Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2023, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, xung đột xảy ra ở một số khu vực. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu phục hồi ở mức gần 90% so với thời điểm trước dịch, tuy nhiên khu vực châu Á phục hồi chậm nhất, chỉ đạt mức 62%. Tình hình kinh tế - xã hội trong nước có xu hướng phục hồi tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cùng toàn ngành đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Những nỗ lực của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đóng góp vào thành công chung của ngành Du lịch trong năm 2023, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch năm 2023.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đồng thời cho biết, Hội nghị tổng kết có ý nghĩa quan trọng nhằm phân tích đánh giá những kết quả đạt được; đề xuất, chia sẻ về những giải pháp mới; đưa ra phân tích, dự báo tình hình du lịch trong nước, quốc tế… Từ đó, thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2024, đưa du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã trình bày báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung vào công tác tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách. Đáng chú ý, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành, trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết về thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ và nâng thời hạn tạm trú cho các nước được miễn thị thực đơn phương lên 45 ngày. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã tham mưu Lãnh đạo Bộ báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chủ trì 2 hội nghị lớn về du lịch là Hội nghị toàn quốc về du lịch ngày 15/3/2023 và Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15/11/2023. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng và báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ sau khi ban hành; triển khai tốt các nhiệm vụ chuyên môn trong công tác quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú. Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hợp tác quốc tế; triển khai có hiệu quả hoạt động truyền thông và chuyển đổi số trong du lịch. Thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ. Tính đến hết năm 2023, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 1.027 doanh nghiệp so với năm 2022; có 37.331 hướng dẫn viên (HDV) du lịch đã được cấp thẻ, trong đó có 21.576 HDV quốc tế, 13.880 HDV nội địa, 1.875 HDV tại điểm; có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với 780.000 buồng, trong đó có 247 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 80.896 buồng và 368 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 50.716 buồng.
Cũng theo Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu, năm 2024, ngành Du lịch phấn đấu thực hiện mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yêu cẩu Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khắc phục. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách. Chủ động rà soát, phát hiện các điểm nghẽn, bất cập để điều chỉnh các cơ chế chính sách; rà soát các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch... Xây dựng quy chế hoạt động để phát huy sức mạnh tổng thể. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt để phục vụ hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch… Tập trung rà soát, đánh giá cán bộ; xây dựng cơ chế quản lý, giám sát cán bộ theo sản phẩm, hiệu quả công việc hoàn thành”.
Thanh Hoàng