Đặc biệt, rừng Sơn Động đã được bảo vệ nghiêm ngặt, khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử đã được thành lập là nơi sinh trưởng của các loài động vật quý hiếm như: hươu, hổ, khỉ, vượn, chó sói, chó ngao, gấu, lợn rừng, sơn dương, tê tê, cầy hương, vòi lang, sóc bay, sóc cảnh; trăn rừng, gà rừng, gà lôi, đại bàng đất, công rừng và hàng ngàn các loại chim rừng với các màu sắc khác nhau góp phần làm phong phú hệ động vật rừng. Ngoài ra, rừng Sơn Động còn có nhiều loại lâm sản quý hiếm như: ba kích, tắc kè, mật ong rừng, sa nhân, nấm hương, mộc nhĩ, măng và hàng ngàn loại cây thuốc nam. Hiện nay, Sơn Động có 4 điểm phát triển du lịch sinh thái như điểm du lịch Đồng Cao - Hang Vua thuộc xã Thạch Sơn, điểm du lịch Khe Rỗ xã An Lạc; điểm du lịch Suối đường lội đi hồ Khe Chão của xã Long Sơn; điểm du lịch suối Nước Vàng xã Thanh Sơn nằm dưới chân khu di tích lịch sử chùa Yên Tử.
Với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, Sơn Động mang những nét văn hóa độc đáo, tạo tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Các dân tộc này còn giữ được tiếng nói của dân tộc mình và nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như lễ cấp sắc, lễ cúng rừng, lễ cầu lương thực của đồng bào dân tộc Dao xã Tuấn Mậu, lễ hội bơi chải ở An Châu, lễ hội hát soong hao của dân tộc Nùng ở 6 xã khu vực Cẩm Đàn, hội hát then ở 5 xã vùng Vân Sơn, hát sình ca của dân tộc Cao Lan ở các thôn, bản thuần dân tộc Cao Lan... hay nghề bốc thuốc nam, nghề thêu thổ cẩm của người Dao dưới chân núi Yên Tử…
Để phát khai thác tiềm năng du lịch của huyện Sơn Động, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển hệ thống di tích danh thắng Tây Yên Tử, trong đó khu vực Đồng Thông của Sơn Động là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch phát triển. Hiện nay, dự án xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Đồng Thông đang được triển khai gồm nhiều hạng mục như xây dựng đường lên chùa Đồng, khu nhà điều hành, bãi đỗ xe, hồ nước, các khu dịch vụ... Tại xã An Lạc, Tổ chức GTV (tổ chức phi chính phủ của Italia) đã triển khai dự án “Phát triển du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ”. Dự án có sự tham gia của 103 hộ gia đình ở thôn Nà Ó, thôn Biểng, thôn Đội Mới và Đồng Bây. Đây là một dự án lồng ghép lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Giang theo hướng phát triển du lịch cộng động nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường một cách bền vững. Huyện ủy Sơn Động cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2011-2015. Trong đó vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn huyện như khôi phục các lễ hội truyền thống, động viên người dân mặc quần áo và sử dụng tiếng nói của dân tộc mình… được đặc biệt quan tâm.
Trong những năm qua, điểm du lịch sinh thái Đồng Cao - hang Vua, điểm du lịch Khe Rỗ thuộc khu bảo tồn Tây Yên Tử mỗi năm đón hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh về thăm quan. Tại đây khách du lịch được thưởng thức các món ăn đặc sản của rừng như cá suối nướng, món ốc suối luộc, mật ong rừng, hoa quả rừng, nghe những giọng hát then của dân tộc Tày, những bài sình ca của dân tộc Cao Lan…
Trước đây, nhiều nông dân ở vùng cao Sơn Ðộng, Bắc Giang chỉ biết làm nương rẫy thì nay đã có sự thay đổi. Du lịch cộng đồng đang mở ra cơ hội mới cho đồng bào vươn lên xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Song để phát huy tốt hơn loại hình du lịch cộng đồng, Sơn Động cần tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là khu nhà nghỉ trong các hộ dân; có kế hoạch trồng, thu hoạch và chế biến thảo dược theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản và các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương để phục vụ du khách; vận động và hướng dẫn người dân bản địa tích cực tham gia làm du lịch cộng đồng. Cùng đó, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, bảo tồn văn hóa các dân tộc tại những điểm du lịch này nhằm tạo sức hút với du khách... Ngoài ra, chính quyền địa phương cần quan tâm tăng cường quảng bá, hỗ trợ xúc tiến du lịch để thu hút nhiều du khách đến đây.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)