VHTTDL trong 5 năm tới. Đó là những việc cần thiết phải làm, phải nhìn nhận, phải đặt ra… Trong đó, cần phải xác định đưa những thông điệp gì tới nhân dân? Làm sao để lan tỏa được những giá trị cốt lõi của Văn hóa tới công chúng? Vì văn hóa là nội lực, là sức mạnh nội sinh như lời căn dặn của Bác Hồ: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Chính vì vậy, các cơ quan lãnh đạo báo chí, các nhà báo lớn có nhiều kinh nghiệm chia sẻ cho chúng tôi những kinh nghiệm hay, những gợi mở sáng tạo, hướng kết nối làm báo đa phương tiện và truyền thông như thế nào… để chúng tôi lan tỏa những giá trị tốt đẹp mà văn hóa mang lại; những kỳ vọng mà Đảng và Nhà nước đang đặt lên trên vai của Bộ VHTTDL” – Bộ trưởng bày tỏ.
Sau hội nghị, Bộ VHTTDL sẽ có Đề án xây dựng và phát triển công tác báo chí theo hướng truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn.
Cần phải minh bạch và kịp thời thông tin
Bày tỏ quan điểm tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Quang Lợi cho rằng, báo chí là bộ phận của văn hóa. Văn hóa chính là môi sinh, dưỡng chất của báo chí. Văn hóa – Báo chí là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó. Các nhà báo vừa làm nhiệm vụ truyền tải thông tin vừa làm nhiệm vụ lan tỏa ánh sáng văn hóa. Báo chí chỉ có thể thực hiện và làm tốt được nhiệm vụ của mình khi lan tỏa giá trị của văn hóa.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí trong lĩnh vực VHTTDL trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ đặc biệt giữa Bộ VHTTDL với giới báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam. Bộ VHTTDL hãy coi báo chí là lực lượng của mình, vì báo chí là một bộ phận của văn hóa; Bộ VHTTDL nên sử dụng một cách trực tiếp hơn và mạnh mẽ hơn nữa. Để làm được điều này, Bộ VHTTDL phải xác lập cơ chế thông tin mở, thật phù hợp theo phương châm minh bạch. Nếu cơ chế này hoạt động tốt thì tin giả sẽ không có đất “sống” trong lĩnh vực VHTTDL.
Lý giải điều này ông Lợi cho rằng, nếu chúng ta không minh bạch thông tin thì sẽ tạo khoảng tối để tin giả “hoành hành” và sẽ rất tốn nguồn lực để chạy theo giải thích, xử lý. Trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia thì cần phải giữ. Tuy nhiên, càng minh bạch thông tin càng tốt, chỉ có như vậy thông tin được truyền tải trên mặt báo mới đạt hiệu quả truyền thông.
Bên cạnh đó, ông Lợi cũng cho rằng, bộ phận thường trực truyền thông báo chí của Bộ cần phải phát huy hơn nữa, xác định rõ hơn những nội dung cần thông tin, và cần thông tin kịp thời cho báo chí. Trước mắt là những chủ trương, chính sách, các biện pháp phát triển Ngành. Trong đó có các hoạt động trực tiếp là việc lớn của Bộ, kế hoạch, chương trình, dự định của Bộ định làm trong các lĩnh vực VHTTDL. Khi xây dựng chính sách, thực hiện chính sách và công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện, kết quả thực hiện ra sao, có đạt yêu cầu hay chưa?... cả quá trình đó cũng cần phải cung cấp thông tin để báo chí đồng hành cùng nhằm khích lệ những cái hay, cái đẹp. Đặc biệt quan tâm đến khía cạnh phê bình, phản biện, kịp thời cung cấp cho báo chí những thông tin về kết quả, thành tựu, nhân tố mới, những điển hình tiên tiến theo tinh thần, ‘lấy cái đẹp, dẹp cái xấu’, ‘lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực’.
“3 lĩnh vực của Bộ VHTTDL rất hấp dẫn báo chí. Nếu tờ báo nào khai thác tốt cả 3 lĩnh vực này sẽ có sức hút lớn đối với độc giả. Do đó, việc kịp thời thông tin cho báo chí sẽ góp phần quảng bá, tuyên tryền tốt nhất những hoạt động đã làm. Thực tế những hoạt động Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, điều hành triển khai rất tốt nhưng tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả như thành tựu đã đạt được. Thời gian tới, Bộ VHTTDL cần phải làm tốt việc cung cấp các chất liệu, nguồn thông tin này cho báo chí” – ông Lợi đề xuất.
Bên cạnh những đề xuất về tiến độ và nguồn tin, ông Lợi cũng cho rằng, lĩnh vực nghệ thuật đang gặp khó khăn, cần tăng cường quảng bá nghệ thuật đích thực, quảng bá giá trị văn hóa để lan tỏa ra đời sống nhằm tránh bị xô lệch về luồng thông tin tốt – xấu. Báo chí của Bộ cần bổ sung thêm nhiều bài viết về các gương mặt nghệ sỹ xuất sắc, vận động viên có thành tích cao, điển hình. Những vấn đề nóng, bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm dẫn tới khủng hoảng nhận thức và khủng hoảng truyền thông cần phải được xử lý kịp thời, đánh giá, nhận xét rõ ràng… “Việc xử lý phải mạnh mẽ, quyết liệt và nhanh hơn nữa trước sự phát triển mạnh mẽ của MXH và không gian mạng xuyên biên giới. Chúng ta cần kịp thời đáp trả, ngăn chặn để xử lý dứt điểm” – ông Lợinhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, tại Hội nghị nhiều đại biểu gợi ý Bộ VHTTDL nên có sự thay đổi để có cơ chế kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí. Để đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo, Phòng Truyền thông nên là đầu mối nhận tin, bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, kịp thời kết nối với các Cục, Vụ… chức năng để có những thông tin chính thống, chuẩn mực.
Các đại biểu cũng cho rằng, truyền thông bao giờ cũng có tính hai chiều, tương tác. Muốn lan toả được hình ảnh mà chỉ gói gọn trong “người nhà” gồm Phòng Truyền thông và các cơ quan báo chí của Bộ không thôi thì không thể phát huy được hiệu quả. Rất cần sự kết nối với các cơ quan báo chí ngoài Bộ, nhất là những tờ báo lớn, có nhiều người đọc. Tuy nhiên, để có sự kết nối này thì các đơn vị truyền thông trong Bộ cần phát huy hơn nữa tính chủ động, nhanh nhạy. Thực tế thời gian qua, có nhiều vấn đề khi các báo đã khai thác, đưa thông tin theo các nguồn tin riêng khá lâu thì truyền thông của Bộ vẫn chưa kịp thời lên tiếng. Điều này có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song là một thực tế cần khắc phục.
Liên quan đến vấn đề nhanh nhạy, kịp thời, Tổng Biên tập Báo Văn hóa Chu Thị Thu Hằng đề xuất, “Truyền thông, báo chí của Bộ cũng phải tập hợp thành một “binh chủng” mạnh mẽ, thống nhất, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Cần thiết có thể thành lập một bộ phận “tác chiến” bao gồm nhiều nhà báo có chuyên môn, có kinh nghiệm từ các cơ quan báo chí trong Bộ, thậm chí ngoài Bộ để ứng chiến kịp thời những vấn đề “nóng”, cung cấp thông tin chính thống cho báo bạn”.
Phải chọn sự ưu tiên và có sự đo đếm
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục báo chí Nguyễn Thanh Lâm đánh giá cao việc tổ chức hội nghị này của Bộ VHTTDL. Hội nghị thể hiện sự quan tâm và cầu thị trong truyền thông báo chí của Bộ. “Đây cũng chính là hành động của Bộ khi chìa ra cánh tay đầu tiên mong muốn sự hợp tác, trao đổi và giúp đỡ để đưa hoạt động của ngành đạt hiệu quả tốt hơn. Đây cũng thể hiện sự quyết tâm của Bộ VHTTDL” – ông Lâm nhìn nhận.
Nhìn từ góc độ quản lý báo chí, từ Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lâm nhấn mạnh, hiện nay đã có nhiều sự chuyển biến từ truyền thông thực sang truyền thông số. Riêng trong ngành văn hóa, xu hướng hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tổ chức sự kiện, thể thao cũng đã có sự chuyển biến tích cực từ thực sang số như thể thao điện tử, triển lãm online… Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rộng hơn về không gian hoạt động truyền thông số để từ đó bàn bạc đến việc ứng xử trên không gian mạng, tiếp đó mới bàn tới câu chuyện truyền thông số. Nếu chỉ nhìn nhận ở góc độ phát ngôn thì chưa đầy đủ. Để nắm bắt được các vấn đề này rõ hơn, chúng ta không thể làm một cách cảm tính mà cần phải có lộ trình và chiến lược rõ ràng.
Hiện nay trên không gian mạng có những công cụ có thể quét, đo đếm thông tin. Do đó, không nên chỉ quan tâm quá sâu vào 1-2 bài báo vì chỉ như vậy không đạt được độ tương tác, không tạo được hiệu ứng sâu. Để truyền thông trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, Bộ VHTTDL cần phải chọn sự ưu tiên và phải có sự đo đếm, quản lý theo số lớn, điều chỉnh theo xu hướng lớn. Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí đang tham gia việc điều chỉnh thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19, bản chất là để điều chỉnh tỷ lệ các thông tin như ‘hoang mang’ chiếm bao nhiêu % trong thông tin báo chí trên không gian mạng. Nếu để công chúng ‘hoang mang’ với thông tin sẽ dẫn tới những hành động cực đoan, tiêu cực. Đối với Bộ VHTTDL cũng nên có những công cụ đo đếm lượng thông tin văn hóa trên không gian mạng để có thể kịp thời hiệu chỉnh, điều chỉnh cho phù hợp.
Theo Cục trưởng Cục Báo chí, “Có rất nhiều vấn đề tưởng là nóng, bức xúc là phải phản ứng ngay nhưng do thuộc tính của không gian mạng đến và đi nhanh đến mức không ngờ, do đó nhiều khi không cần phải ứng xử nhanh quá! Nếu không sẽ mất lực để xử lý vấn đề đó”. Vậy nên chăng cần phụ thuộc từng sự việc để có cách ứng xử cho hài hòa nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao.
Đối với công tác phát ngôn: Cần được bồi dưỡng những kỹ năng để phát ngôn, kiểm soát phát ngôn trên không gian mạng; Hình thức, phương thức phát ngôn với cơ quan báo chí. Trong đó, Bộ VHTTDL cũng phải sắp xếp, kiểm soát được thông tin báo chí. Cụ thể, tại những hội nghị nên bố trí phóng viên được phép dự những phần nào, những thông tin nào được công bố, phát ngôn, đăng tải… Và chọn hình thức cung cấp thông tin cho phù hợp như thông cáo báo chí, tài liệu báo chí… để tránh những phát ngôn làm ảnh hưởng tới hình ảnh Ngành. Đặc biệt, Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh, để tạo sự quan tâm của độc giả, Bộ VHTTDL “Khi cung cấp thông tin báo chí cũng nên chọn điểm ‘rơi’ và phù hợp hoàn cảnh để tạo hiệu ứng tốt cho thông tin”.
Ngành VHTTDL cần có chiến lược đưa nền văn hóa Việt Nam trên không gian mạng và nền tảng xuyên biên giới. Tức là phải có sự xuất hiện mạnh hơn nữa, niều hơn nữa và đáp ứng “luôn sẵn sàng”. Lý giải đề xuất này ông Lâm dẫn chứng, hiện nay trên smart TV đã có sự dọn sẵn cho không gian mạng xuyên biên giới được thể hiện qua các nút truy cập MXH… do đó, Bộ VHTTDL cũng cần nghiên cứu vấn đề này. “Chúng ta cần phải làm sao để bày sẵn cho khán giả thấy được chúng ta thay bằng phải đi tìm từ rất nhiều những chiếc điều khiển” – ông Lâm gợi ý.
Tại Hội nghị Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông của Bộ nhìn nhận, định vị lại và xây dựng chiến lược truyền thông trong bối cảnh mới nhằm nâng cao vị thế của Ngành. Để nâng cao chất lượng truyền thông cho Ngành, Bộ trưởng yêu cầu, thời gian tới, các cơ quan thuộc Bộ cần Xây dựng đội ngũ công tác làm truyền thông tốt; đào tạo những nhà báo có năng lực để có những tác phẩm mang tính định hướng cho các cơ quan báo chí khác tham khảo, dẫn nguồn…; Phát huy vai trò thế mạnh của đội ngũ văn nghệ sỹ trong việc sử dụng MXH, không gian mạng để đưa thông điệp mang giá trị chân, thiện, mỹ phù hợp với văn hóa Việt Nam; Phòng truyền thông cần lĩnh hội và điều chỉnh cho phù hợp, tránh hành chính hóa; bộ phận tài chính nghiên cứu các nguồn lực, huy động cho báo chí truyền thông đúng thời điểm; Các cơ quan báo chí cần phát huy nội lực trong kinh tế báo chí…
Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, chiến lược truyền thông cho văn hóa cần cụ thể, có tính khả thi cao, đi thẳng vào những vấn đề lớn, xây dựng đề án phải tổ chức được, cần tổ chức diễn đàn văn hoá toàn dân. Đặc biệt lĩnh vực du lịch, cần có chiến lược truyền thông trong 5 năm tới nhằm khắc phục hậu quả bởi đại dịch. Trong đó, ưu tiên truyền thông làm mới sản phẩm, mỗi tỉnh một sản phẩm và truyền thông sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách. Công tác truyền thông du lịch cần phải tập trung cho số hóa du lịch, bản đồ du lịch số để du khách nắm được, cập nhật kịp thời. Nên đẩy mạnh truyền thông hạ tầng du lịch, sự đồng bộ của hạ tầng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
|
Đoàn Hoa
Ảnh: Minh Khánh