Vai trò của việc xây dựng HTTT du lịch số
Thông tin du lịch là một trong những yếu tố quan trọng nhất của hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch. HTTT du lịch bao gồm thông tin đa dạng về các cơ hội du lịch khác nhau và cho phép mọi người lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của cá nhân một cách thuận tiện nhất. HTTT du lịch sẽ cung cấp thông tin về tất cả các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ, cho thấy tiềm năng du lịch, tiện nghi, thậm chí cả chi phí du lịch của một điểm đến hay một địa bàn du lịch. HTTT du lịch thường bao gồm trang web và trung tâm/đại lý du lịch, giúp du khách có thể lựa chọn các loại hình du lịch mà mình muốn.
Trong môi trường truyền thống, HTTT du lịch được hiểu là tập hợp các cơ quan thông tin trong ngành Du lịch tác động qua lại để tổ chức, quản lí và trao đổi thông tin cho nhau. Dữ liệu của hệ thống là các thông tin du lịch được tổ chức thống nhất, được phân thành nhiều cấp từ trên xuống dưới và chuyển từ dưới lên trên, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông tin du lịch phong phú, đáp ứng nhu cầu tin của người dùng tin du lịch [Phan Thị Huệ, 2017].
Trong giai đoạn chuyển đổi số, khái niệm về HTTT du lịch được phát triển lên một tầm cao hơn là HTTT du lịch số. Đây là tập hợp của các phân hệ với các chức năng khác nhau trong cùng một hệ thống, được thiết kế và vận hành để thực hiện các mục tiêu về thu thập, xử lý, lưu trữ và phổ biến các cơ sở dữ liệu số về du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu về tìm kiếm thông tin của du khách thông qua các thiết bị điện tử hiện đại và hỗ trợ việc quản lý các thông tin du lịch của các cơ quan chức năng.
Trên thế giới, nhiều quốc gia hiện đang sử dụng HTTT du lịch số kết hợp với hệ HTTT địa lý để quảng bá sản phẩm dịch vụ và hoạt động du lịch như: bản đồ dựa trên web tương tác, đại lý thông tin du lịch, bản đồ 3D về địa điểm du lịch, phân tích khách hàng hiện tại và tiềm năng, phân tích địa điểm cho các điểm tham quan mới và các tuyến xe buýt… Bên cạnh đó, có rất nhiều công ty đang sản xuất phần mềm, ứng dụng và hỗ trợ đặc thù cho ngành này [Evrim Çelte, 2020].
Quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu trong HTTT du lịch số ở Việt Nam
Trong HTTT du lịch số, việc tạo lập và phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin số về du lịch là yêu cầu quan trọng nhất, quyết định sự thành công của hệ thống. CSDL trong HTTT du lịch số bao gồm các thông tin, dữ liệu về khách hàng; sở thích, thói quen du lịch; các cơ quan, đại lý/trung tâm du lịch; cơ quan quản lý du lịch tại các địa phương; điểm đến; cơ sở lưu trú; thực phẩm và công nghệ thông tin phục vụ du lịch và các thông tin khác có liên quan đến lĩnh vực du lịch.
Khi xây dựng HTTT cần phải nắm bắt được dòng thông tin vào và ra của hệ thống. Dòng thông tin được hiểu là sự vận động, sự di chuyển thông tin từ vị trí này đến vị trí khác trong hệ thống. Dòng thông tin của hệ thống thông tin du lịch bao gồm luồng thông tin vào và luồng thông tin ra. Việc xây dựng CSDL số về du lịch thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Xác định và xây dựng dữ liệu số về du lịch trong HTTT du lịch số
Trong bước này, cần thu thập tất cả dữ liệu về tự nhiên, văn hóa và kinh tế xã hội liên quan đến lĩnh vực du lịch để tạo thành một hệ CSDL bao quát. Các CSDL này được chuyển vào máy tính bằng máy quét và máy số hóa để tạo thành khung của HTTT du lịch số. Các phần mềm cần thiết được sử dụng để tất cả dữ liệu văn bản, hình ảnh, đồ họa… chuyển thành một hệ thống có thể cung cấp một truy vấn trên internet. Thiết lập hệ thống này bằng cách liên kết phần mềm - phần cứng và máy khách - máy chủ. Trong đó, phần cứng chứa máy chủ, PC, số hóa, máy quét, máy ảnh kỹ thuật số; phần mềm chứa ArcView để kết nối dữ liệu trong hệ thống thông tin địa lý, ArcView IMS (Internet Map Server) để phát dữ liệu trên internet. Cần chuẩn bị thêm một phần mềm dành cho khách du lịch truy vấn thông tin và một phần mềm cung cấp cho khách du lịch sử dụng HTTT du lịch dễ dàng nhất và nhanh nhất bằng các biểu tượng và dấu hiệu.
Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang xây dựng CSDL số về thị trường khách du lịch trên cơ sở liên thông về cơ sở dữ liệu cũng như sản phẩm, dịch vụ du lịch từ trung ương đến địa phương; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong kinh doanh du lịch; đồng thời triển khai nghiên cứu xây dựng một số sản phẩm du lịch thông minh chủ lực trên cơ sở ứng dụng những công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn dạng số hóa (Big data), vạn vật kết nối (IoT)...; và chuyển dần hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch từ môi trường truyền thống sang môi trường số, đẩy mạnh hoạt động tiếp thị số (e-marketing) du lịch.
Bước 2: Thiết kế các phân hệ chức năng của HTTT du lịch số
Chức năng của HTTT du lịch số là xử lí thông tin du lịch, nói một cách khác đó chính là quy trình xử lý dữ liệu từ yếu tố đầu vào đến cung cấp thông tin là yếu tố đầu ra. Chính vì vậy, chức năng của hệ thống sẽ bao gồm 4 module chính như sau:
Module thu thập thông tin: Chức năng của module này là đảm bảo đầu vào của hệ thống phù hợp với nhu cầu thông tin của khách du lịch. Hiện các thông tin về du lịch được tạo lập và chia sẻ nhiều trong môi trường điện tử. Chính vì vậy, việc xây dựng module thu thập thông tin cần tính tới tính năng gặt hái dữ liệu với các thuật toán phù hợp. Cần triển khai liên kết và kết nối các dữ liệu về điểm đến du lịch, thời tiết, ẩm thực, văn hóa bản địa, xã hội và dân cư, sản phẩm dịch vụ du lịch đặc thù của điểm đến… Trong những năm gần đây, Google đã kết hợp với hơn 2.500 bảo tàng nghệ thuật để số hóa các phiên bản có độ phân giải cao của hàng triệu tác phẩm nghệ thuật, giúp công chúng được tiếp cận với nhiều tác phẩm có giá trị mà không cần phải tới tận bảo tàng. Công nghệ số cũng tạo ra hàng loạt tour thực tế ảo độc đáo tưởng chừng như khó có thể thực hiện như leo núi ảo, khám phá thế giới hoang dã, thủy cung và thậm chí là du hành ngoài không gian.
Module xử lý thông tin: Đây là module đảm bảo độ tin cậy của thông tin. Thông tin được xử lý cả về hình thức và nội dung sau đó sắp xếp hoặc phân chia thành nhóm theo yêu cầu và được lưu trữ trên các vật mang tin khác nhau, tạo ra các sản phẩm thông tin khác nhau. Ví dụ: thông tin về các điểm đến sẽ thể hiện dưới dạng hình ảnh 3D, trực quan; thông tin về thời tiết cần được tích hợp với dữ liệu khí tượng địa phương để cập nhật liên tục; thông tin về sản phẩm dịch vụ du lịch sẽ được đánh giá thông qua các phản hồi từ trải nghiệm của khách hàng đi trước… Trong năm qua, với công nghệ hiện đại, dù chỉ cần ngồi tại nhà, mở các trang web của The New York Times, AirPano, Google và Panoramas…, du khách cũng có thể tham quan bảy kỳ quan mới của thế giới như Vạn Lý Trường Thành, thành phố cổ Petra, đền Taj Mahal, Đấu trường La Mã, Machu Picchu…
Module lưu trữ thông tin: Module này đảm bảo việc sắp xếp, tổ chức, bảo quản, lưu trữ thông tin trong hệ thống theo phương thức số. Đối với chức năng lưu trữ thông tin số, HTTT có thể sử dụng bộ nhớ trên các máy chủ hoặc lưu trữ trực tuyến song cần đảm bảo các yếu tố về an toàn. Cần có sự tổ chức, sắp xếp thông tin về các loại hình, dịch vụ du lịch một cách khoa học và thuận tiện để có thể truy xuất thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất.
Module chia sẻ thông tin: Chức năng chính của module này là đảm bảo việc truyền đạt thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Với thời đại của dữ liệu lớn, việc chia sẻ thông tin thông qua sự kết nối với các ứng dụng mạng xã hội và các cổng thông tin điện tử khác nhau là điều vô cùng cần thiết. Cần thiết kế các giao thức kĩ thuật để có thể chia sẻ thông tin du lịch số trong cùng một hệ thống và trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau.
HTTT du lịch cần có sự điều khiển hoạt động nhịp nhàng, tương thích với nhau giữa các module. Nếu hoạt động của một module bị trục trặc hay rối sẽ dẫn tới nguy cơ đình trệ sự vận hành của toàn hệ thống.
Bước 3: Thiết kế quản lý, điều khiển hệ thống
Ở HTTT du lịch truyền thống được quản lý và vận hành bởi các bộ phận chức năng từ trên xuống dưới: cơ quan thông tin du lịch cấp trung ương - cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - cấp đơn vị cơ sở. Các cơ quan thông tin du lịch liên kết, chia sẻ, trao đổi thông tin cho nhau; mỗi đơn vị chủ động trong việc thu thập, xử lý và khai thác thông tin trong phạm vi của mình, đồng thời tập hợp, xây dựng nguồn lực thông tin trong toàn Ngành. Ở HTTT du lịch số, chức năng quản lý và điều khiển được tự động hóa với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Các sản phẩm thông tin hiện đại sau khi phát hành được truyền về trung tâm tích hợp dữ liệu của Ngành thông qua hệ thống mạng. Để thực hiện việc quản lý, điều khiển hệ thống tự động này, cần lưu ý các vấn đề về phân quyền trong hệ thống và đảm bảo các yếu tố về an toàn dữ liệu.
Bước 4: Chiến lược truyền thông, tiếp thị thông tin của HTTT du lịch số
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), hiện nay khách du lịch đã bước sang một giai đoạn mới gọi là du lịch kết nối. Trong đó, khách du lịch chủ động tìm điểm đến, tìm tour, khách sạn, đặt vé máy bay và các dịch vụ liên quan. Khách cũng chủ động đăng bình luận, đánh giá về khách sạn, tour, chất lượng dịch vụ trong hành trình. Đánh giá này được người đi sau tin cậy hơn thông tin từ các hãng chuyên khảo sát, xếp hạng, đánh giá du lịch chuyên nghiệp…
Trong bối cảnh COVID - 19, phát triển HTTT du lịch số phải kết hợp với các mạng xã hội để truyền thông, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch. Trong đó, các nền tảng như Google, Facebook, Twitter, Zalo… là phương thức hiệu quả quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam an toàn. Bên cạnh đó, có thể tận dụng ngay mạng xã hội hay các kênh trực tuyến khách để lập các group, fanpage chia sẻ các kinh nghiệm du lịch hay chương trình tặng quà, khuyến mãi để kích thích nhu cầu của khách du lịch một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.
Thông qua HTTT du lịch số có thể tìm kiếm danh sách khách hàng sau đó lập chiến dịch quảng cáo bằng SMS, email, chat để tiếp thị du lịch; truy cập vào các diễn đàn, nhóm, blog để tìm kiếm các những người thường đặt ra câu hỏi về các chuyến đi tour như Tripadvisor, vatgia, google hỏi đáp,… kích thích khách hàng bằng cách giới thiệu, nhắc nhở hoặc áp dụng các chiến dịch khuyến mãi để kích cầu du lịch trong đại dịch.
Ở Việt Nam hiện có gần 45 triệu người sử dụng điện thoại thông minh, hơn 68,17 triệu người dùng internet, khoảng 65 triệu người dùng mạng xã hội và 145,8 triệu thuê bao di động [Hootsuite, 2021]. Điều này tạo tiền đề cho việc thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các ngành, đặc biệt là ngành Du lịch. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong 50 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, với nền kinh tế số chiếm 20% GDP đến năm 2025. Đây là hành lang quan trọng và hỗ trợ cho các ngành kinh tế nói chung, ngành Du lịch nói riêng đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin du lịch số nhằm bắt kịp xu thế của thời đại.
|
Giải pháp xây dựng và phát triển HTTT du lịch số ở Việt Nam
Để HTTT du lịch hoạt động có hiêu quả, việc cần phải làm là lựa chọn và sử dụng một chuẩn nghiệp vụ thông tin, phần mềm tư liệu thống nhất trong toàn hệ thống ngành Du lịch, đồng thời xây dựng cơ chế tổ chức và hoạt động của hệ thống; đào tạo, bồi dưỡng trình độ cán bộ thông tin, quan tâm đến các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống như: con người, chính sách thông tin quốc gia; chủ trương phát triển du lịch, nhu cầu tin du lịch; và các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông… Cụ thể như sau:
Về cơ chế chính sách: tạo điều kiện thích hợp cho việc tiếp nhận công nghệ, ủng hộ phát triển HTTT số trong toàn ngành Du lịch; tạo ra các khuôn khổ pháp lý bảo vệ lợi ích chính đáng của chủ doanh nghiệp và khách hàng, đồng thời tạo niềm tin, sự tin tưởng vào bảo mật và quyền riêng tư của dữ liệu.
Về các yếu tố xã hội: nguồn nhân lực phải luôn được đào tạo sẵn sàng, có khả năng tiếp cận và nhận thức về các công nghệ khác nhau cũng như các cơ hội để nâng cao kỹ năng và phát triển kỹ năng mới.
Về phân tích hành vi và thói quen du lịch: khảo sát và tiến hành liên tục để cập nhật các CSDL mới về khách hàng, nắm bắt tâm lý du khách và đồng thời phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù để phát triển cho từng điểm đến.
Về công nghệ thông tin và truyền thông: phát triển các nền tảng tương tác và theo yêu cầu, mạng xã hội và hệ thống thông tin địa lý nhằm thúc đẩy những thay đổi mang tính chuyển đổi trong nhu cầu của khách hàng và sở thích của người tiêu dùng… HTTT số về du lịch phải cung cấp thông tin hữu ích và có giá trị cho người dùng. Nội dung, chất lượng dữ liệu và cách trình bày phải phù hợp, dễ sử dụng và đáp ứng nhu cầu của du khách. Để quản lý, vận hành và điều khiển tốt HTTT du lịch số cũng cần có cơ chế, chính sách, chỉ đạo thống nhất từ các cơ quan từ Trung ương tới địa phương. Có như vậy, HTTT du lịch số mới phát huy hết được các tính năng và hiệu quả trong quá trình phục vụ nhu cầu khách hàng mong muốn tìm kiếm thông tin.
COVID-19 đã và đang gây tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng HTTT du lịch số càng khẳng định vai trò nổi bật trong việc thay đổi thói quen tiếp cận thông tin của du khách, đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội và an toàn sức khỏe, đồng thời tiếp thị, quảng bá được hình ảnh của điểm đến Việt Nam an toàn.
Tài liệu tham khảo:
1. Ana Paula Camarinha , J. V. de Carvalho et al. (2021). A Content Analysis of Social Media in Tourism during the Covid-19 Pandemic, ICOTTS 2020, SIST 208, pp. 532–546, https://doi.org/10.1007/978-981-33-4256- 9_49
2. Evrim Çelte (2020). Handbook of Research on Smart Technology pplications in the Tourism Industry, IGI Global, United States of America, ISBN 9781799819905
3. Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Thị Thúy Vân (2019). Mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh, Tạp chí Khoa học – Đại học Huế: Khoa học Xã hội Nhân văn, tập 128, số 6D, tr. 17–35
4. Phan Thị Huệ, (2017). Xây dựng mô hình hệ thống thông tin du lịch Việt Nam, Tạp chí Du lịch Việt Nam. Truy cập tại: http://www.vtr.org.vn/xay-dung-mo-hinh-hethong-thong-tin-du-lich-viet-nam.html...
TS. Bùi Thị Thanh Diệu
ThS. Vũ Thị Lê
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021)