Lý giải về sự bứt phá ngoạn mục của ngành du lịch Cô Tô, đồng chí Nguyễn Đức Thành, nguyên Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô nhiệm kỳ 2010-2015 cho rằng: “Từ giai đoạn năm 2010 trở đi, khi du lịch biển đảo bắt đầu được quan tâm thì Cô Tô được khách du lịch tìm hiểu nhiều hơn. Sức hút lớn nhất của hòn đảo này chính là thiên nhiên kỳ vĩ, còn nguyên sơ gần như chưa có tác động của con người. Đây là địa điểm lý tưởng để những du khách ưa khám phá đến trải nghiệm với những bãi cát dài, mịn, trong xanh; những cánh rừng nguyên sơ xanh mướt cùng những bãi đá vô cùng đẹp; con người Cô Tô rất thân thiện. Mọi du khách đến với Cô Tô đều bày tỏ sự hài lòng hơn mong đợi của họ”.
Du khách thả mình dưới làn nước trong xanh và ngắm nhìn hoàng hôn tại bãi biển Vàn Chảy, Cô Tô. Ảnh: Minh Trung (CTV)
Được biết, ở Cô Tô, từ năm 2010, chính quyền địa phương đã quản lý rất chặt việc khai thác tài nguyên rừng, biển, như: Cấm tuyệt đối người dân chặt phá rừng, ngăn chặn việc sử dụng củi làm chất đốt mà thay vào đó là hỗ trợ ban đầu để người dân sử dụng chất đốt là than bùn, xây dựng bể chứa bioga và sau này là sử dụng gas làm chất đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày; hỗ trợ người dân xây dựng các công trình nhà vệ sinh hợp vệ sinh; khuyến khích sử dụng phương tiện đánh bắt hải sản hạn chế ô nhiễm môi trường, không dùng các biện pháp khai thác tận diệt nguồn lợi từ biển. Các giải pháp này được người dân rất đồng thuận, bởi đây là cách để giữ cho môi trường sống của họ tốt hơn và cũng là để tạo nên một hình ảnh đảo thân thiện trong mắt du khách - “điểm tựa” để họ phát triển kinh tế từ làm du lịch.
Đáng chú ý, từ năm 2013, khi Cô Tô hoà lưới điện quốc gia, ngành du lịch địa phương được ví như nàng công chúa xinh đẹp mới được đánh thức. Lúc này, người dân Cô Tô đã mạnh dạn vay tiền ngân hàng để xây dựng các nhà nghỉ, nhà hàng, đầu tư xe điện… để làm du lịch - điều mà trước đây họ chưa từng nghĩ tới. Từ chỗ dịch vụ du lịch rất sơ sài, đến nay, trên địa bàn huyện có 1.400 phòng nghỉ cùng hệ thống các homestay (nhà nghỉ gia đình) thân thiện, 130 xe du lịch từ 6 đến 16 chỗ chở khách trên đảo, mỗi ngày có tới 16 chuyến tàu chuyên chở du khách từ Vân Đồn ra Cô Tô và ngược lại. Song song với đó, Cô Tô đang tiếp tục làm mới hình ảnh du lịch của mình bằng cách thành lập Trung tâm thông tin du lịch; ban hành Bộ Quy tắc ứng xử du lịch bằng lời và hình ảnh, đưa công nghệ 3D vào trang web du lịch địa phương, phát hành Cẩm nang du lịch...
Cô Tô bây giờ “hút” khách cả 4 mùa, doanh thu từ du lịch đã làm giàu cho huyện đảo, tuy nhiên, chính quyền địa phương và người dân ở đây luôn nhắc nhở nhau rằng họ phải giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và môi trường cho hòn đảo này. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Bá Nam, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Cô Tô xác định phát triển du lịch theo hướng nhanh nhưng phải bền vững, không vì phát triển “nóng” mà phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Trong giai đoạn 2016-2020, chúng tôi sẽ tập trung vào 4 ưu tiên lớn, đó là: Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp; tạo mọi điều kiện để cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch; chú trọng công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân tham gia hoạt động du lịch.
Nguồn: baoquangninh.com.vn