Du lịch môi trường là gì?
Du lịch môi trường là loại hình du lịch mới, xuất hiện đầu tiên ở Ai Cập vào những năm 1980. Đó là hình thức lữ hành đến những nơi có vấn đề về môi trường (tốt hoặc xấu hoặc cả hai) để có thể hiểu môi trường vốn là một động lực tạo nên các đặc trưng của hệ sinh thái nhân văn tại điểm đến, để có thể nhận ra môi trường có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống và thế giới quanh ta, nhận ra người dân bản địa đã sáng tạo hay hủy diệt môi trường sống và qua đó sáng tạo hay hủy diệt nền văn minh do chính mình tạo ra.
Du lịch môi trường được xây dựng trên quan niệm môi trường – kể cả môi trường hiện tại và lịch sử môi trường - là một đối tượng của du lịch, không kém các đối tượng khác như hệ sinh thái nguyên sơ, cảnh quan đẹp, nền văn hóa bản địa hay làng nghề thủ công truyền thống. Các yếu tố môi trường độc đáo luôn mang màu sắc bản địa, khác nhau tùy vùng miền, tạo ra những cấu trúc vật chất khác lạ, mà du lịch lại chính là tìm kiếm sự khác lạ (Tourism is looking for differences). Đền đài, vàng bạc, hội họa, kỹ thuật ướp xác, kỹ thuật xây dựng, văn tự,… chỉ là bề nổi của văn minh. Bảo vệ môi trường và thích nghi với những thay đổi môi trường mới là gốc rễ của văn minh, điều mà người xưa chứa ngộ được! Hủy hoại môi trường là điều kiện tiên quyết của sự hủy diệt không thể chống đỡ, đó là thông điệp chính mà du lịch môi trường mang lại cho du khách.
Từ trải nghiệm đó, du khách sẽ có nhận thức và thái độ đúng đắn hơn về môi trường. Du khách tham gia du lịch môi trường cũng có thể được tổ chức thực hiện những hành động tự nguyện góp phần bảo vệ môi trường ngay tại điểm đến, như một sự trải nghiệm nho nhỏ (ví dụ tham gia trồng cây, thu gom dầu trên bãi biển,…). Vào ngày Làm cho thế giới sạch hơn (tổ chức vào chủ nhật tuàn thứ 3 của tháng 9 hàng năm) tại Hà Nội, Đại sứ quán Australia đã thu hút rất đông du khách nước ngoài đang có mặt ở Hà Nội tham gia nhặt rác quanh hồ Hoàn Kiếm, tạo ra nét độc đáo của Du lịch Thủ đô.
Ai Cập, định vị ở phần Bắc sa mạc Sahara, đã khai thác triệt để các tour xuyên sa mạc và đến thăm các ốc đảo bằng lạc đà để du khách có thể nhận thức được thế nào là sa mạc và sa mạc hóa. Đây là loại hình lữ hành đầy gian khổ và tốn kém nhưng không mấy khi vắng du khách.
Du lịch môi trường có thể có điểm đến riêng của mình, thường là điểm có dấu tích lịch sử môi trường độc đáo, đáp ứng hiếu kỳ của du khách như mỏ cũ, hố tử thần, khu vực bán hoang mạc, các khu rừng khai quang và tái sinh, tín ngưỡng thờ kính thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học, mô hình cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Tuy nhiên, nó cũng thường sử dụng chung điểm đến của các loại hình du lịch khác như: khu bảo tồn thiên nhiên hay vườn quốc gia, cảnh quan đẹp, di tích lịch sư văn hóa, làng nghề truyền thống,…, nhưng khác ở chỗ nó khai thác thêm các yếu tố môi trường (cả tốt lẫn xấu, miễn là hấp dẫn) tại các điểm đến vốn đã quen thuộc này, góp phần làm mới điểm du lịch, qua đó kéo dài thời gian và gia tăng sự chi trả tự nguyện của du khách.
Một số kinh nghiệm quốc tế
Phá rừng và sự lụi tàn của Văn minh Maya
Nền văn minh đặc sắc được người Maya, một bộ tộc thổ dân châu Mỹ, xây dựng từ năm 1.000 trước CN trên bán đảo Yutacan - nằm tại Đông Nam Mexico. Đến thế kỷ 10 sau CN, nền văn minh rực rỡ 2000 năm lịch sử này bị sụp đổ. Nghiên cứu cho thấy ngay từ năm 250 đến 800 sau CN, Maya đã có dân số khá đông. Họ đã xây dựng những công trình thủy lợi phức tạp, nhà ở, lăng tẩm… Rừng thông bị đốn trụi để lấy gỗ làm lâu đài và lấy nhựa, kéo theo hậu quả tai hại là các vùng đất dốc bị xói mòn. Đất bị cạn kiệt dinh dưỡng, chế độ mưa rối loạn, gây ra hạn hán và lũ lụt. Nước mưa không được thảm rừng bẫy giữ tạo điều kiện cho nước mặn tấn công vào các bồn nước ngầm. Vào khoảng năm 800, toàn bộ các vùng đất còn lại bị đưa vào canh tác, nhưng nạn đói kinh khủng vẫn xảy ra giết chết một phần lớn dân tộc Maya. Số còn lại có thể “giết nhau giành sự sống”
Suy thoái môi trường hủy diệt văn Minh Angkor
Người Khmer xưa đã xây dựng tại Angkor một hệ thống kênh rạch và hồ chứa phức tạp phục vụ cho thương mại, giao thông và thủy lợi. Khi dân số tăng lên, hệ thống kênh rạch bị cản trở dẫn đến thiếu nước, ô nhiễm, dịch bệnh và bị lũ lụt hoành hành. Để đáp ứng cho số dân tăng thêm, người ta đã khai quang những cánh rừng trên các ngọn đồi quanh Angkor để mở rộng vùng đất trồng lúa. Đất trống trọc làm cho kênh bị bồi lấp khi mưa to. Sự phá hủy hệ thống thủy lợi với lượng cư dân ngày càng đông đã dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng khác về môi trường trong đó có sự ô nhiễm, dịch bệnh (dịch hạch). Điều đó dẫn đến mùa màng thất bát do lũ lụt và hạn hán. Trong khi trước đó mỗi năm có 3 vụ lúa - điều này đã góp phần cốt yếu cho sự thịnh vượng và quyền lực của đế chế Khmer. Sự giảm sút mùa màng, dịch bệnh đã làm cho đế quốc này suy yếu thêm. Sau năm 1352, người Thái thuộc tiểu vương quốc Ayutthaya đã mở nhiều cuộc tiến công vào đế quốc Khmer nhưng đều bị đánh bật. Nhưng cuối cùng, năm 1431, đã chiếm được Angkor, mở đầu cho sự suy tàn của thành phố cổ kính và thuộc loại lớn nhất thế giới đương thời,
Văn minh Ấn Hà sụp đổ do biến đổi môi trường
Chỉ đến năm 1922, khi các nhà khảo cổ học người Anh trên đường tìm kiếm dấu vết của Alexander Đại đế đã khám phá những phần còn lại của một nền văn minh chưa được biết đến trong thũng lũng sông Indus (Ấn Hà) Pakistan
Nghiên cứu khảo cổ học cho biết, lượng mưa thời kỳ đó giảm mạnh, làm khô cạn hệ sông Indus, vốn đóng vai trò quyết định đến sự sống còn của cư dân. Đồng bằng sông Indus trong khoảng năm 2600 trước CN có nhiều rừng và thú, ẩm ướt và xanh tươi. Vào khoảng 1.800 năm trước CN, khí hậu trong lưu vực Indus đã thay đổi, trở nên lạnh và khô hơn.
Hệ sông Indus lại bị sông Hằng (Ấn Độ) đoạt dòng do nguyên nhân địa chất, làm một diện tích đáng kể đất nông nghiệp phì nhiêu đã bị suy thoái, mà nền văn minh đô thị và rất cần nước này đã không vượt qua được…
Sự bất trắc của hai dòng sông Tigris và Euphrates tạo ra lịch sử thăng trầm của văn minh Lưỡng Hà
Lưỡng Hà là một trong những nền văn minh xuất hiện sớm nhất mà nhân loại biết đến, có trình độ phát triển cao về mọi mặt. Văn minh Lưỡng Hà được định hình bởi hai yếu tố đối lập: sự bất trắc của hai dòng sông Tigris và Euphrates (vào bất kỳ lúc nào cũng có thể gây ra những trận lũ lụt lớn quét sạch các quần cư), và sự màu mỡ đặc biệt của hai vùng châu thổ do phù sa của chính hai dòng sông tạo ra. Nếu sự giàu có của Lưỡng Hà có sức hấp dẫn đối với nhiều tộc người xung quanh thì những thời kỳ suy sụp do thiên tai gây ra cho Lưỡng Hà lại là cơ hội cho những cuộc chiến tranh của các đế chế lân cận nhằm cướp đoạt lãnh thổ. Vì thế dễ thấy lịch sử Lưỡng Hà là sự kế tục của nhiều đứt đoạn khi một triều đại mới văn minh hơn và mạnh hơn thay thế cho một triều đại trước đó.
Ngoài lũ lụt bất trắc, Lưỡng Hà còn bị một trận “Đại hồng thủy” vào cuối triều đại đế chế thứ 13 (Tân Babylon – thế kỷ 6 trước CN). Một truyền thuyết được coi là cổ xưa nhất về Đại hồng thủy được ghi lại trong cuốn sách đá của nền văn minh Lưỡng Hà. Trong những năm 1920, nhà khảo cổ học người Anh Leonard Wooley khi khai quật ở khu vực phía Nam Lưỡng Hà (được coi là nơi sinh Abraham, tổ phụ của dân Do Thái) đã phát hiện các vỉa bùn sâu nằm dưới nước. Ngoài ra còn có nhiều dấu vết nhà cửa vật dụng bằng gốm chìm dưới tầng bùn. Gần đây, các nhà khoa học tìm thấy dấu tích của một chiếc tàu lớn trên một đỉnh núi cao gần 2.000m tại Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cho rằng đó là chiếc tàu nổi tiếng của Noah, được ghi chép trong sách Sáng Thế ký. Như vậy Đại hồng thủy là có thật.
“Phát triển thịnh vượng - suy sụp do thiên tai – chiến tranh hủy diệt – lại phát triển thịnh vượng nhưng do đế chế khác cai quản” là một kiểu chu kỳ của văn minh Lưỡng Hà trong suốt 4 thiên niên kỷ trước CN. Những chủ nhân của Lưỡng Hà rất giỏi tạo ra văn minh nhưng cũng rất mỏng manh do kém thích ứng với biến động môi trường và địch họa, vì thế mà nói “Lịch sử văn minh Lưỡng Hà là sự liên tục của những đứt đoạn”.
Tàn phá rừng hủy diệt nền văn minh của đảo Phục sinh
Nền văn minh bí ẩn trên của đảo Pâques (đảo Phục Sinh), nơi nổi tiếng toàn cầu vì gần một ngàn bức tượng đá khổng lồ (cao từ 4 đến 20m, nặng từ 10 đến 270 tấn) được đẽo gọt trau chuốt, đã tàn lụi vào khoảng cuối thế kỷ 15. Các nhà khoa học đã phát hiện ra các vết phấn hoa sót lại cho thấy ngày xưa từng có giống cọ Jubaea cao hơn 30m mọc tươi tốt và là thành phần chính yếu của thảm thực vật trên đảo. Sau nhiều cuộc khảo cứu, giới khoa học làm rõ (theo phân tích đồng vị phóng xạ khá chính xác) kết cục đau buồn của văn hóa Pâques chỉ diễn ra trong vòng 150 năm kể từ năm 1300.
Dân trên đảo đã đốn hạ rừng cây nguyên thủy để làm con lăn vận chuyển hàng ngàn bức tượng thờ khổng lồ (moai), để làm nghi lễ tôn giáo. Thêm vào đó theo nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học dưới sự chỉ đạo của Terry L. Hunt từ Đại học Hawaii, người Polynesia khi đến đảo đã vô tình đem theo loài chuột Thái Bình Dương (Rattus exulans) trên thuyền. Khi thuyền cập đảo, chuột xổng lên đảo. Chúng gặm sạch các quả cọ, không còn để mầm cọ phát triển, khiến quá trình hủy diệt các cánh rừng cọ trên đảo diễn ra nhanh hơn. Người và chuột đua nhau phá nên rừng bị xóa sổ vào khoảng năm 1500.
Với một hòn đảo không lớn bị cô lập giữa biển cả mênh mông, nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu là sống còn và bao giờ cũng là nguồn tài nguyên rất hạn hẹp. Muốn có nước thì phải có rừng. Rừng phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Hủy diệt rừng thì hết nước, nhất là không còn nguyên liệu làm thuyền đánh cá, cạn nguồn thực phẩm (cá, chim, thú, hoa, quả). Nạn đói hoành hành bi thảm. Năm 1860 dân chúng nổi dậy đánh đổ giới cầm quyền của đảo, sau đó đập phá luôn các pho tượng một thời là biểu tượng của nền văn minh Pâques.
Khả năng phát triển du lịch môi trường ở Việt Nam
Môi trường là một bộ phận cấu thành nền văn minh của mọi quốc gia và cả nhân loại. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Có rất nhiều “di chỉ môi trường” ở mọi miền mà du khách sẵn lòng chi trả để được chiêm ngưỡng hoặc trải nghiệm các vấn đề môi trường đang diễn ra, thậm chí đã diễn ra trong quá khứ lịch sử xa xôi.
Cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng với nền “nông nghiệp hốc đá” nhằm thích ứng với hiện tượng xói mòn kiểu “rút ruột”; những vùng đá vôi karst trải dài từ Hà Giang đến Quảng trị với những “hố tử thần” mà người Sơn La quen gọi “cửa biến”; ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ ở Tây Bắc; mô hình nhà thích ứng với lũ lụt ở Kim Long - Huế hay Hội An; các cảnh quan xói lở trải dài suốt bờ biển; những trận lở đá khủng khiếp còn để lại các di tích cũng như trong các truyền thuyết ở Ba Vì (Hà Nội), Tây Giang (Quảng Nam), “tiểu sa mạc” cát đỏ ở Mũi Né, Bình Thuận, “ốc đảo” trên cồn cát Bàu Trắng ở Bắc Bình Thuận; rất nhiểu khu mỏ cũ bỏ hoang trong lịch sử hàng trăm năm khai thác khoáng sản, vùng nhiễm Dioxine ở A Lưới - Thừa Thiên Huế,…Đó chỉ là một số ít trong kho tài nguyên cực kỳ đa dạng của du lịch môi trường Việt Nam.
Du lịch thiên tai là một dạng của du lịch môi trường nếu như nhà cung ứng dịch vụ du lịch không chỉ khai thác thiên tai như một bối cảnh mà còn chú ý thích đáng đến cách ứng xử thiên tai của cộng đồng địa phương. Lọai hình du lịch mới mẻ này cũng đang khởi sắc ở nhiều nơi.
Mưa Huế có thể coi là nét môi trường đặc trưng nhất của Huế. Dự án du lịch Làng Mưa (tại bãi bồi Lương Quán, xã Thủy Biều, TP. Huế) đã được khởi công với sự trợ giúp của Singapore. Nhiều loại hình nghệ thuật liên quan với mưa có thể trở thành sản phẩm du lịch Huế như ngắm mưa, thiền mưa, thưởng thức các món ăn Huế ngày mưa, tự làm đồ lưu niệm trong thời gian mưa lụt...
Đà Nẵng xây dựng dự án Công viên bão, gồm các hoạt động cả ngoài trời lẫn trong nhà với hệ thống công viên, khách sạn và công trình bão được Hiệp hội Kiến trúc quốc tế thiết kế riêng phù hợp với thành phố bão Đà Nẵng…
Hội An chọn lũ lụt để xây dựng các sản phẩm du lịch như ngắm cảnh quan tổng thể của nhà cổ Hội An trong nước lũ dâng cao, đi thuyền tham quan các ngõ ngách quanh co của phố cổ, chụp ảnh, khám phá đời sống dân cư ngày lụt, dừng chân ở các quán cao lầu, cà phê trên tầng 2, tầng 3 của các ngôi nhà cổ để thưởng thức các loại hình nghệ thuật trong mưa...
Thách thức lớn nhất của du lịch môi trường là chọn được các yếu tố môi trường thích hợp để xây dựng các sản phẩm du lịch. Nó phải đáp ứng nhu cầu của du khách. Điều đó đòi hỏi sự kết hợp các chuyên môn du lịch và môi trường, đặc biệt là kỹ năng và kiến thức của hướng dẫn viên cũng như khả năng tiếp thị của các hãng lữ hành. Để biến tiềm năng thành “món ăn” du lịch hấp dẫn, cần xuất phát ngay từ quá trình đào tạo và tái đào tạo chuyên viên lữ hành, từ nghiên cứu và xây dựng sản phẩm du lịch./.
PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe