Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong đó có nhóm nhiệm vụ về lĩnh vực du lịch – dịch vụ. Bộ VHTTDL đã đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận: giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú được áp dụng thời gian khá dài; hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, trợ cấp khó khăn cho họ khi phải chịu tác động du lịch được ban hành và thụ hưởng; đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168 giảm 80% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, nhìn ra tình hình chung thế giới, nhóm chính sách về tài khóa và tín dụng là ưu tiên hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ phục hồi và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính, ngành ngân hàng đề xuất các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ. Theo đó, Bộ VHTTDL cũng đồng kiến nghị xem xét để có gói tín dụng dành cho doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp du lịch.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, cần phải tập trung giải quyết vấn đề khó mà doanh nghiệp đang gặp phải là chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề. Do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh, một phần lao động của ngành này đã bắt đầu bỏ nghề và chuyển sang lao động khác.
Bộ trưởng thông tin thêm, chiều qua (14/10), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao nhiệm vụ cho Bộ phải khẩn trương ban hành hướng dẫn về vấn đề du lịch thích ứng an toàn để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc, không chỉ đơn lẻ ở từng tỉnh, được phép mở cửa thế nào, điều kiện an toàn ra sao, phương tiện giao thông phải được nhất quán. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang gấp rút trình theo tinh thần Nghị quyết 128.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ cũng sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai đưa ra thông điệp mạnh mẽ, nhất quán trên tinh thần tạo điều kiện tối đa nhất để doanh nghiệp được sớm trở lại hoạt động du lịch, đónggóp tích cực vào kinh tế xã hội của từng địa phương, qua đó góp phần cùng quốc gia mang lại giá trị kinh tế trong bối cảnh chúng ta đang khó khăn.
Trong lĩnh vực chỉ đạoquản lý, Bộ trưởng cho rằng cần phải tập trung nghiên cứu lựa chọn một số công việc có tính chất trọng tâm và nhất là định hướng để chuyển đổi. Bởi, đại dịch COVID-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động tâm lý, tình cảm, sở thích nguyện vọng. Qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Theo đó, nếu như trước đây, khách đi theo nhóm đông tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình.
"Bộ VHTTDL đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần một tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn sản phẩm du lịch. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam" - Bộ trưởng cho biết
Về đón khách quốc tế đến Việt Nam, ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết hiện nay ngoài Phú Quốc, nhiều địa phương đã chuẩn bị phương án trình cấp có thẩm quyền như Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa. Trong đó, Khánh Hòa trong tháng 10 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho toàn bộ nhân lực du lịch và đề xuất thí điểm đón khách quốc tế đến khu vực Cam Ranh. "Bên cạnh thí điểm tại Phú Quốc, chủ trương hiện nay là tạo điều kiện cho các địa phương khác nếu chủ động chuẩn bị đầy đủ điều kiện, như vậy sẽ tạo ra sức mạnh tổng lực" – ông Đoàn Văn Việt nói.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong giai đoạn thí điểm, khách du lịch quốc tế được ưu tiên lựa chọn từ các thị trường du lịch có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại một số khu vực như Đông Bắc Á, châu Âu, Trung Đông..., đáp ứng các yêu cầu về "hộ chiếu vaccine" và các điều kiện khác.
Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết hiện nay đã có cam kết của doanh nghiệp đưa du khách về từ thị trường Nga, ngoài ra thị trường Tây Âu, Israel cũng quan tâm đến Việt Nam. Tổng cục Du lịch đang phối hợp với Bộ Công an để hoàn thiện quy trình cấp thị thực, xét duyệt "hộ chiếu vaccine" cũng như chuẩn bị các điều kiện, sản phẩm cho chương trình thí điểm tại Phú Quốc.
Trao đổi tại tọa đàm, các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương đã đề cập khái quát những tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, Bộ VHTTDL cũng như TCDL trong việc đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Lữ hành Hà Nội Tourist cho biết, nhân tố quan trọng để phục hồi ngành Du lịch là nguồn nhân lực du lịch nên cần được quan tâm, đào tạo nghiệp vụ, nâng cao trình độ, hỗ trợ các điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội; đồng thời, ngành Du lịch cần chú trọng ứng d��ng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt du lịch.
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đề xuất Bộ VHTTDL thống nhất các tiêu chí về du lịch an toàn, thống nhất tiêu chí khi đi du lịch đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, chứng nhận tiêm vaccine cũng như quy định “vùng xanh” của các địa phương; đưa ra chính sách và bản đồ vaccine của toàn khu vực là điều rất quan trọng để người dân và du khách thấy được sự an toàn của điểm đến. Đồng thời, mong muốn có sự vào cuộc của tất cả các Bộ, Ban, ngành, các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí truyền thông trong việc đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức đi du lịch của du khách cũng như đẩy mạnh quảng bá điểm đến an toàn nhằm mở cửa đón khách quốc tế…
Tuấn Hải