UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu du lịch núi Cấm trở thành khu du lịch hành hương, nghỉ dưỡng, sinh thái đạt tiêu chuẩn quốc gia giai đoạn 2015 - 2020. |
Hoạt động du lịch ở núi Cấm đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thời gian qua. Các hộ gia đình sống dưới chân núi và các tuyến đường lên núi đã tham gia vào các hoạt động phục vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, bán quà lưu niệm... cho du khách. Sự phát triển của các sản phẩm du lịch đã có tác động thu hút khách du lịch đến với An Giang ngày càng tăng. Trong đó nổi bật là sự kiện khánh thành hệ thống cáp treo dài 3.461m với 89 ca bin đôi, công suất phục vụ 2.000 lượt khách/giờ, góp phần tạo nên sức bật cho hoạt động du lịch ở núi Cấm…
Tuy nhiên, du lịch ở núi Cấm vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Nguồn lực tham gia vào hoạt động du lịch hạn chế về số lượng lẫn chất lượng. Nhận thức của người dân về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia hoạt động du lịch chưa có chuyển biến sâu sắc. Sự trải nghiệm, khám phá văn hóa của du khách vẫn mờ nhạt. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa hoàn thiện và chưa đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, du lịch núi Cấm còn mang tính mùa vụ cao, mùa cao điểm chỉ diễn ra từ Tết dương lịch đến mùa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (tháng 4 âm lịch). Khu du lịch núi Cấm nằm xen lẫn khu dân cư nên đã phát sinh nhiều bất cật trong quản lý, khai thác du lịch...
Vì vậy, để phát triển du lịch ở núi Cấm, ngành Du lịch An Giang, chính quyền địa phương, các công ty du lịch và cộng đồng địa phương cần thực hiện những giải pháp phù hợp.
Hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc thù
Du lịch tâm linh được xem là sản phẩm du lịch đặc thù, là hướng ưu tiên quan trọng trong quy hoạch, kinh doanh và khai thác du lịch của núi Cấm với hoạt động chính dành cho du khách là hành hương và lễ Phật. Sản phẩm du lịch tâm linh ở núi Cấm mang lại cho du khách những trải nghiệm sâu sắc về các triết lý của Phật giáo. Những yếu tố hấp dẫn của hệ thống di sản văn hóa Phật giáo nơi đây là nguồn tài nguyên để thiết kế những sản phẩm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách. Thông qua đó, du khách được tham gia, tham quan, tìm hiểu, chiêm bái, thưởng thức, trải nghiệm không gian nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, kết cấu bày trí trong không gian văn hóa các ngôi chùa Phật giáo.
Khách du lịch nội địa tiếp tục là thị trường khách chính của du lịch Núi Cấm. Trong đó, khách du lịch tâm linh vẫn sẽ chiếm tỷ trọng chính. Tuy nhiên, khi các hoạt động du lịch tâm linh tổ chức đa dạng và phong phú hơn thì sẽ khắc phục được tính thời vụ, đồng thời các sản phẩm thị trường khách này sử dụng sẽ phong phú hơn, kéo dài thêm thời gian lưu trú của khách; tăng cường tính cạnh tranh trong phát triển du lịch. Để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch tâm linh cần tổ chức tốt việc đón tiếp và phân luồng du khách; cung cấp đầy đủ thông tin du lịch cho khách; chủ động nắm tình hình hoạt động của các đoàn khách hàng hương để kịp thời xử lý các hành vi mê tín dịđoan, lợi dụng tôn giáo thực hiện những hoạt động trái pháp luật, ảnh hưởng xấu đến đời sống cộng đồng và an ninh trật tự tại khu du lịch.
Xây dựng thượng hiệu du lịch
Cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch núi Cấm. Muốn du khách trở lại, ngoài việc khai thác tốt lợi thế, tiềm năng cần xây dựng chữ “tín” trong tất cả các dịch vụ phục vụ du khách. Quan tâm nhiều đến vấn đề truyền thông truyền miệng “mouth to mouth” trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh điểm đến. Vì thế, cần lưu lại những ấn tượng tốt trong lòng du khách về cảnh quan, những giá trị văn hóa tâm linh, sự thân thiện của người dân đại phương. Đây là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng thương hiệu cho du lịch núi Cấm và góp phần phát triển du lịch bền vững.
Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc xây dựng và định vị thương hiệu du lịch núi Cấm nhằm đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, mở rộng thị trường
Công tác quảng bá, xúc tiến tiềm năng du lịch của núi Cấm nên hướng vào việc đa dạng hóa các kênh thông tin, khai thác lợi thế của hệ thống thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua công tác tuyên truyền của báo chí, các trang web du lịch… Đẩy mạnh công tác truyền thông qua internet nhằm rút ngắn khoảng cách địa lý, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí…
Tăng cường hoạt động nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, sở thích của du khách đối với các loại hình du lịch đặc trưng của núi Cấm. Qua đó, xác định được phân khúc thị trường của loại hình du lịch tâm linh nhằm hoàn thiện các sản phẩm du lịch, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần thu hút đông đảo du khách. Cần có chính sách kích cầu vào mùa thấp điểm nhằm khắc phục tính thời vụ của du lịch núi Cấm. Phát triển thị trường học sinh, sinh viên với mục đích khám phá, thể thao, sinh thái trải nghiệm nông nghiệp, tham quan vườn ươm, trang trại. Thu hút thị trường khách du lịch gắn với mục đích thiền, nghiên cứu Phật học, các tôn giáo bản địa kết hợp với hành hương. Chú trọng phát triển các thị trường khách du lịch vui chơi giải trí, cắm trại, dã ngoại.
Thay đổi nhận thức và thu hút sự tham gia của các bên liên quan
Để người dân có thể tham gia vào hoạt động du lịch một cách có hiệu quả, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của họ về du lịch bền vững và ưu tiên sử dụng nguồn lao động địa phương, nguồn nguyên liệu tại chỗ càng nhiều càng tốt. Không chỉ vậy, từ các cấp quản lý cho đến các bên tham gia hoạt động du lịch cũng phải có sự thay đổi về nhận thức.
Bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững
Hiện nay, vẫn còn nhiều người dân địa phương săn bắt các loài động vật quý hiếm, các loài thuốc quý để bán cho du khách và lái buôn làm ảnh hưởng đến nỗ lực bảo tồn sinh thái, tính đa dạng sinh học của núi Cấm. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức đến cộng đồng địa phương và du khách; giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, hạn chế những việc làm ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học của người dân (chặt phá rừng bừa bãi, săn bắn động vật hoang dã); lắp đặt thêm các biển hướng dẫn, nhắc nhở khách bỏ rác đúng nơi quy định, đặt thêm thùng rác ở những điểm tham quan, trên phương tiện vận chuyển du khách; có biện pháp xử lý rác thải, nước thải ở các cơ sở lưu trú, ăn uống tốt hơn.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của du khách nhằm tạo môi trường du lịch thân thiện và chuyên nghiệp. Xử lý nghiêm khắc và có nhiều biện pháp đẩy lùi những tệ nạn chèo kéo, “chặt chém”, lừa gạt du khách. Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ an toàn, trật tự xã hội tại khu du lịch.
Thường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động các cơ sở, doanh dịch vụ ăn uống, điểm du lịch thực hiện tốt quy định bảo tồn đa dạng sinh học, không chế biến động vật hoang dã phục vụ du khách.
Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch
Cần tăng cường liên kết giữa đầu tư phát triển du lịch với các ngành và lĩnh vực khác, liên kết và phát triển sản phẩm du lịch giữa núi Cấm với các trọng điểm phát triển du lịch trong tỉnh An Giang, liên kết phát triển thị trường thành phố Hồ Chí Minh, liên kết với các điểm du lịch quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (Phú Quốc, Hà Tiên, Cần Thơ...). Trong đó, chú trọng liên kết phát triển du lịch núi Cấm với các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh như thành phố Châu Đốc, rừng tràm Trà Sư, cù lao Mỹ Hòa Hưng, Vàm Nao, cửa khẩu Tịnh Biên, các chùa Khmer...
Để thu hút du khách, Ban quản lý Khu du lịch Núi Cấm cần liên kết với các công ty lữ hành xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn nhiều đối tượng du khách; có những chính sách ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh du lịch khai thác các giá trị văn tự nhiên, văn hóa phục vụ du khách.
Xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật
Để phát triển du lịch núi Cấm phải có sự hỗ trợ, đầu tư thỏa đáng về dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí của chính quyền địa phương, các công ty du lịch. Vì vậy, cần tăng cường thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau.
Đầu tư nâng cấp phát triển hạ tầng xã hội về văn hóa, y tế, giáo dục, đủ điều kiện tiện nghi để có thể tham gia phục vụ khách du lịch. Chú trọng xây dựng và thực hiện đồng bộ việc phát triển các ngành liên quan (điện, nước, thông tin liên lạc…). Hệ thống cáp treo phải đảm bảo an toàn về chất lượng, tuổi thọ… nhằm bảo vệ tính mạng, sự an toàn tuyệt đối cho du khách...
Hy vọng, núi Cấm sẽ trở thành điểm đến không chỉ thu hút du khách bởi sự hấp dẫn của tài nguyên mà còn ở những chiến lược phát triển du lịch chuyên nghiệp.
ThS. Nguyễn Thị Mỹ Duyên
Trường Đại học An Giang