Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN và các nước trong khu vực; Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; Lãnh đạo Sở quản lý du lịch một số địa phương; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các chuyên gia du lịch; các tập đoàn, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn; cơ quan báo chí, truyền hình...
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi và sẽ đạt được khoảng 90% so với mức trước đại dịch vào cuối năm nay. Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng ngành du lịch thế giới có khả năng phục hồi hoàn toàn từ năm 2024 trở đi. Tuy nhiên, khu vực ASEAN được cho là phục hồi chậm hơn do chịu tác động nặng nề từ đại dịch cũng như ảnh hưởng từ các thị trường nguồn mở cửa lại du lịch chậm hơn. Thống kê năm 2022, các nước thành viên ASEAN đã đón 43 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chỉ phục hồi 30% so với mức năm 2019.
Trước bối cảnh này, ngành du lịch ASEAN đã tăng cường hợp tác vì sự phát triển bền vững và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Hai năm vừa qua, ASEAN đã ban hành nhiều chính sách mới như Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021- 2025; Kế hoạch Phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19; Khung phát triển du lịch bền vững giai đoạn sau COVID-19… Ngành du lịch ASEAN cũng đã triển khai dự án “Phát triển du lịch lễ hội ASEAN” với kỳ vọng góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh kết nối điểm đến nội khối và nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực. Du lịch Việt Nam tham gia đóng góp tích cực cho các hoạt động hợp tác du lịch trong khuôn khổ ASEAN và hiện đang là điều phối chính dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội ASEAN”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trình bày tham luận “Tổng quan về du lịch lễ hội ASEAN và những vấn đề đặt ra để phát triển du lịch lễ hội khu vực ASEAN” và đề xuất các giải pháp để phát triển hiệu quả du lịch lễ hội cho ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Các đại biểu đồng thời được chia sẻ tham luận “Phát triển du lịch lễ hội - kinh nghiệm của Thừa Thiên Huế”; “Giải pháp hợp tác giữa các nước ASEAN thu hút khách du lịch lễ hội”; “Xây dựng điểm đến lễ hội và sự kiện - kinh nghiệm của Đà Nẵng”; “Xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội, tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam”.
Trong phiên thảo luận, các diễn giả, đại biểu đã thảo luận, chia sẻ quan điểm về kinh nghiệm quốc tế, những xu hướng mới dành cho du lịch lễ hội; nắm bắt các cơ hội để đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lễ hội, tạo ra tính đặc trưng và nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến. Các đại biểu đồng thời kiến nghị giải pháp, định hướng vai trò của các bên liên quan để quản lý và khai thác du lịch lễ hội hiệu quả, đảm bảo phát triển du lịch song hành với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá - di sản theo hướng bền vững. Đặc biệt, Hội thảo đã đưa ra khuyến nghị để xúc tiến ASEAN trở thành một điểm đến lễ hội, có khả năng kết nối khu vực và đa dạng hoá các tour du lịch.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã chia sẻ thông tin về việc Việt Nam xác định du lịch văn hóa là một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu, trong đó, lễ hội là một trong những sản phẩm bổ trợ nổi bật và hấp dẫn, nâng cao trải nghiệm của du khách tại Việt Nam. Thông qua các lễ hội truyền thống và đương đại đã khai thác thành công, tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam, có khả năng kết nối đa dạng hoá các tour du lịch. Điều này góp phần dưa du lịch văn hóa trở thành yếu tố quyết định trong việc tạo nên kết quả ấn tượng trong năm 2023, giúp Việt Nam, phục hồi 70% so với cùng kỳ năm 2019.
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định, khu vực ASEAN với nền văn hoá vừa có nét tương đồng vừa mang vẻ đẹp độc đáo. Các quốc gia thành viên ASEAN có cấu trúc dân tộc đa dạng, lưu giữ phong tục, tập quán mang bản sắc riêng. Cùng với hệ thống lễ hội truyền thống và đương đại phong phú, văn hoá ẩm thực đặc sắc… là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, có thể được khai thác để trở thành sản phẩm thế mạnh, tạo ra sự khác biệt của hình ảnh điểm đến khu vực.
“Hội thảo về du lịch lễ hội là một chủ đề quan tâm của các nước thành viên, nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tạo điều kiện kết nối điểm đến khu vực và xúc tiến ASEAN như một điểm đến chung. Hội thảo sẽ tiếp thu chia sẻ từ các cơ quan du lịch quốc gia trong ASEAN và ngoài khu vực, từ các cơ quan quản lý du lịch địa phương của Việt Nam. Để cùng rút ra những bài học, kinh nghiệm cho các hoạt động quy hoạch, khai thác lễ hội trong du lịch, thu hút nhiều du khách hơn nữa trong tương lai. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN nghiên cứu, kết nối tour du lịch lễ hội trong khu vực để tăng cường thu hút khách quốc tế, quảng bá ASEAN như một điểm đến chung bền vững, hướng đến hiện thực hoá slogan du lịch ASEAN - Điểm đến của mọi giấc mơ” - Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Gia Khôi